THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 12:12

Trường học toàn diện ở mọi nơi trong cuộc sống

19/05/2020 | 06:45

Vui chơi cùng nhóm bạn giúp trẻ xây dựng khả năng kết nối và gắn kết tình bạn. Ảnh: Tr.Thanh

Thế nào là một trường học toàn diện?


Rất nhiều trường học giới thiệu rằng họ là một ngôi trường tiên tiến, hiện đại, mà ở đó, các con không chỉ được học kiến thức, kỹ năng mà còn được quan tâm phát triển thể lực, học cách kiểm soát cảm xúc, học để trở thành một cá nhân tự tin, hiểu giá trị cuộc sống... Nếu được như vậy thì đúng là “toàn diện”, thật không gì bằng. Tuy nhiên, đấy có thể là những ngôi trường mà học phí rất đắt đỏ, không phù hợp với điều kiện kinh tế nhưng thực tế cũng khó kiểm chứng về cái gọi là toàn diện. Hoặc có thể sẽ không có một ngôi trường nào là toàn diện, bởi trong một trường học hàng ngàn học sinh, “mỗi đứa trẻ đều là duy nhất”. Vậy thì, một triết lý giáo dục hay một phương pháp giáo dục của một trường học cụ thể nào đó, có đủ để phù hợp khi áp dụng cho hàng ngàn học sinh? Chúng ta hãy chấp nhận có nhiều điều chỉ là tương đối.


Tôi nhớ giáo sư Hồ Ngọc Đại có nói rằng: “Trong giáo dục thực nghiệm, chúng tôi sẽ không nói một lớp có 30 học sinh mà chúng tôi nói có 30 học sinh một lớp”. Câu này thể hiện rõ ràng triết lý lấy học sinh làm trung tâm, giáo dục dựa trên năng lực từng cá nhân học sinh một, không nhất quán áp dụng một cách dạy chung lên cả 30 học sinh mà ngoài chương trình chung, sẽ đặc biệt quan tâm phát huy năng lực của từng em.


Tạm gác qua một bên những tranh cãi về phương pháp giáo dục thực nghiệm, tôi thích câu nói của GS Đại vì ở đó thể hiện việc xác định rõ “mỗi đứa trẻ đều là duy nhất”. Triết lý giáo dục thực nghiệm tin rằng mọi trẻ em đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, nên mỗi ngày nhìn thấy các em tốt hơn ngày hôm qua của chính các em, thì đấy là kết quả của giáo dục.

Học sinh Trường Công nghệ giáo dục Hà Nội chơi cờ giải trí trước giờ nghỉ trưa đề rèn luyện tâm trí. Ảnh: Tr.Thanh

 

Trường học ở trong cuộc sống, trong gia đình, không chỉ ở trong một cơ sở giáo dục


Một phương pháp giáo dục dù được coi là toàn diện, khi áp dụng lên từng đứa trẻ cụ thể, cũng phải tùy thuộc vào năng lực cá nhân của trẻ mà điều chỉnh cho phù hợp. Đứa trẻ có năng lực vượt trội ở lĩnh vực nào sẽ cần điểm nhấn giáo dục ở lĩnh vực đó, đồng thời cân đối với sự thúc đẩy những khả năng khác.


Vậy thì, trong khả năng tài chính hay nhân lực gia đình, trong điều kiện tri thức, kỹ năng hay khả năng kết nối xã hội hiện có của mình, cha mẹ hãy tỉnh táo tự tìm kiếm, tạo dựng một “trường học toàn diện” cho con, bao gồm việc học kiến thức, tập vận động thể lực ở mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào có thể; học kiểm soát cảm xúc trong mọi môi trường giao tiếp, cả khi đi chơi, lúc ở nhà và ở trường, tất cả phải cùng được vận dụng và bổ sung cho nhau để đạt đến mục tiêu “toàn diện”.


Tôi sẽ minh chứng điều này bằng một câu chuyện cụ thể sau đây:


Cô giáo dạy đàn của con tôi có hai con gái cùng học piano và violon chuyên nghiệp, mới tốt nghiệp thạc sĩ và đại học ở nước ngoài, bằng xuất sắc, đã được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín. Khỏi phải nói để trở thành những nghệ sĩ piano và violon chuyên nghiệp thì phải dày công khổ luyện như thế nào. Hai cô gái ấy bậc tiểu học thì học ở nước ngoài, tầm cấp 2 thì về học ở Việt Nam. Sau thời gian đầu có chút khó khăn trong hòa nhập, nhất là môn văn với cách dạy và học hoàn toàn khác nhau, người mẹ đã giúp các con của mình bằng cách nỗ lực tự dạy văn cho con ở nhà. Chỉ sau vài tháng, các con đều vươn lên vị trí nhất lớp. Việc học đàn mất nhiều thời gian, người mẹ quyết định sử dụng nội quy học sinh một năm được phép nghỉ (ốm và những lý do khác) tối đa 45 ngày, chia ra hàng tuần cho các con thỉnh thoảng nghỉ học trên lớp để tập trung học đàn ở nhà. Mẹ là người trực tiếp hướng dẫn con học tất cả các môn. Kết quả là các con đều đỗ cao vào Nhạc viện Quốc gia, rồi có học bổng du học.


Mấu chốt vấn đề ở đây được người mẹ giải thích là: Trên lớp, cô giáo phải giảng một bài cho 50 bạn ở 50 năng lực khác nhau chẳng hạn, nên sẽ mất nhiều thời gian cho một bài giảng để tất cả cùng hiểu. Nếu con mình chỉ cần 5, 10 phút để hiểu bài, sao phải ngồi trên lớp những 45 phút trong khi thời gian cần cho học đàn lại thiếu. Vậy nên, người mẹ ấy thường xuyên xin cho con nghỉ học để ở nhà luyện đàn, mà con vẫn học giỏi nhất lớp.


Câu chuyện trên minh chứng rõ cho việc, một đứa trẻ thông minh, có năng lực đặc biệt thì cần được thụ hưởng một phương pháp giáo dục đặc biệt để tạo điều kiện cho trẻ phát huy hết khả năng. Nếu cứng nhắc yêu cầu trẻ năng khiếu phải học đúng quy định như cả lớp, sẽ lấy đi cơ hội để trẻ trở thành một tài năng thực sự.


Tương tự như câu chuyện trên, hiện nay, nhiều cha mẹ có con tài năng nghệ thuật cũng thường lựa chọn những ngôi trường không nhiều áp lực kiến thức, thành tích, để con có thời gian tập trung phát huy năng khiếu của mình. Tại các quốc gia trên thế giới đều có những trường học năng khiếu, những trường phân loại theo năng lực, trình độ, hoàn cảnh cá nhân. Ở ta cũng có sự ưu tiên phát triển năng khiếu học sinh nhưng chưa hình thành hệ thống rõ rệt.


Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt và duy nhất. Tôi cũng từng trải nghiệm điều đó khi con tôi học giỏi văn, ngoại ngữ, nhưng đã nhiều lần bị điểm 2 môn toán, và dù có học thêm bao nhiêu cũng chỉ lên được điểm 7. Nhà tâm lý học phát triển Howard Earl Gardner (sinh năm 1943, Giáo sư về nhận thức và giáo dục tại Đại học Harvard) đã tổng kết rằng, con người có 8 loại trí thông minh, bao gồm: trí thông minh ngôn ngữ, logic, hướng ngoại, nội tâm, không gian, âm nhạc, vận động và thiên nhiên. Một đứa trẻ có thể có một hoặc một vài ba loại trí thông minh. Nhiệm vụ của cha mẹ là phải nhận diện đúng về con mình thông qua việc quan sát con lớn lên từng ngày và bộc lộ khả năng qua các hoạt động tương tác, để hỗ trợ con phát triển phù hợp. 


Mỗi trẻ em đều có quyền được nhận những điều kiện tốt nhất, phù hợp nhất để phát huy năng lực của mình, đấy là quyền được tạo điều kiện để phát triển. Sự nhạy cảm, cảm xúc và năng lực của từng trẻ là “duy nhất”, là khác nhau, vậy nên, trước khi có thể tìm được một ngôi trường toàn diện cho con, cha mẹ hãy thực hành ngay các phương pháp chăm sóc con, dạy con lớn lên toàn diện đức - trí - thể - mỹ từ trong gia đình, trong cuộc sống. Trường học có ở khắp mọi nơi, và người thầy không chỉ đứng trên bục giảng. Cha mẹ là người thầy đầu tiên và trẻ em nhiều lúc cũng có thể trở nên một người thầy.

Trang Thanh/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...