THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 07:56

Tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

25/07/2019 | 14:22
Tới dự buổi Lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các địa phương, tỉnh, thành; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12 ngàn thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Gặp mặt
 
Những tấm gương kiên cường, bất khuất
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc có mặt ở đây hôm nay chính là những nhân chứng và những tấm gương của tinh thần người người kiên cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập tự do, thống nhất của đất nước và cũng vì một lẽ sống cao đẹp cho đồng bào mình, đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng, hàng trăm nghìn thương binh bệnh binh. Các đồng chí đều là những người lính, trải qua các cuộc chiến tranh gian khổ, khốc liệt, bị mất sức lao động 81% trở lên, thậm chí có nhiều đồng chí mất tới 95% hay 100% sức lao động; nhiều người là Anh hùng lực lượng vũ trang, có đại biểu là nữ, đại diện cho các vùng miền, các dân tộc anh em. Trở về với cuộc sống đời thường tại gia đình hay tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đa số các đồng chí thương binh nặng phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc, nhiều người không tự chủ được trong sinh hoạt... Thế nhưng các đồng chí đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua cả nỗi đau về tinh thần ẩn sâu, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Có người tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đồng chí Lê Hữu Trạc, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình, đồng chí Trần Duy Lý, tham gia Đảng ủy phường, tổ dân phố. Có người cùng gia đình tổ chức sản xuất, kinh doanh như đồng chí Đinh Hữu Du nuôi ong, trồng dược liệu, đồng chí Phạm Hùng Tư sửa chữa điện… Những việc làm tuy giản dị nhưng đáng trân trọng biết nhường nào”.
 
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc.
 
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bày tỏ sự xúc động và cảm phục với những tấm gương kiên cường bất khuất, chiến thắng bệnh tật của các đồng chí thương binh nặng, đồng thời nhấn mạnh: “Sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, gia đình và cộng đồng luôn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với các đồng chí thương binh vượt khó vươn lên, chiến thắng bệnh tật. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của bộ đội Cụ Hồ, các đồng chí đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống, nhiều đồng chí không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và cộng đồng, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn, làm đúng theo lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Việc tổ chức buổi Gặp mặt này cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta rằng, phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: "Cần phải chăm lo tốt hơn nữa công tác thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình yêu thương sâu sắc với đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta".
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện các đồng chí thương binh nặng
 
Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
 
Cũng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hằng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng trăm người bị địch bắt, tù đày, người nhiễm chất độc hóa học…
 
 
Thủ tướng tặng quà và biểu dương những thành tích của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác chăm sóc người có công
 
Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, phong trào "đền ơn đáp nghĩa" đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng, tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng. Hơn 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
 
 
500 đại biểu là các đồng chí thương binh nặng về dự buổi gặp mặt
 
“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực và ý chí vươn lên của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng mà 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, đại diện cho hơn 12 nghìn thương binh nặng, hàng trăm nghìn thương binh, bệnh binh và hàng triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước. Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng lay động lòng người, động viên khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên trong mỗi chúng ta. Nhân dịp này, tôi cũng biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể từ trung ương tới địa phương... Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội những năm vừa qua đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ thông qua các hoạt động kỷ niệm đã  khẳng định công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
 
 
Thương binh Lê Hữu Trạc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình tham gia giao lưu tại buổi Gặp mặt
 
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp chăm lo cho người có công
 
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, 100%  gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng, của Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.
 
Hai là, bố trí tăng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi với người có công. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thế hệ trẻ.
 
Ba là, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sỹ.
 
Bốn là, phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình đền ơn đáp nghĩa. Tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội.
 
 
Một  trong những tiết mục văn nghệ tại buổi Gặp mặt
 

Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Bằng khen, tặng quà cho 72 thương binh nặng tiêu biểu. 

Bài, ảnh: Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.