THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 11:39

Tuyên Quang tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật

28/09/2021 | 11:31
Trong Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Tuyên Quang phấn đấu 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi.

Kế hoạch và định hướng phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định 

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đặt ra các mục tiêu cụ thể: Phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động; truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Phấn đấu 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. Hằng năm trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp; trên 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ được cung cấp thông tin, kiến thức; 90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 70% cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn ngành lao động - thương binh và xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu giảm đến mức thấp nhất số lao động trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, gồm:

Rà soát, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trình, sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng các phương thức thông tin tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em các cấp.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em.

UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch. Rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Theo dõi, đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch; báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của ngành, lĩnh vực. UBND huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mô hình phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt ở địa bàn, ngành nghề có trẻ em tham gia lao động, lao động trẻ em hoặc có nguy cơ phát sinh lao động trẻ em.

Hồng Trần
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...