THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 06:10

Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên: Truyền thông trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh

20/07/2019 | 13:53
 
Bà Trần Bảo Khánh - Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng của Trung tâm,  truyền thông kỹ năng sống cho học sinh tại Trường THCS Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: HCB
 
Vì sao phải trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh?
 
Xã hội ngày càng hiện đại thì chất lượng cuộc sống của con người được nâng lên. Nhưng sự đổi thay nhanh chóng về kinh tế, xã hội cũng kéo theo nhiều mặt trái và tiềm ẩn những mối nguy hiểm, ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ. Xuất hiện  nhiều nguy cơ rình rập các em như: bị bắt cóc, lạm dụng, xâm hại, bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào việc sử dụng chất gây nghiện và nhiều tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm tổn hại thể chất và tinh thần của trẻ. 
 
Thực trạng cho thấy, hiện nay, việc giáo dục trẻ lại "nặng" về giáo dục văn hóa, đạo đức mà xem nhẹ việc giáo dục KNS. Phần lớn trẻ học THCS, nhưng những nhận biết về giáo dục giới tính, về cách ứng xử với bạn khác giới, ứng xử khi gặp tình huống: bị tai nạn thương tích, bị bắt nạt, gặp thiên tai thảm họa… phải làm gì để sinh tồn, đều chưa được trang bị ngay từ môi trường học đường và trong gia đình. Cộng thêm những thay đổi về tâm sinh lý của chính bản thân trẻ, cũng có tác động lớn đối với HS, dẫn tới các em thường thụ động, chưa biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, chưa biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ xung quanh... Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng này, trong đó việc thiếu KNS là nguyên nhân sâu xa nhất. 
 
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến năm 2019 có 186 trường THCS, tập trung khá nhiều tại địa bàn vùng sâu xa hoặc những nơi có kinh tế phát triển, nhưng lại có nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh. Đa số HS THCS từ 12 đến 15 tuổi, là giai đoạn mà trẻ dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi ở độ tuổi này, trẻ thích khám phá nhưng lại chưa có những kỹ năng cơ bản để tìm hiểu thế giới, dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động trong một thời gian dài mà không hề biết, chỉ đến khi sự việc ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, sức khỏe hay có sự can thiệp của các cơ quan chức năng thì mới được sáng tỏ.
 
Để giúp trẻ hòa nhập và có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, cần trang bị KNS cho các em ngay từ trong gia đình, nhà trường, giúp cho các em biết cách thích ứng với mọi biến động của hoàn cảnh, rèn hành vi có trách nhiệm, ứng phó với sức ép và biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp với thách thức trong môi trường sống. 
 
Truyền thông trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh
 
Nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động truyền thông trang bị KNS cho HS, Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên với chức năng nhiệm vụ cung cấp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em, đã tổ chức các hoạt động giáo dục KNS, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là HS THCS trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của trẻ và phụ huynh. Không chỉ thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp và cấp phát các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, áp phích… với nội dung trên, cán bộ của Trung tâm còn nghiên cứu và thực hiện đề tài “Phương pháp giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho HS THCS”, để triển khai rộng rãi nhằm thực hiện các Mục tiêu:
 
- Tăng cường, nâng cao nhận thức giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và giao tiếp ứng xử cho HS để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học;
 
- Bổ sung cho HS những giá trị sống cơ bản mang tính phổ quát, khuyến khích HS khám phá, tìm hiểu và phát triển các giá trị, giúp các em phát huy tiềm năng của bản thân, tạo nên sự khác biệt và thấy mình có đủ khả năng tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn;
 
- Thông qua các hoạt động giáo dục KNS, HS có được năng lực tâm lý xã hội để đáp ứng và đối phó với những yêu cầu, thách thức của cuộc sống; có khả năng phòng chống, tự bảo vệ mình và người khác khỏi đuối nước, thiên tai, tai nạn thương tích; có khả năng phòng chống xâm hại, lạm dụng, bạo lực học đường, phòng tránh các tình huống gây nguy hiểm cho bản thân; có lối sống lành mạnh, có ý thức về giá trị bản thân, biết tôn trọng và quan tâm giúp đỡ mọi người...
 
Theo bà Phùng Thị Thơm - Phó Giám đốc Trung tâm, trong năm 2018, Trung tâm đã tổ chức truyền thông trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho gần 2.000 HS THCS trên địa bàn các huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai. 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm tiếp tục truyền thông trang bị KNS, phòng chống xâm hại, bạo lực cho gần 2.900 HS THCS tại các trường THCS Trần Phú, Nhã Lộng, Xuân Phương, Hương Sơn, Nga My, Úc Kỳ (huyện Phú Bình). Trong các buổi truyền thông tại trường học, cán bộ của Trung tâm đã trang bị cho HS một số kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, bỏng, nhất là phòng chống đuối nước… Bồi dưỡng những kiến thức cần thiết để trẻ biết bảo vệ bản thân  như: phải biết ứng xử như thế nào khi bị lạc; phải làm gì nếu gặp một thảm họa tự nhiên (động đất, bão, lũ, sấm sét…); hướng dẫn cách em tránh xa những tình huống bất lợi khi gặp phải “yêu râu xanh” với “quy tắc 5 ngón tay”… để không bị xâm hại cơ thể và cần tìm người giúp đỡ (dạy trẻ cách từ chối trong một số trường hợp, biết ứng phó như: Hét to, bỏ chạy nếu thấy người lạ tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật với mình…). Ngoài việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, Trung tâm còn tạo cơ hội cho các em được tham gia vào những hoạt động tập thể ngoại khóa bổ ích, có cơ hội tiếp cận với số điện thoại tư vấn miễn phí 1800 8080 và đường dây nóng 0963 18 8080, kết nối với tổng đài, tư vấn tại chỗ các vấn đề trẻ quan tâm. Giúp các em có thể chia sẻ những tâm tư, những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống và trong học tập, hướng dẫn cách tháo gỡ, phòng tránh những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ...
 
Tùy vào từng địa bàn cụ thể cũng như nhu cầu của HS các trường mà mỗi buổi truyền thông do Trung tâm tổ chức đều có sự bổ sung, chỉnh sửa và đa dạng các hình thức, các hoạt động ngọai khóa đều rất hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các em… Song song với học lí thuyết, HS còn được thực hành kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo hành, phòng tránh những tình huống nguy hiểm… thông qua các hoạt động đóng kịch, sắm vai. Từ đó, tạo nền tảng để các em có những tri thức, kỹ năng căn bản thích ứng với môi trường sống, gặp những tình huống xấu có thể nguy hiểm tính mạng, các em sẽ tự tin, chủ động biết cách cách phòng tránh, xử lý thoát hiểm, hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra để sinh tồn. 
 
Có thể thấy, các hoạt động của Trung tâm trong công tác truyền thông trang bị KNS cho HS đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, xã hội và chính bản thân trẻ. Việc giáo dục KNS đầy đủ, sẽ tạo điều kiện và định hướng cho các em để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Qua đó hình thành những thói quen và phương pháp sống có lợi cho sức khỏe con người, có những hành vi tích cực góp phần làm giảm các tỷ lệ trẻ có thai sớm, bị lạm dụng tình dục, uống  rượu, hút thuốc lá, sử dụng ma túy, phạm pháp trong lứa tuổi vị thành niên… 
 
Trong thời gian tới, công tác bảo vệ, chăm sóc và giúp trẻ có điều kiện phát triển toàn diện sẽ vẫn là việc làm được Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên chú trọng, nhằm đảm bảo an sinh xã hội hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của tỉnh Thái Nguyên. 

Tuấn Nam/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.