CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 10:46

Trung tâm Bảo trợ và CTXH Thái Nguyên: Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

07/06/2019 | 11:26
Sự cần thiết của hoạt động CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
 
Theo bà Trần Bảo Khánh - Trưởng phòng CTXH và Phát tiển cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên, được sự chỉ đạo của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình Cơ sở CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2018 (thí điểm đầu tiên tại 2 xã Bàn Đạt, Đào Xá thuộc huyện Phú Bình). Trong đó CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là một trong những hoạt động mũi nhọn của Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên được thực hiện bởi một đội ngũ cán bộ được đào tạo về CTXH, có tinh thần trách nhiệm cao. Đây là hoạt động vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm đạt được những mục đích sau:
 
- Cung cấp dịch vụ xã hội tối thiểu ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm thiểu hậu quả của hành vi bạo lực; phòng tránh hành vi bạo lực tiếp tục xảy ra;
 
- Nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng tác viên Dân số - Gia đình - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tình nguyện viên CTXH trong việc phát hiện hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới sớm và hiệu quả nhất;
 
- Phòng ngừa, phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời những người bị bạo lực/người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới...
 
Qua đó, tăng cường vai trò của tổ chức xã hội, trong dự phòng và ứng phó hiệu quả hơn với bạo lực và hành vi có hại do bất bình đẳng giới; truyền thông góp phần thay đổi nhận thức về bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng và củng cố năng lực truyền thông và vận động xã hội cho các tổ chức cộng đồng về các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, tiếp cận dịch vụ xã hội và y tế. Đồng thời, cung cấp và thúc đẩy sự tham gia của nhiều ban, ngành trong hỗ trợ, can thiệp các trường hợp khẩn cấp đối với các trường hợp bị bạo lực điển hình được phát hiện.

 
Hội nghị truyền thông về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống Bạo lực gia đình tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Công Biển
 
Những hoạt động, can thiệp, hỗ trợ đã được triển khai
 
Ngay khi Trung tâm tiếp nhận được thông tin, những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình vào bạo lực trên cơ sở giới… Trung tâm đều thực hiện các hoạt động theo quy trình can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa nơi đối tượng cư trú thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn và kết nối, can thiệp, trợ giúp đối tượng.
 
Điển hình như việc can thiệp, trợ giúp bà T.T.L ở xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Bà T.T.L lấy chồng sinh được 4 cô con gái, hoàn cảnh gia đình khó khăn, người chồng thường xuyên rượu chè, đánh đập bà vì cho rằng bà không biết sinh con trai. Tình trạng bạo hành đã diễn ra từ năm 2005, nhưng do bà T.T.L muốn giữ thể diện gia đình, không tố cáo với chính quyền địa phương nên tình trạng bà bị chồng đánh đập, hành hạ về thể chất và tinh thần suốt một trong thời gian dài mà không ai biết. Một lần, chồng bà uống rượu say về cãi nhau với vợ vì chuyện nợ tiền ngân hàng của gia đình. Người chồng vũ phu đã tát rồi dùng đòn gánh đuổi đánh bà T.T.L. Không chịu đựng được những đòn roi liên tiếp giáng xuống, bà T.T.L phải kêu cứu. Hàng xóm và chính quyền địa phương đã gọi công an viên của xóm, xã đến lập biên bản để giải quyết sự việc. Sau khi bị bạo hành, bà T.T.L bị tổn thương phần mềm, tâm lý luôn hoảng sợ, lo lắng, bất an… 
 
Được tin báo, Trung tâm đã cử cán bộ xuống phối hợp với UBND xã Bàn Đạt để làm việc với bà T.T.L và chồng bà, giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật để mang tính chất răn đe. Song song với đó cán bộ Trung tâm thực hiện các buổi tư vấn cho bà T.T.L, giúp bà ổn định tâm lý. Đồng thời, Trung tâm kết nối với Ngôi nhà Bình Yên tại Hà Nội để đưa bà T.T.L xuống tạm lánh trong một thời gian dài, giúp bà ổn định sức khỏe và tinh thần. Sau 3 tháng hỗ trợ, bà T.T.L đã trở về địa phương và có được một công việc ổn định. Hiện tại, chồng bà T.T.L đã chấm dứt hành vi bạo hành với vợ. Trung tâm vẫn thường xuyên liên lạc với bà L. để hỗ trợ khi cần thiết.
 
Tính đến nay, Trung tâm Bảo trợ và CTXH Thái Nguyên đã triển khai có kết quả mô hình tại huyện Phú Bình. Tổ chức được 5 hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các dịch vụ CTXH nhằm hỗ trợ can thiệp cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới cho 450 đại biểu tại 2 xã Bàn Đạt, Đào Xá; Lắp đặt 19 pano tuyên truyền tại nhà văn hóa của 19 xóm thuộc 2 xã trên; Cấp phát 15.800 tờ rơi, áp phích cho người dân trên địa bàn 12 xã của huyện Phú Bình. Trung tâm cũng Tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 450 đại biểu là đội ngũ cộng tác viên, cán bộ cơ sở, phụ nữ trong nhóm có nguy cơ cao bị bạo lực về kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại 2 xã Bàn Đạt, Đào Xá. 
 
Một số thuận lợi, khó khăn và các mục tiêu đề ra
 
Trong việc thực hiện triển khai mô hình và các hoạt động CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ và CTXH Thái Nguyên đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên, cùng Ban Giám đốc Trung tâm. Khi triển khai các hoạt động đã có sự phối hợp tốt giữa Trung tâm với phòng LĐTBXH huyện Phú Bình; UBND các xã triển khai (Bàn Đạt, Đào Xá - huyện Phú Bình), đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ nên cho những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. 
 
Mặc dù vậy, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trong các hoạt động  CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Phần lớn do nhận thức của người dân về bạo lực trên cơ sở giới còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm làm trong lĩnh vực CTXH và trợ giúp nạn nhân của bất bình đẳng giới, bị bạo lực gia đình mặc dù rất nhiệt huyết và có trách nhiệm nhưng một số ít chưa được đào tạo chuyên sâu.
 
Hơn nữa, đội ngũ cán bộ cơ sở; CTV Dân số - Gia đình - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và chưa có kinh nghiệm trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. 
 
Một khó khăn nữa đó là các nạn nhân của bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình khi tham gia mô hình, chưa được hỗ trợ kinh phí khi tìm kiếm việc làm hay tạo dựng cuộc sống mới. Khi Trung tâm tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn về phòng chống bạo lực thì chủ yếu có phụ nữ tham gia, tỷ lệ nam giới tham gia còn ít. Đó cũng là một nguyên nhân khiến cho hoạt động CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn có những hạn chế và sức lan tỏa chưa thực sự sâu rộng.
 
Từ nay đến năm 2020, thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong hoạt động CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Bảo trợ và CTXH Thái Nguyên sẽ cố gắng đạt được các mục tiêu đề ra như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động thí điểm mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tại huyện Phú Bình. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các hoạt động CCDV ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tới các địa bàn khác trên toàn tỉnh Thái Nguyên; Khi phát hiện các vụ bạo lực sẽ sớm có biện pháp can thiệp kịp thời cho những người bị bạo lực/người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo sự an toàn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới một cách đầy đủ và toàn diện nhất, giảm thiểu hậu quả của hành vi bạo lực, Phòng tránh hành vi bạo lực tiếp tục xảy ra...
 
Qua đó, sẽ tăng cường thực thi pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực; hình thành mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên nòng cốt từ tỉnh đến cơ sở ở Thái Nguyên. 

 

Thùy Dương/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.