THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 11:09

Trung Bảo trợ và CTXH Thái Nguyên triển khai hoạt động Phát triển cộng đồng

10/11/2020 | 09:37
Khảo sát nhu cầu của các cộng đồng nghèo cần hỗ trợ
 
Theo bà Phùng Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên: “Phát triển cộng đồng là một phương pháp của CTXH được xây dựng trên những nguyên lý, nguyên tắc và giả định của nhiều ngành khoa học xã hội khác như: Tâm lý xã hội, xã hội học, chính trị học, nhân chủng học…, được áp dụng ở nhiều nước và đã phát huy vai trò trong việc giải quyết các vấn đề của các nhóm cộng đồng nghèo, các nhóm yếu thế trong thời gian qua. Đó là phương pháp giải quyết một số vấn đề khó khăn, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, hướng tới sự phát triển không ngừng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua việc nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa người dân với nhau, giữa người dân với các tổ chức và giữa các tổ chức với nhau trong phạm vi một cộng đồng. Hỗ trợ, nâng cao khả năng tự lực để giải quyết các vấn đề tại các cộng đồng nghèo trên địa bàn tỉnh là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm trong năm 2020.”
 
Xác định một trong những nội dung chính của hoạt động phát triển cộng đồng là khảo sát, cùng người dân xác định vấn đề khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ, nên ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu của cộng đồng yếu thế trên địa bàn 2 huyện Định Hóa, Võ Nhai. Đây là 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn hạn chế nên nhiều người dân chưa thực sự hiểu biết về các vấn đề xã hội và chưa có ý thức bảo vệ môi trường… Mặt khác, giao thông đi lại còn khó khăn nên mọi hoạt động phát triển kinh tế vẫn bị hạn chế... Vì vậy, nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề liên quan đến trình độ dân trí, tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, những khó khăn của địa phương… để cùng người dân lựa chọn những vấn đề ưu tiên và giải pháp thực hiện. 
 
Đối tượng khảo sát mà Trung tâm hướng tới đó là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoặc nguy cơ bạo lực gia đình, hộ gia đình có người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo... Tháng 6/2020, cán bộ Trung tâm đã cùng cán bộ của Phòng LĐTBXH 2 huyện và cán bộ xã/xóm (là thành viên Ban Mặt trận xóm), xuống tiếp cận với 200 hộ gia đình trong 8 xóm (25 hộ gia đình/xóm), gồm: 4 xóm ở huyện Định Hóa (XómVăn La 2; Làng Cỏ - xã Lam Vỹ; Xóm Làng Dạ, Làng Ngõa - xã Tân Thịnh); 4 xóm thuộc huyện Võ Nhai (Xóm Khe Cái, Khe Rạc - xã Vũ Chấn; Xóm Khuổi Mèo, Tân Lập - xã Sảng Mộc). Tại đây, các điều tra viên đã trực tiếp phỏng vấn và thu thập thông tin bằng phiếu tại các hộ gia đình, để nắm bắt nhu cầu của người dân nhằm xây dựng kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực cho người dân tại các cộng đồng, trong việc giải quyết vấn đề khó khăn tại địa phương. 
 
Qua các cuộc khảo sát, đã xác định được những mặt nổi cộm mà cộng đồng dân cư yếu thế tại các xóm gặp phải như: nhận thức của người dân về hoạt động phát triển cộng đồng còn hạn chế, chỉ có một số người biết ít đến hoạt động này. Ở các xóm được khảo sát, môi trường sống bị ô nhiễm, người dân thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật về chăn nuôi trồng trọt, giao thông đi lại khó khăn. Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống của người dân như kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, việc bảo vệ chăm sóc trẻ em còn hạn chế... Để giải quyết những tồn tại này, rất cần sự tham gia tích cực của người dân trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như sự hỗ trợ của nhân viên CTXH và sự vào cuộc của chính quyền địa phương.


 Cán bộ Trung tâm BT&CTXH Thái Nguyên, cùng với người dân trong buổi thảo luận nhóm của người dân xóm Khe Rạc - xã Vũ Chấn-
huyện Võ Nhai. Ảnh: HCB

 Triển khai hoạt động hỗ trợ Phát triển cộng đồng

Kết quả khảo sát đã phần nào phản ánh, xác định vấn đề khó khăn và nhu cầu của người dân tại cộng đồng yếu thế tại 8 xóm của 2 huyện trên. Căn cứ kết quả khảo sát, Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với đại diện Ban Mặt trận các xóm, triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng để cùng người dân xây dựng kế hoạch nhằm giải quyết, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
 
Trong năm 2020, Trung tâm đã triển khai các hoạt động tại 4 xóm thuộc 3 xã trên địa bàn huyện Định Hóa và Võ Nhai gồm:  Xóm Làng Dạ, Làng Ngõa (xã Tân Thịnh , huyện Định Hóa); Xóm Văn La 2  (xã Lam Vỹ , huyện Định Hóa) và Xóm Khe Rạc (xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai), cán bộ Trung tâm đã tập trung vào hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình giúp người dân cải thiện kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; Nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội như: Bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, chính sách xã hội, kỹ năng giao tiếp cộng đồng...
 
Để đạt được những mục tiêu trên, từ tháng 8 đến tháng 11/2020, tại mỗi xóm, Trung tâm đều tổ chức 6 lớp tập huấn (mỗi lớp có 60 học viên gồm các thành phần: thành viên Ban Mặt trận thôn/xóm, trưởng xóm, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn/xóm, cộng tác viên bảo vệ trẻ em, Chi Đoàn Thanh niên, Chi Hội nông dân... và người dân tại thôn/xóm), để tuyên truyền  các nội dung: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và vấn đề đoàn kết cộng đồng; Vấn đề giới và bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Kỹ năng phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em; Hướng dẫn kỹ thuật phát triển kinh tế hộ gia đình; Các vấn đề của người nghèo và chính sách xã hội đối với người nghèo. Trong mỗi lớp, ngoài các tài liệu hướng dẫn, học viên được nắm bắt thông tin qua hoạt động thực hành đơn giản, dễ hiểu, thiết thực và bài bản nhất trong tiến trình phát triển cộng đồng, cùng nhau đưa ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề còn khó khăn tại gia đình, địa phương hướng tới sự phát triển không ngừng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua việc nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa người dân với nhau, giữa người dân với các tổ chức và giữa các tổ chức với nhau trong phạm vi một cộng đồng.
 
Từ những hoạt động đó đã góp phần làm thay đổi nhận thức và tăng cường tính liên kết của cộng đồng, đưa đến cho người dân những hiểu biết về các chính sách xã hội dành cho các đối tượng yếu thế, các kĩ năng lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất cao hơn để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ chăm sóc trẻ em, cách ứng xử trong cộng đồng và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc... 
 
Sau các lớp tập huấn, cán bộ Trung tâm sẽ kết nối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan để có những chương trình, dự án hỗ trợ phù hợp với từng địa phương và nhu cầu của người dân, cũng như triển khai các mô hình hỗ trợ nhóm đối tượng tại cộng đồng. Trung tâm cũng đóng vai trò kiểm tra, giám sát các hoạt động phát triển cộng đồng và tư vấn, hỗ trợ, vận động nguồn lực… cho người dân tại những nơi được triển khai chương trình.
 
 
Bài học kinh nghiệm rút ra 
 
Trên cơ sở đạt được bước đầu tại 4 xóm của 2 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên đã rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển cộng đồng trong thời gian tới đó là: Cần làm tốt công tác khảo sát, để nắm được tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, xác định nhu cầu của người dân và vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết trước tại cộng đồng. Muốn các hoạt động có kết quả tốt, cần phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với UBND xã, Ban Mặt trận xóm cùng người dân để xây dựng kế hoạch chi tiết về mục tiêu, phương án giải quyết cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong tiến trình xây dựng mô hình phát triển cộng đồng.
 
Với các hoạt động hiệu quả của Trung tâm, sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng với sự tham gia của bà con nhân dân kết hợp với những nguồn lực vận động được, hy vọng các cộng đồng yếu thế ở Thái Nguyên sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, để xây dựng một cộng đồng đoàn kết và phát triển vững mạnh.
 

Tuấn Nam/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.