THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:28

Từ vụ bé gái bị bạo hành: Cộng đồng đừng im lặng!

28/12/2021 | 20:05
Trong vụ việc một bé gái 8 tuổi tại TP.HCM tử vong do bị người tình của bố bạo hành, chúng ta cần nhìn nhận lại trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, tố giác những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khoảng 19h45' ngày 22/12, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM nhận tin báo từ một bệnh viện trên địa bàn quận về việc có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện.

Nhận tin báo, Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an phường 22 có mặt tại bệnh viện và căn nhà nơi bé bé N.T.V.A sinh sống để điều tra nguyên nhân vụ việc. Được biết, bé N.T.V.A sống cùng bố là anh Th. (36 tuổi) và vợ sắp cưới của anh Th là V.N.Q.Tr.

Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng ghi nhận trên cơ thể bé gái có nhiều vết bầm tím, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt, nghi vấn bé gái bị bạo hành dẫn đến tử vong.

Quá trình điều tra, dựa vào kết quả pháp y, kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của người tình nghi cùng nhân chứng, lực lượng Công an xác định V.N.Q.Tr. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) là người liên quan trực tiếp đến vụ án nên bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Hành hạ trẻ em dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Vụ việc bé N.T.V.A bị vợ sắp cưới của bố bạo hành đến tử vong, khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Tuy nhiên, cũng từ vụ việc này, một lần nữa chúng ta nên nhìn lại trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt là sự mạnh dạn phản ánh, tố giác với các cơ qua chức năng có thẩm quyền khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, xâm hại.  

Hãy lên tiếng, đừng im lặng, bởi khi im lặng có thể chúng ta đang bỏ rơi những tiếng kêu cứu của trẻ em. Sự im lặng nhiều khi còn là dung túng, là bao che cho kẻ xấu!

Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành dã man, thậm chí tử vong. Những vụ việc bạo hành trẻ em liên tục xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm từ cộng đồng xã hội. Có thể những đứa trẻ sẽ không phải chịu tổn thương và có thể kết cục sẽ không đau lòng đến thế nếu vụ việc được phát hiện, can thiệp kịp thời.

Nhiều khi, vì tâm lý không muốn xen vào đời sống riêng tư, tâm lý ngại va chạm, sợ bị trả thù… nên ở rất nhiều vụ bạo hành trẻ em, những người hàng xóm đã im lặng. Liên quan đến trường hợp của bé gái xấu số nói trên, được biết hàng xóm tại chung cư - nơi cháu bé sinh sống cùng bố và vợ sắp cưới của bố - thường xuyên nghe tiếng kêu khóc của trẻ em, tiếng la hét của người lớn vang ra từ căn hộ trong thời gian dài. Như vậy, có thể thấy hàng xóm sống gần căn hộ có biết hoặc đã nghi ngờ về việc cháu bé bị ngược đãi, bạo hành. Họ từng báo bảo vệ, ban quản lý... nhưng khi biết đó là việc riêng, là cách dạy bảo con của gia đình người ta thì tất cả dường như đã bỏ qua.

Sự việc cháu bé bị bạo hành đã xảy ra trong thời gian dài, nếu những người sống gần nhà cháu bé không thờ ơ mà có trách nhiệm hơn, kiên quyết trình báo nhiều lần với quản lý chung cư, chính quyền hoặc cơ quan chức năng thì nhất định sẽ có sự can thiệp, xử lý. Khi trình báo mà vẫn tiếp tục thấy sự việc xảy ra, những người sống gần cần tiếp tục trình báo một cách cương quyết.

Do đó, trong trường hợp này cũng như các vụ việc tương tự, ngoài hành vi tàn bạo, dã man, mất hết tính người của các đối tượng phạm tội thì có một phần trách nhiệm của cộng đồng, xã hội. Tố giác những hành vi bạo hành xâm hại trẻ em không chỉ là ý thức mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ vụ việc này, một lần nữa chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em không chỉ đối với cơ quan chức năng, những người thực thi công vụ mà còn cho mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, tại các khu dân cư cần có bảng hướng dẫn, chỉ dẫn, số điện thoại báo tin, phản ánh về hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em để người dân dễ thực hiện khi có sự việc xảy ra ở khu vực sinh sống, làm việc... (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, xã phường, Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp nơi xảy ra vụ việc).

Các cơ quan chức năng cần phải truyền thông nhiều hơn để người dân biết được các quy định của pháp luật về trách nhiệm bắt buộc tố giác tội phạm và biết được các nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan xử lý nguồn tin. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho người dân yên tâm rằng, những thông tin về người tố giác sẽ được đảm bảo giữ bí mật để người dân không e ngại, lo sợ bị trả thù, từ đó sẽ tự giác trong tố giác tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, nên có hình thức biểu dương, khen thưởng xứng đáng cũng như lên án, có biện pháp xử lý đối với những người thờ ơ, vô cảm biết rõ sự việc mà không trình báo cơ quan chức năng khi trẻ em, người già bị hành hạ, ngược đãi dẫn đến xảy ra sự việc đau lòng. Có như vậy, mới nâng cao được ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là ngăn chặn, phòng ngừa hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em từ chính những người thân của trẻ em và những người sống xung quanh.

Nam Anh
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Ca ghép gan trẻ em đầu tiên thành công tại BV Đại Học Y Dược TP. HCM

Ca ghép gan trẻ em đầu tiên thành công tại BV Đại Học Y Dược TP. HCM

2 năm trước

BV ĐHYD TP. HCM vừa thực hiện ghép gan thành công cho một bé gái 2 tuổi. Đây là ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại Bệnh viện, được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam mà...
Các trường ở Lâm Đồng dạy học trực tiếp trở lại

Các trường ở Lâm Đồng dạy học trực tiếp trở lại

2 năm trước

Từ ngày 27/12, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện các giải pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Toàn bộ các chốt kiểm soát liên...
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ từ Omicron

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ từ Omicron

2 năm trước

Với khả năng lây lan nhanh, Omicron ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn so với các biến chủng trước đây. Do nhiều bộ phận trẻ em vẫn chưa thể tiêm vaccine nên việc bảo vệ trẻ thuộc trách...