THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 11:32

Trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học tái hòa nhập cộng đồng

04/04/2020 | 15:26

Cụ thể, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Chủ tịch nước đã ký văn kiện phê chuẩn Việt Nam gia nhập Công ước 159 của ILO về Tái thích ứng Nghề nghiệp và Việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm...

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành ban hành 09 thông tư, 06 quyết định và 10 công văn để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐTBXH triển khai, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ nhà nước và cộng đồng được tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế - xã hội. Những dịch vụ thiết yếu trợ giúp nạn nhân bom mìn, được triển khai bao gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ (trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học).

Năm 2019 đã có gần 03 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ LĐTBXH ban hành về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, triển khai các chính sách trợ giúp xã hội với người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học.

Năm 2019 ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 tỷ đồng để  thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội) và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-GDĐT-LĐTBXH-TC ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính. Đến nay cả nước có trên 01 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, trên 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và nhiều trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học): Năm 2019, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo  hiểm y tế cho người khuyết tật. Bộ LĐTBXH đã nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trong đó tập trung các mục tiêu phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Về giáo dục: Cả nước hiện có trên 1,6 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có trên trên 90.000 trẻ khuyết tật nặng bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học có khả năng học tập được đi học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt, 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 2 trường Đại học Sư phạm và 3 trường Cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Trong năm 2019, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiên cứu xây dựng hệ thống ngôn ngữ kí hiệu và Hệ thống chữ nổi Braille cho người khuyết tật; Tài liệu Hướng dẫn giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cấp mầm non; Tài liệu Hướng dẫn đánh giá học sinh khuyết tật cấp tiểu học; Tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ công cụ ASQ-3 trong các cơ sở giáo dục mầm non; Tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật…

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ, ngành và địa phương, năm 2019, khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước; hỗ trợ cho 2.277 người khuyết tật vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 người khuyết tật; Hội người mù Việt Nam được giao gần 51 tỷ triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và nạn nhân chất độc hóa học.Trường cao đẳng nghề của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mở 2 lớp dạy nghề cho 175 con, cháu nạn nhân.

Năm 2019, tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học) tham gia giao thông, cụ thể: có 41.236 lượt người khuyết tật được miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% đến 100% khi tham gia giao thông đường bộ; có 8.194 lượt người khuyết tật được giảm 30% giá vé khi tham gia đường sắt; Tổng Công ty hàng không Việt Nam áp dụng chính sách giá vé ưu đãi, hành khách là người khuyết tật có thể mua vé theo nhiều mức giá cạnh tranh khác nhau, kể cả giá khuyến mại mà không phải trả thêm một khoản phí phục vụ nào khác...

Về tiếp cận công nghệ, thông tin và truyền thông: Năm 2019, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, chế tạo găng tay hỗ trợ người câm trong giao tiếp bằng cách chuyển đổi cử chỉ của bàn tay sang giọng nói; thiết kế và chế tạo hệ thống tương tác thông minh hỗ trợ người khuyết tật; thiết kế hệ thống chuyển đổi từ ngôn ngữ ký hiệu sang bảng chữ cái tiếng Việt cho người câm điếc (khiếm thính) dựa trên công nghệ nhận dạng hình ảnh; xây dựng các chuyên đề và tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu và định hướng thúc đẩy tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho người khuyết tật tại Việt Nam.

Đến nay, đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.265 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính. So với năm 2018, số lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý với hình thức tham gia tố tụng tăng 50,3%...


Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4/2020), Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức và phát động Cuộc thi trực tuyến: “Nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”, trên Trang Thông tin điện tử của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tại địa chỉ: http://vnmac.gov.vn/. Cuộc thi nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước.

Châu Anh/GĐTE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...