CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 02:53

Trẻ em gái và trẻ em trai Việt Nam có nguy cơ bị buôn bán như nhau

08/11/2019 | 10:45
 
Khoảng 5,6% trẻ em ở Việt Nam có nhiều khả năng có các trải nghiệm liên quan đến buôn bán trẻ em. Trẻ em có nguy cơ bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc. Buôn bán trẻ em xuất hiện ở trong nhiều ngành nghề khác nhau, và các em gái/nữ thanh niên, các em trai/nam thanh niên đều có nguy cơ như nhau… là một vài kết quả chính từ Nghiên cứu “Thắp sáng hy vọng: Di cư, bóc lột và nạn buôn bán trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam”, do Coram International thực hiện với sự hợp tác của UNICEF Việt Nam, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và UNICEF Vương Quốc Anh mới được công bố hồi tháng 8/2019. 
 
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết, nhóm nghiên cứu đã thực hiện hai cuộc khảo sát lớn từ năm 2017. Đó là khảo sát thực hiện trên 3.885 trẻ em và thanh niên tại 36 xã trên toàn quốc để tìm hiểu về việc làm, cuộc sống, những vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em. Sau đó, 769 hộ gia đình được chọn ra để thực hiện khảo sát phỏng vấn chủ hộ gia đình. Những hộ gia đình tham gia khảo sát này đều có trẻ em vắng mặt trong gia đình.
 
Ngoài hai cuộc khảo sát lớn kể trên, nghiên cứu còn thực hiện khảo sát 84 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-24 được chính thức công nhận là nạn nhân bị buôn bán đã và đang được hỗ trợ thông qua các cơ sở Bảo trợ xã hội của Nhà nước hoặc các chương trình trợ giúp khác.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 5,6% trẻ em trong diện khảo sát có thể đã có những trải nghiệm, dấu hiệu cho thấy là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Tuy nhiên, chỉ có 2,8% được xác nhận là nạn nhân... Trẻ em gái, nữ thanh niên hay trẻ em trai, nam thanh niên đều có mức độ nguy cơ giống nhau.
 
“Các số liệu đáng tin cậy, được bóc tách về độ tuổi và giới tính liên quan đến bóc lột và buôn bán trẻ em có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công tác xây dựng chính sách và chương trình, góp phần thúc đẩy công tác lập kế hoạch trong cung cấp dịch vụ và tạo điều kiện cho sự tham gia của các nạn nhân và gia đình họ. Đồng thời, cần thiết cần phải có các biện pháp phòng ngừa và ứng phó nhạy cảm về giới”, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết. 

Cơ quan chức năng Trung Quốc làm thủ tục trao lại trẻ em bị lừa bán cho cơ quan chức năng Việt Nam. Ảnh Nguyễn Khánh
 
Bằng chứng từ nghiên cứu đã xác nhận những tác động tiêu cực mà nạn nhân buôn bán phải gánh chịu. Họ cũng phải đối mặt với tổn thương và những thách thức trong việc tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. 
 
Một cán bộ của một trung tâm bảo trợ xã hội cho biết: “Một vài trẻ có tâm lý bất ổn khi đến trung tâm. Chẳng hạn như một trẻ đã từng bị lạm dụng hay bị đau đầu và luôn khóc mỗi khi nhớ lại quá khứ của mình. Cô bé cũng luôn cúi mặt và đeo khẩu trang mỗi khi gặp mọi người. Đó là nỗi sợ hãi bị lạm dụng. Cô bé nói luôn sợ sệt khi nghĩ về khoảng thời gian còn ở bên Trung Quốc”. 
 
Về các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, phần lớn các dịch vụ đều được đặt trong các cơ sở hỗ trợ nạn nhân - nơi họ được cung cấp chỗ ở và nhận một gói các dịch vụ hỗ trợ cho đến khi nạn nhân có thể trở về với gia đình/cộng đồng. Ngoài việc cung cấp chỗ lưu trú và đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của nạn nhân, các cơ sở hỗ trợ thường có cả hỗ trợ tâm lý/cảm xúc trong đó có tham vấn; tư vấn hoặc đại diện pháp lý; giáo dục cơ bản, giáo dục dạy nghề cũng như chuyển tuyến nạn nhân tới các cơ sở y tế và tâm lý chuyên biệt. Ngược lại, các dịch vụ hỗ trợ ở cộng đồng thì rất hiếm. 
 

Lực lượng chức năng hỗ trợ tiền cho các nạn nhân bị lừa bán về quê. Ảnh Nguyễn Khánh
 
Theo các cán bộ cơ sở hỗ trợ nạn nhân, họ có đánh giá nhu cầu của thân chủ, tuy nhiên vẫn chưa lưu tâm đến một kế hoạch cá nhân hóa dài hạn, trong đó giải quyết các nguy cơ tái bị buôn bán, bị kì thị và bị gạt ra ngoài lề xã hội. 
 
Nhận xét về các dịch vụ hỗ trợ, phần lớn người đã tiếp cận dịch vụ được hỏi cho biết là họ thấy hài lòng với những hỗ trợ đã được nhận. Một số người hưởng lợi được phỏng vấn đã mô tả những trải nghiệm rất tích cực và nhiều người bày tỏ đánh giá cao và sự hài lòng nói chung về các dịch vụ hỗ trợ: Một nạn nhân từng được hỗ trợ cho biết: “Trong hai năm qua, tôi được hỗ trợ ăn uống, chỗ ở, vé tàu xe đến trung tâm và đồ dùng học tập. Tôi có thể ăn uống thoải mái vì ở đây tôi sống với những người cùng cảnh ngộ nên không có sự ghen tị và chúng tôi sống hòa thuận với nhau. Đó là một nơi an toàn và vui vẻ. Nó như ngôi nhà thứ hai của tôi vậy…”. 
 
Nhìn chung, các trợ giúp pháp lý và tâm lý được cho là có giá trị với người hưởng lợi, trong khi đó những hỗ trợ liên quan đến giáo dục và học nghề chưa đạt được mong đợi. Trong Khảo sát, 69,77% nhận các dịch vụ trợ giúp pháp lý trong khi chỉ có 26,2% nhận hỗ trợ giáo dục và 30,2% nhận hỗ trợ học nghề. 
 
Đê phòng ngừa và giải quyết vấn nạn buôn bán trẻ em, Báo cáo đưa ra các khuyến nghị, bao gồm: Thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp trong đó công tác phòng ngừa và ứng phó với buôn bán trẻ em cần được lồng ghép vào các nỗ lực hiện nay của chính phủ trong việc phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện. Cần ưu tiên tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận giáo dục, kỹ năng và cần giới thiệu các cơ hội việc làm an toàn, các chương trình tạo sinh kế cho các trẻ em lớn tuổi hơn và thanh thiếu niên. 
 
Báo cáo cũng khuyến nghị các chương trình như thế cần lồng ghép các thông điệp phòng ngừa buôn bán người để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các rủi ro và nguy cơ mà trẻ em trai và trẻ em gái có thể gặp phải và bồi dưỡng năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật cũng như tích cực giảm thiểu tổn thương mà nạn nhân gặp phải.
 

 

Minh Trí/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.