THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 04:08

Trừng phạt không hiệu quả - người lớn vẫn dùng?

16/08/2019 | 16:25
Cũng theo ông Nguyễn Công Hiệu, trong năm 2018, các cuộc gọi tư vấn về xâm hại, bạo lực và kết nối, can thiệp bảo vệ trẻ em chiếm tỷ lệ nhiều nhất, dao động từ 39,8% vào tháng 1 đến 44,9% vào tháng 5 cùng năm.

 
Trừng phạt trẻ chưa chắc đã khiến trẻ làm theo những gì người lớn muốn. Ảnh minh họa. KT
 
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2017 và 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều. Trong đó, nhiều trẻ phải chịu trừng phạt hà khắc ngay trong chính gia đình của mình. 
 
Bà Nguyễn Hải Anh, cán bộ Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cũng dẫn chứng từ một khảo sát về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại một xã thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 8/2018. Trong số 123 trẻ được khảo sát, có tới 94 trẻ khẳng định các em đang phải chịu một số loại hình bạo lực gia đình, ví dụ bị đánh đòn khi bố say rượu, hoặc bị dọa đánh gãy chân… 100% trẻ em nam tham gia thảo luận nhóm khẳng định các em bị đánh vì các lý do như không làm bài tập, trêu chọc bạn bè và bị đánh bằng các vật dụng như roi, thắt lưng, dây điện… 
 
Một số phụ huynh thừa nhận sẽ phạt thật nặng khi trẻ mắc lỗi, họ cho rằng “Con tôi, tôi có quyền phạt”, “Quan điểm của tôi về con trai con gái khác nhau, con trai cần phải đánh”… 
Trừng phạt là biện pháp mà một người nào đó (thường là người lớn) thực hiện với trẻ em nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ em, nhưng lại gây ra sự đau đớn về thể chất và tinh thần ở trẻ, có hại cho sự phát triển của trẻ. Các hình thức trừng phạt trẻ em bao gồm: trừng phạt thân thể (hành vi gây thương tích, đau đớn trên cơ thể), trừng phạt tinh thần (hành vi gây tổn thương về tâm lí, tình cảm, tinh thần ở trẻ em).
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, trừng phạt trẻ chưa chắc đã khiến trẻ làm những gì người lớn muốn. Trừng phạt có thể khiến cho trẻ sợ cha mẹ, thầy cô và những người lớn “có quyền”. Điều này cũng khiến trẻ trốn tránh hoặc bỏ nhà, bỏ học hoặc kém thích nghi, giảm sự sáng tạo… Rõ ràng, trừng phạt là không hiệu quả nhưng nhiều người lớn vẫn dùng với trẻ, vì sao vậy? Câu hỏi này đã được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” do Cục Trẻ em tổ chức hồi cuối tháng 7/2019 tại Vĩnh Phúc sôi nổi thảo luận. 
TS. Hồ Bất Khuất (Tạp chí Gia đình và Trẻ em) cho rằng: Cha mẹ trừng phạt con vì muốn đạt được mục đích ngay lập tức, vừa muốn thể hiện quyền lực của mình. Nhưng về lâu dài lại để lại hậu quả to lớn, lúc nào cũng phải quát, mắng con mới làm theo. 
 
Anh Quang - một người hoạt động độc lập về quyền trẻ em thì lí giải, đó là do xã hội chưa văn minh, là do vòng tròn bạo lực - bố mẹ từng bị bạo lực lúc nhỏ và nghĩ rằng phương pháp này hiệu quả. Có phụ huynh thừa nhận: “Tôi có ảnh hưởng từ cha mẹ nên tôi cũng áp dụng với con. Không có chuyện tôi nhường, nịnh con”, anh Quang dẫn chứng. 
 
 
Trừng phạt gây đau đớn về thể xác lẫn tinh thần trẻ. Ảnh minh họa KT
 
Một số cha mẹ thì cho rằng “đánh một cái có sao đâu?”. Hoặc cũng có thể họ chưa có kỹ năng để giải tỏa cảm xúc và có phương pháp giáo dục tích cực. Một số người lớn vẫn tin rằng người lớn cái gì cũng đúng, người lớn sẽ quyết định cái gì đúng, cái gì sai và trẻ phải tuân theo. “Đây là thực tế rất đáng buồn. Vẫn còn rất nhiều trẻ phải lo lắng về bạo lực ngay trong chính gia đình của mình”, bà Hải Anh nói.
 
Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cần thay đổi tâm lý trừng phạt trẻ của các bậc cha mẹ bằng cách chỉ rõ hậu quả tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời, ủng hộ, đề cao những quan điểm tiến bộ trong giáo dục. Bên cạnh đó, cần chia sẻ những phương pháp giáo dục/kỉ luật tích cực để cha mẹ, thầy cô biết và áp dụng. 
 
Đồng tình với quan điểm này, đại diện MSD cho rằng, gia đình là tế bào của xã hội, góp phần rất lớn giáo dục trẻ nên người. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, trẻ sẽ bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Trẻ có thể phải chịu những vết thương nặng nề, trí não bị ảnh hưởng, đòn đánh nặng có thể khiến trẻ bị tàn tật hoặc nguy hiểm tới tính mạng. Về tâm lý, tinh thần, đòn roi không có tác dụng giáo dục mà còn khiến trẻ thấy lẫn lộn, không hiểu rõ về sự việc, có tâm lý lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã; hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của trẻ; làm trẻ tức giận và mong muốn trả đũa hoặc tìm cách lừa dối người lớn… Do đó, người lớn cần nhất quán trong hành động, bố mẹ làm gương cho con, kì công chứ không kì vọng. 
Trong giáo dục, trẻ em học được rất nhiều từ lỗi lầm và từ cách chúng ta ứng xử, định hướng và cả sự khoan dung của cha mẹ thầy cô trước những lỗi lầm đó của các em.

Mai Anh/TC GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.