CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 07:18

Trở lại trường trong mùa dịch Covid-19

05/05/2020 | 07:13

Một tiết học ở Trung học cơ sở xã Nậm Ét, Quỳnh Nhai, Sơn La.


                                 
Dù có khác nhau nhưng tất cả các địa phương đã công bố lịch học trở lại


Gần 60 tỉnh, thành đã chốt lịch đi học trở lại của học sinh, hầu hết đều bắt đầu từ ngày 27/4 hoặc 4/5 tới. Riêng Hà Nội và TP.HCM xây dựng kịch bản cho học sinh trở lại trường trong tháng 5. Cụ thể, theo Sở GD&DT Hà Nội, kịch bản của Hà Nội đón học sinh trở lại trường với 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu dự kiến học sinh lớp 9 và 12 đi học từ 4/5; tiếp đó, 2 tuần sẽ là học sinh từ lớp 5 đến lớp 12; 1 tuần sau, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trở lại trường; giai đoạn cuối cùng là đón trẻ mầm non, dự kiến đầu tháng 6.


Tuy nhiên, hai thành phố lớn nhất nước cũng không thể quá chậm chễ vì lịch thi THPT quốc gia đã xác định là vào ngày 8/8/2020. Ở đây, mọi người quan tâm đến học sinh lớp 9 và lớp 12. Học sinh hai lớp này của hai thành phố lớn không thể đi học lại quá muộn. Như vậy, lịch học trở lại không có gì phải băn khoăn nữa.


Cái băn khoăn nằm ở chỗ các trường gặp khó khi thực hiện chỉ thị của Bộ GD&ĐT về giãn cách giữa các học sinh từ 1 đến 1,5 mét. Diện tích các lớp học ở trường không cho phép thực hiện điều này. Còn nếu chia đôi lớp, học thành 2 ca cũng gặp vô vàn khó khăn. Theo tôi, không cần thiết phải bắt học sinh giãn cách, mà thực hiện việc giữ nguyên vị trí, nghĩa là em nào ngồi đúng vị trí của em đó; ra chơi không tiếp xúc với các bạn lớp khác. Do đó, trong trường hợp có học sinh bị nhiễm Covid-19 thì số lượng người bị cách ly xác định được ngay và không nhiều.


Một điều băn khoăn nữa là nếu học sinh dùng khẩu trang y tế (chỉ dùng một lần) thì nhiều em sẽ gặp khó khăn về tài chính. Cần phải cho phép các em dùng khẩu trang vải có thể giặt và dùng nhiều lần. Mỗi em chỉ cần có 2 tới 3 chiếc là ổn. Nhà trường cần có một cơ số nhất định khẩu trang y tế để đề phòng có những em quên mang khẩu trang thì phát cho các em đó chứ đừng bắt các em quay về nhà lấy như một số trường đã xử sự vào ngày 27/4 vừa qua.


Giờ ra chơi.


Học trong mùa dịch có gì khác bình thường?


Dạy và học là hai hoạt động gắn bó với nhau của thầy và trò trong nhà trường. Đây là quá trình giáo viên truyền đạt kiến thức cho học sinh theo chương trình đã định sẵn, đã được in thành sách giáo khoa. Học sinh sẽ lĩnh hội những kiến thức đó dựa trên khả năng của từng cá nhân riêng biệt. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi học cùng một lớp, cùng những giáo viên đó nhưng kết quả của các em rất khác nhau.


Về nguyên tắc, cách dạy và cách học trong nhà trường đã định hình nhưng vẫn có những thay đổi đáng kể theo thời gian, điều kiện, hoàn cảnh. Rõ ràng, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới việc dạy và học. Đã có một giai đoạn nhà trường tổ chức dạy và học online (học qua mạng Internet). Kết quả như thế nào thì còn phải khảo sát, nghiên cứu mới trả lời được. Nhưng một điều rõ ràng là đã có những hình thức dạy và học mới: Thầy và trò không cần ở một chỗ vẫn có thể dạy và học được.


Chuyện dạy và học online cũng bộc lộ một số khía cạnh khác là bài giảng của thầy được chuyển tải tới nhiều người, được đánh giá khắt khe hơn. Theo dõi một số buổi học online, tôi thấy trình độ, kỹ năng của giáo viên khác nhau: Có người dạy tốt và có người dạy không tốt.


Với học sinh cũng vậy, có những em tiếp thu bài tốt khi học online, một số em hầu như không tiếp thu được gì cả vì các em không tập trung; các em bị khung cảnh trong gia đình chi phối; bản thân các em thích một số nội dung trên mạng hơn chuyện theo dõi bài giảng.


Ở đây, những vấn đề liên quan đến thiết bị, kỹ thuật, tín hiệu đường truyền... cũng có ý nghĩa. Nếu tín hiệu đường truyền yếu, kết nối không tốt sẽ ảnh hưởng đến chuyện dạy và học. Rồi chuyện có những “cảnh nóng” bỗng nhiên “lạc” vào bài giảng cũng đã từng diễn ra gây nên những chuyện bi hài.


Nhưng dẫu sao, hình thức học online đang được ghi nhận. Trong những trường hợp cần thiết, chúng ta hoàn thiện hình thức này và sử dụng nó hiệu quả hơn.


Cần có những điều chỉnh sau khi học sinh đi học trở lại


Việc học sinh trở lại trường sau một thời gian ở nhà khá dài đặt ra một số vấn đề mà nhà trường cần quan tâm để xử lý. Trước hết, đó là sức ỳ của những ngày thoải mái chưa thể mất ngay sau khi đến trường. Những ngày đầu, sẽ có một số học sinh thiếu tập trung, thậm chí là không muốn nghe giảng. Do vậy, chuyện kiểm tra bài (miệng, viết) cũng nên được tiến hành một cách phù hợp.


Một chuyện cũng cần phải làm là quan tâm đến tâm lý của học sinh. Nhà trường phải có trách nhiệm làm cho học sinh quen với tình hình mới, không khí mới; quen với việc phải đeo khẩu trang và nhìn thầy, nhìn bạn đeo khẩu trang trong giờ học. Nhưng điều quan trọng nhất là làm cho học sinh yên tâm, không lo lắng vì thời gian qua đã không học; vì bây giờ vẫn nơm nớp sợ bị nhiễm bệnh.


Ở đây xuất hiện hai yêu cầu có vẻ mâu thuẫn nhau. Đó là, cần làm cho học sinh tin rằng, các em được an toàn tuyệt đối khi trở lại trường; song, vẫn phải lưu ý các em cảnh giác, tránh gặp các bạn khác lớp, đụng chạm với nhiều bạn cùng lớp. Điều này hơi khó, hơi tế nhị nhưng nếu các thầy cô chu đáo và tinh tế đều có thể thực hiện được.


Một điều quan trọng được nhiều người phát hiện ra trong mùa dịch Covid-19, đó là nhiều học sinh không có khả năng tự học. Đây là điều nghiêm trọng bởi vì học là một quá trình lĩnh hội, tiếp thu kiến thức liên tục mà việc tự học đóng vai trò rất quan trọng. Để tự học có kết quả, trước hết, người học cần có tính tự giác. Nếu không có tinh thần tự giác, học sinh khó tự học. Do vậy, các vị phụ huynh hãy quan tâm tới điều này.


Học là chuyện cả đời, điều gì chưa đúng, chưa tốt thì điều chỉnh dần dần. Vấn đề là người học phải có tinh thần tự giác và say mê học tập.

Bài và ảnh:Nguyên Hồ/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...