THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:22

Trẻ em ở Hà Nội sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 theo phương án nào từ tháng 11?

29/10/2021 | 07:17
Hiện tại, Hà Nội đang rà soát, lập danh sách trẻ em đăng ký tiêm vaccine Covid-19 tại các phường, xã. Tuy nhiên, việc tổ chức tiêm cụ thể vẫn phải chờ khi vaccine được phân bổ và thông qua việc khám sàng lọc.

Từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất (đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng).

2 ngày qua, 40.000 trẻ ở TP.HCM đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 an toàn.

2 ngày qua, 40.000 trẻ ở TP.HCM đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 an toàn.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 27/10, Thành phố đã triển khai tiêm được hơn 9,5 triệu mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó có hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 98% dân số trên 18 tuổi và 72,5% tổng dân số) và gần 3,5 triệu mũi 2 (đạt 56,93% dân số trên 18 tuổi và 42,1% tổng dân số).

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn chưa từng có. Giá trị của vaccine Covid-19 là giảm thiểu các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, từ đó giảm các ca bệnh nặng và tử vong. Như tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, 53 nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine bị nhiễm Covid-19, chỉ 3 trường hợp cần hỗ trợ thở máy.

Do đó, việc tiêm vaccine cho trẻ là rất cần thiết, đặc biệt là khi trẻ trở lại trường học. Hiện thành phố Hà Nội đã có 2 phương án triển khai tiêm.

Phương án 1: Nếu học sinh đi học đầy đủ sẽ tiêm tại trường học bởi thời gian qua ngành Y tế và ngành Giáo dục đã phối hợp rất tốt trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Phương án 2: Nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ triển khai tiêm tại cộng đồng với phương châm bảo đảm an toàn nhất cho trẻ em.

Hiện, ngành Y tế Thủ đô cũng đã lên danh sách khoảng 680 - 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vaccine Covid-19. Sở Y tế sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ lượng vaccine cần thiết. Nếu vaccine không đủ, Thành phố sẽ tiêm từ độ tuổi cao đến độ tuổi thấp. Nếu bảo đảm được nguồn vaccine, thành phố sẽ triển khai tiêm diện rộng cho trẻ, có thể tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi.

Căn cứ vào lượng vaccine được phân bổ, TP. Hà Nội sẽ có kế hoạch tiêm cho trẻ em từ lứa tuổi cao xuống thấp, thống nhất trên 30 quận huyện thị xã. Với quận huyện sẽ triển khai theo đúng kế hoạch. Việc tiêm quay vòng trở lại với các khối lớp sẽ không có khó khăn gì và không ảnh hưởng nhiều đến học tập của các em.

Về vấn đề có một số phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm vaccine ở trẻ, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm xong cho trẻ từ 12-17 tuổi, thậm chí đang triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Trẻ từ 12 tuổi có cơ thể phát triển tương đương người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 để có được chỉ định chính xác, bảo đảm tiêm an toàn, đúng đối tượng vì hiện nay, nhiều trẻ em trong độ tuổi 12-17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, bao gồm ung thư, tim mạch, tiểu đường...

Cũng theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm sẽ khó khăn hơn với người lớn bởi khi trẻ tiêm sẽ có thêm người nhà đi cùng. Trẻ lại thường hay có tâm lý lo sợ .

Vì vậy, để công tác tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn cần tập trung vào 3 vấn đề: Thứ nhất là các cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như chuẩn bị các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại các trường học...; Thứ hai là công tác chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần động viên, trấn an các trẻ để tránh tâm lý lo sợ, tương tự như khi tiêm các loại vaccine khác; Thứ ba là công tác theo dõi sau tiêm cho trẻ rất quan trọng.

Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, trẻ nhỏ tuổi đôi khi chưa thể tự theo dõi và thông báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó, gia đình cần quan tâm phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao.

Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em cũng như quy trình tiêm cho người lớn. Cần thực hiện khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định, là các trường hợp liên quan đến phản ứng phản vệ ở mức độ 2. Còn lại các trường hợp khác đều có thể chỉ định tiêm.

PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng, cần tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này, vì đây là đối tượng nguy cơ cao.

Việt Cường
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Làm gì để giảm đau, khó chịu cho trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19

Làm gì để giảm đau, khó chịu cho trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19

2 năm trước

Sau khi trẻ tiêm vaccine, phụ huynh có thể làm giảm đau và khó chịu nơi vị trí tiêm cho trẻ bằng cách đắp khăn sạch, mát và ướt lên vị trí này, kèm vận động cánh tay trẻ nhẹ nhàng.