THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 08:08

Tưng bừng Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi - 2019

05/09/2019 | 23:49

Mở đầu ngày hội là những tiết mục đọc thơ, biểu diễn văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi – 2019 diễn ra trong một không gian ấm cúng, các câu lạc bộ thơ ở các tỉnh đã trưng bày những gian thơ tao nhã, những bài thơ lục bát được treo lên trang trọng.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đánh trống khai hội.

Nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; lần đầu tiên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc” trong khuôn khổ Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi - 2019.

Đọc chúc văn.

Lục Bát - Quốc Thi của Việt Nam, xứng đáng là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của Quốc gia 

Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc” thu hút hơn 40 bài viết, ý kiến tham luận. Mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội với dẫn chứng để khẳng định giá trị, vị thế của thơ lục bát trong di sản văn hóa dân tộc, xứng đáng là “Di sản văn hóa phi vật thể” của quốc gia.

Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”

Các ý kiến tham luận tại hội thảo nhấn mạnh, lục bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo được các thế hệ cha ông truyền lại. Đặc biệt, trong tâm thức của nhiều người dân Việt Nam, hầu như ai cũng thuộc đôi ba câu dân ca, ca dao bằng thơ lục bát; những câu ca dao đằm thắm vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình, như nguồn cội dân tộc.

Nhà thơ, Kỷ lục gia Đặng Vương Hưng – Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và trực tiếp tổ chức Ngày Hội Lục Bát nhiều năm qua phát biểu

Lục bát có trong lời ru của mẹ, trong ca dao, có trong sấm ký và có trong kho tàng thi ca của nước Việt, từ những câu nói có vần, đến những điệu hò, điệu lý, câu hát giao duyên cho đến những tác phẩm văn học đồ sộ như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật (Nguyễn Đình Chiểu)... Thể thơ lục bát còn có trong hàng ngàn tác phẩm văn học khác, trong những câu dân ca, những làn điệu Chèo, Quan họ, trong điệu Trống quân, Cò lả, Ví, Giặm, điệu Nam ai, Nam bình, Chầu văn, Ca trù…   

Đến nay, không ai có thể khẳng định thể thơ lục bát có từ khi nào nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lục bát có xuất xứ từ ca dao, từ thời vua Hùng và có thể có từ trước đó, tồn tại trong dân gian từ đời thượng cổ đến giờ, là văn hóa truyền miệng từ đời này sang đời khác. Ngày nay lục bát đã trở thành thể thơ truyền thống đặc thù cho thi ca cổ truyền, một thể thơ giàu cảm xúc, trữ tình, có sức truyền cảm cao trong trào lưu thi ca hiện đại. Từ Tản Đà cho đến Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Trọng Tạo... và một số cây bút trẻ sau này, lục bát đã trở thành những tác phẩm mang phong cách hiện đại, là những tác phẩm "đóng đinh" trong sự nghiệp văn chương của họ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Đức (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), trong cả tục ngữ lẫn ca dao Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều dấu tích của quá trình hình thành, hoàn thiện thể thơ lục bát. Những gì đã được hoàn thiện trong thể lục bát ngày nay đều in dấu bàn tay sáng tạo của người Việt qua tục ngữ, ca dao. Thể thơ lục bát Việt Nam do người Việt sáng tạo ra đầu tiên trong văn học dân gian, được góp sức hoàn thiện thêm bởi văn học viết.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng thơ lục bát là di sản văn hóa và là tài sản quý giá của dân tộc bởi đây là thể thơ tiêu biểu, đặc sắc do người Việt Nam sáng tạo ra và mang tính bản địa rõ rệt. Thơ lục bát được sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ, liên tục được duy trì, bổ sung, nâng tầm thành những tác phẩm văn học bằng thơ ca có sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp cư dân trong xã hội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (bên trái) gợi ý nên thành lập Hội Thơ Lục bát Việt Nam hoặc Trung tâm về Thơ Lục bát Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Trong quá khứ, văn học dân gian nói chung, thơ lục bát nói riêng được coi là tài sản chung của một nhóm người, một cộng đồng. Đồng thời, nó được lưu giữ bằng một hình thức rất độc đáo là truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác theo các con đường giao thương hoặc các bước chân mở đất và mở nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài nhấn mạnh: Tính dân gian, tính truyền miệng, đặc biệt ngôn ngữ tiếng Việt là "nguồn sữa tinh thần" sản sinh, nuôi dưỡng, duy trì và trao truyền di sản thơ lục bát; do đó, nội dung và hình thức nghệ thuật trong thơ lục bát liên quan tới hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của người Việt Nam. Từ đó, có thể nói, thơ lục bát là một "phần hồn" trong di sản văn hóa dân tộc, là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam, cần được bảo tồn và tôn vinh.  

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Đặng Vương Hưng,
PGS. TS Đặng Văn Bài và những người yêu thơ lục bát

Do đó, tại Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giá trị và vị thế của Thơ Lục Bát trong Di sản Văn hóa Dân tộc; khẳng định trên thực tế Lục Bát đã là Quốc Thi của Việt Nam và xứng đáng là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của Quốc gia! Vấn đề là địa phương, tổ chức nào sẽ “đăng cai” làm hồ sơ khoa học cho Thơ Lục Bát, trình lên Hội đồng Thẩm định Di sản Văn hóa phi vật thể, để đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và xa hơn nữa là trình lên UNESCO… để Lục Bát được cả thế giới tôn vinh?

Các câu lạc bộ thơ lục bát chụp ảnh lưu niệm

Sử dụng công nghệ 4.0 để giữ gìn và phát triển lục bát
Nhà thơ Đặng Vương Hưng và nhóm nhà thơ yêu thơ lục bát những năm qua đã có những bước đi thiết thực để gìn giữ và phát triển thơ lục bát. Thấy lợi ích lớn lao của công nghệ, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã khởi xướng cho “trình làng” và hòa mạng internet toàn cầu website Lục Bát Việt Nam; với tên miền chính thức www.lucbat.vn và các tên miền khác đều có thể truy cập: ww.lucbat.com – www.lucbat.net, đã phát triển được hơn 11 năm. Được biết, các website Lục Bát Việt Nam này đang được nâng cấp giao diện hiện đại nhất có thể.

Gian thơ của Nhóm facebook Thơ Lục Bát Việt Nam

Thông qua đó, đã tổ chức 11 lần Ngày Hội Lục Bát hằng năm, quy mô toàn quốc, và đã lập 02 Kỷ lục Quốc gia năm 2018: Tổ chức Ngày hội Lục Bát nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018) và Bộ sách “Lộc Phát” - Thơ Lục Bát tự chọn 10 tập được phát hành trong nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018). Đặc biệt, website còn thiết lập được một thư viện độc đáo và đặc sắc về Lục Bát, với hàng ngàn tác giả và hàng vạn sáng tác mới; cùng hàng trăm bài viết mang tính nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Thơ Lục Bát.

Lục bát ngỡ như rất đơn giản mà thấm thía nhiều lẽ đời

Ấn phẩm dùng để “Phát lộc” trong Ngày hội Lục Bát năm nay là Tập thơ Lộc Phát Kỷ Hợi – 2019, do Kỷ lục gia, Nhà thơ Trương Nam Chi chủ biên, đã thu hút được gần 300 tác phẩm của hơn 150 tác giả.

Trong khuôn khổ “Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019”, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã cho công bố tập thơ Lục Bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 – 2017). 

Đánh giá về tập “Phố Quê”, Nhà thơ Trần Ninh Hồ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết: “Với hơn 200 bài thơ Lục Bát mới trình làng, sau gần hai chục năm tưởng chừng Đặng Vương Hưng đã “gác kiếm ở ẩn” thì nay lại “tái xuất giang hồ”. Không biết bao nhiêu việc đời, sự đời trên đường đời này đã hiện ra mà Y không hề tránh né. Nó cứ tuôn chảy như dòng thơ Lục Bát từ nhiều trăm năm qua, khiến Y yêu lục bát đến mức, nếu nối hơn 200 bài thơ lục bát này lại có thể đến hàng ngàn câu mà Y rất ít bị vấp, bị gò. Đấy là chưa kể đến việc Y còn có nhiều đóng góp trong việc cách nhịp, gieo vần,… Lục Bát đã giúp Y sự hồn hậu, hóm hỉnh, ngỡ như rất đơn giản mà thấm thía nhiều lẽ đời. Cái lẽ đời ấy phải chăng cũng là chất “trí tuệ” mà các nhà phê bình lý luận thường luận bàn. Nó rất giống cái từ ghép trong dân gian là “Thấm Thía”. Đã “Thấm” rồi còn “Thía”. Chữ “Thía” như một nét khắc nào đó trong nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, đã thấm sâu vào hồn quê từ ngàn đời. Để ngày nay, “chàng thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa” Đặng Vương Hưng may mắn được kế thừa và phát huy”…  

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...