THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 07:47

Truyền thông Luật Trẻ em, kỹ năng phòng chống ma túy học đường, xâm hại lạm dụng trẻ em tại Thái Nguyên

14/12/2020 | 15:17

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên đang truyền thông cho học sinh tại trường THCS Văn Yên huyện Đại Từ. Ảnh: HCB


 
Cán bộ Trung tâm – Người truyền hơi ấm của xã hội tới các trường


Theo bà Phùng Thị Thơm - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trung bình mỗi năm trên cả nước vẫn còn khoảng 1.000 trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục, bạo hành; không chỉ vậy vấn nạn ma túy, tai nạn thương tích cũng đang là hiểm họa đe dọa sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, truyền thông cung cấp kiến thức về Luật Trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng chống ma túy học đường, xâm hại lạm dụng trẻ em là hết sức cần thiết. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài việc chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm, thì đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về CTXH sẽ đến các nhà trường, trực tiếp trao đổi và truyền tải đến các em học sinh những kiến thức gần gũi, dễ nhớ và dễ thực hành. Công tác này đã được Trung tâm duy trì đều đặn thời gian qua, nhằm tạo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ bậc tiểu học và THCS có nền tảng kiến thức để chủ động bảo vệ mình trong mọi tình huống.


Từ tháng 11 - 12/2020, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức 24 buổi truyền thông trang bị kiến thức, kĩ năng phòng chống ma túy học đường, lạm dụng trẻ em, kĩ năng tự bảo vệ và Luật Trẻ em cho trên 10.000 học sinh THCS tại các trường của 3 huyện như: Trường THCS Bản Ngoại, Phục Linh; Trường THCS Yên Lãng; Trường THCS Phú Cường; Trường THCS Quy Kỳ, Linh Thông, Trường THCS Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô… Cùng với sự tham gia của gần 700 thầy cô giáo của trường. Tại buổi truyền thông, cán bộ Trung tâm đã biến những kiến thức khô khan trong Luật Trẻ em (như: Trẻ em là những ai? Các hành vi nào bị nghiêm cấm khi đối xử với trẻ em? Trẻ em có các quyền gì? Bổn phận của trẻ em là gì?...) và các kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em (chống xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em…) thành những nội dung sinh động, hấp dẫn với nhiều ví dụ cụ thể, dễ nhớ, dễ thuộc thông qua các trò chơi, các câu hỏi đố vui, các tình huống, tranh luận sôi nổi… do chính các em là người thể hiện và cán bộ Trung tâm là người dẫn dắt. Ví dụ như câu hỏi: Hành vi nào được coi là lạm dụng tình dục, quy tắc 5 ngón tay để bảo vệ mình trước xâm hại tình dục…, là những câu hỏi và kiến thức đầu tiên được các cán bộ của Trung tâm chia sẻ với hơn 200 học sinh các lớp của trường THCS xã Văn Yên, huyện Đại Từ.
Sau những buổi truyền thông tại các trường THCS, chị Trần Bảo Khánh, Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng của Trung tâm cho biết: “Ở góc độ những người làm CTXH, chúng tôi cho rằng, khi trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em không phải là chúng ta vẽ đường cho hươu chạy mà giúp cho các em có cái nhìn đúng đắn nhất về những vấn đề có thể xảy ra với các em và các em biết cách xử lý tình huống khi gặp phải những tình huống như vậy. Nếu đã xảy ra rồi thì chúng ta có muốn vẽ, cũng không kịp vẽ nữa rồi. Đây cũng là cách chúng tôi chia sẻ những khó khăn với các thầy cô giáo trong nhà trường, về giáo dục trẻ em”.  


Học sinh trường THCS Quân Chu huyện Đại Từ chia sẻ cách xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm. Ảnh: HCB

 

Trẻ em nhận được gì sau những buổi truyền thông?


Có thể thấy, tại các buổi truyền thông học sinh vẫn còn những ngại ngùng ban đầu khi nhắc đến các vấn đề về giới, song sự cởi mở, gần gũi của cán bộ Trung tâm qua việc chuyển tải những kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ đã ngay lập tức thu hút các em vào các buổi ngoại khóa đầy ý nghĩa. Nhiều em đã hăng hái phát biểu ý kiến, tranh luận với các bạn và nêu lên cảm nghĩ của mình khi được tham gia các buổi truyền thông.
Được phỏng vấn, em Lê Thị Thu Hoài học sinh lớp 9A, Trường THCS Văn Yên, huyện Đại Từ cho biết, em cảm thấy các buổi truyền thông thật là có ý nghĩa. Nó giúp em hiểu thêm nhiều điều. Các cô chú đã đưa ra nhiều thông điệp trong cuộc sống, dạy em biết cách xử lý tình huống khi bị xâm hại, bạo hành… Và giúp em nắm rõ hơn các quyền của trẻ em bao gồm: Quyền sống; Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi duỡng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền bí mật đời sống riêng tư; Quyền được sống chung với cha, mẹ; Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy… Qua đây, em cũng biết phải làm thế nào khi rơi vào nguy cơ bị xâm hại… Em thật sự cảm ơn các cô chú cán bộ Trung tâm.


Một học sinh khác của Trường THCS Yên Lãng, huyện Đại Từ cho biết, bây giờ em mới rõ ngược đãi trẻ em sẽ bị phạt tù đến 5 năm. Nếu công bố thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Nếu trẻ từ đủ 7 tuổi, thì việc này còn phải được sự đồng ý của chính các em. Ngoài ra, khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng, còn phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em... Em sẽ về nói rõ cho bố mẹ và các bậc phụ huynh khác lưu ý điều này.


Cùng tham gia với các em, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường THCS Văn Yên, huyện Đại Từ tâm sự, Trường THCS Văn Yên thuộc địa bàn nông thôn, bố mẹ các em đa số là đi làm ăn xa. Một khó khăn nữa là các em ít được giao tiếp với bên ngoài. Hơn nữa, nhà trường chưa đầy đủ hệ thống tài liệu khoa học về giáo dục kỹ năng sống, việc sắp xếp thời khóa biểu dành cho các buổi chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cũng còn hạn chế, đặc biệt sự quan tâm của gia đình với việc trang bị kỹ năng sống và bảo vệ bản thân cho trẻ… còn chưa đúng mức. Đây là những khó khăn được đặt ra trong việc nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở các Nhà trường hiện nay. Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên đã giúp Nhà trường khắc phục và chia sẻ những khó khăn về vấn đề này. Còn cô Lê Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quân Chu, huyện Đại Từ lại chia sẻ, thực tế phát triển xã hội đặt ra vấn đề cho các nhà quản lý giáo dục, người làm CTXH, cho nhà trường và các bậc phụ huynh trách nhiệm lớn hơn, đó là làm thế nào để “vẽ đúng đường cho hươu chạy”, thay vì để các em chơi vơi trong khối kiến thức khổng lồ và thiếu định hướng từ mạng xã hội. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là sự truyền hơi ấm của xã hội đến với Nhà trường, để tăng kỹ năng sống cho các em, để tăng hành trang sống đầy đặn cho các em bước vào tương lai.


Đánh giá về đợt truyền thông, bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm khẳng định, từ những kết quả đợt truyền thông ở các trường học trên địa bàn huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Trung tâm sẽ tiếp tục truyền thông tới học sinh các trường THCS ở toàn tỉnh Thái Nguyên. Cán bộ Trung tâm với nỗ lực và trách nhiệm của những người làm CTXH, sẽ làm tốt hơn nữa để góp phần mang tới những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em Thái Nguyên nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung.

Thùy Dương/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.