THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 09:46

Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai cần bổ sung dinh dưỡng ra sao để giảm nguy cơ mắc Covid-19

29/02/2020 | 07:39

Ngày 28/2 tại Hà Nội, Báo Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng sức đề kháng phòng, chống dịch Covid-19”. Với sự tham gia của các khách mời: GS, TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia; PGS, TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; PGS, TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia; BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; TS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Tọa đàm “Tăng sức đề kháng phòng, chống dịch Covid-19” đưa ra nhiều thông tin rất hữu ích

Các chuyên gia đã chia sẻ về công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona - Covid-19 tại Việt Nam; về năng lực điều trị của Việt Nam cũng như cung cấp thông tin khoa học về chế độ thực phẩm đầy đủ, cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng; các biện pháp đơn giản tự bảo vệ bản thân tại gia đình… để góp phần giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. 



BTC tặng hoa các chuyên gia

Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.

GS, TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

Cần nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh

GS, TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong việc tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe của người dân, Viện Dinh dưỡng có trách nhiệm đưa ra những cái lời khuyên hợp lý để bảo đảm tốt sức khỏe trong dịch bệnh.

Hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh tuy là nói không đặc hiệu và cơ chế hình thành không giống như cách các vaccine tạo ra hệ thống miễn dịch chủ động, nhưng cũng là hàng rào bảo vệ đầu tiên để tránh virus xâm nhập vào trong cơ thể.

Hơn nữa, kể cả hệ miễn dịch bẩm sinh cũng như hệ miễn dịch chủ động, đều hình thành qua các tế bào lympho T, lympho B và đều cần có các nguyên liệu để nó phát triển. Mỗi người sinh ra nặng trung bình khoảng 3kg và nặng trung bình khoảng 52-53kg khi lớn lên. Trọng lượng 50kg mà chúng ta tăng lên do thức ăn, vitamin, chất khoáng, các protein được thu nạp trong quá trình trưởng thành. Cùng với quá trình lớn lên thì hệ miễn dịch của con người cũng ngày càng hoàn chỉnh thông qua hấp thu các chất dinh dưỡng, qua tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiêm vaccine để tạo ra các miễn dịch chủ động. Như vậy chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng.

Đối với đối tượng nguy cơ cao như trẻ em và bà mẹ mang thai, để đối phó với dịch Covid-19, GS, TS Lê Danh Tuyên đưa ra lời khuyên: Bình thường trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý để bảo đảm nền thể lực và hệ miễn dịch bảo đảm thật tốt. Trẻ em là cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, chúng ta càng cần phải chú ý trong nuôi nấng trẻ nhỏ. Mỗi bệnh nhân có mức độ nặng nhẹ khác nhau là do sức đề kháng khác nhau.

Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải cho bú sữa mẹ, để các em có được kháng thể tự nhiên từ sữa mẹ. Về các chế độ ăn uống, tăng cường vi chất, phải hết sức lưu ý để trẻ nhỏ có sức đề kháng tốt.

Với bà mẹ mang thai, phải được cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao khẩu phần ăn của bà mẹ. Hằng ngày, chúng ta ăn khoảng 60 chất khác nhau, nhưng có 40 chất cơ thể không tự tổng hợp được, khi đó, phải lấy từ thức ăn. Do đó, chúng ta phải cung cấp đa dạng thực phẩm, thuộc nhiều nhóm khác nhau: đạm, dầu mỡ, tinh bột, rau xanh…

Đặc biệt với đối tượng nguy cơ cao như trẻ em và bà mẹ mang thai, phải tránh yếu tố lây nhiễm, tránh đến nơi đông đúc hoặc tiếp xúc người có nguy cơ cao. Khi đó, phải rửa tay thường xuyên khi sờ vào các vật dụng như nắm cửa, tay vịn cầu thang,… sử dụng khẩu trang. Bà mẹ và trẻ em phải thường xuyên duy trì mức độ ăn uống tốt, đa dạng, đủ chất. 

 Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

 Viện Dinh dưỡng quốc gia đã xây dựng Tháp dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi, với mục đích hướng dẫn cho người dân lượng thực phẩm cần sử dụng trong một ngày để có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đó là

1. Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-5 tuổi

2. Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ 6-11 tuổi

3. Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 12-14 tuổi

4. Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 15-19 tuổi

5. Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành

6. Tháp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và nuôi con bú

Tháp dinh dưỡng có sáu tầng từ trên xuống (từ đỉnh tháp xuống đáy tháp), mỗi bữa ăn cần có hơn 10 loại thực phẩm từ các tầng của tháp. Các thực phẩm ở tầng càng cao thì càng cần hạn chế khi cho trẻ em ăn. Tuy vậy, không phải cứ thực phẩm ở tầng dưới là có thể ăn thoải mái mà chỉ nên ăn theo mức đã được khuyến cáo. Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu khuyến nghị, cần ăn theo đúng số lượng đơn vị ăn tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm được thể hiện trên tháp.

Trên Tháp dinh dưỡng có phân các loại thực phẩm theo nhóm khác nhau với từng đơn vị ô, trên cùng của tháp có đơn vị bao nhiêu. Chúng tôi có tính các đơn vị ăn là bao nhiêu, thí dụ như thìa cà-phê là bao nhiêu để dễ hình dung. Hiện nay, các tháp dinh dưỡng này đều có tại các trạm y tế xã, trên các trang web của Viện Dinh dưỡng quốc gia hay Bộ Y tế đều có các thông tin này.

Về chế độ ăn, phải thực hiện nghiêm ngặt việc ăn chín uống sôi, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường các loại thực phẩm cung cấp các vi chất. Nhà nước đã đưa ra Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Theo đó, bắt buộc phải tăng cường vi chất như muối tăng cường i-ốt, bột mì phải tăng cường sắt, kẽm vào. Vì vi chất tham gia vào các phản ứng của cơ thể, đặc biệt là thành phần của các enzym. Vì thế, khi thiếu vi chất dinh dưỡng, sẽ không đủ khả năng để xây dựng hệ miễn dịch tốt cho cơ thể.

Cần cho trẻ ăn đa dạng và đầy đủ các thực phẩm tăng cường miễn dịch tự nhiên

Về vai trò của dinh dưỡng, tiêu hóa đối với việc tăng sức đề kháng cho trẻ em, TS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Đối với trẻ lớn hơn, chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ có cân nặng và chiều cao đạt tiêu chuẩn, với số lượng như tháp dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng cụ thể cho các loại thực phẩm như cơm, thịt/cá, sữa, rau và quả chín.

Cần cho trẻ ăn đa dạng và đầy đủ các thực phẩm tăng cường miễn dịch tự nhiên như thịt/cá/trứng, các loại quả chín, các loại sữa chua có probiotic cũng giúp tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng.

PGS, TS Bùi Thị Nhung

Bên cạnh đó, việc bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. PGS, TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay: Các nghiên cứu cho thấy, nếu có một hệ vi khuẩn đường ruột tốt, có lợi sẽ giúp cho chúng ta tăng cường hệ miễn dịch. Như vậy, để có một hệ vi khuẩn ứng dụng tốt, điều đầu tiên, chế độ ăn của chúng ta phải hợp lý và cũng có đủ chất xơ. Bởi vì, chất xơ là thức ăn của các vi khuẩn probiotic. Ngoài ra, có thể bổ sung các thực phẩm lên men mà có probiotic như sữa chua và các sản phẩm lên men khác. Chúng ta cũng nên sử dụng đủ lượng rau khuyến cáo cho người trưởng thành, đó là 3-4 đơn vị rau mỗi ngày, tương đương với 3-4 lần ăn rau, để vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất, cũng như là thức ăn do hệ vi khuẩn đường ruột.

GS, TS Lê Danh Tuyên khẳng định, điều quan trọng nhất là người dân phải tự có kiến thức để chăm sóc bản thân. Bệnh viện chỉ có thể chữa trị, giúp cho khoảng 40% trong phòng chống, điều trị bệnh, còn lại 60% cần phải có kiến thức của người dân. Dịch bệnh tạm lắng trên đất nước chúng ta, tuy nhiên ở các nước vẫn đang bùng phát, chúng ta không thể chủ quan mà vẫn cần nâng cao hơn ý thức của mỗi người dân.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.