CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 05:28

Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90% dân số

10/12/2020 | 08:02

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT

Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. BHXH Việt Nam cho biết, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đã có những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và những lợi ích khi tham gia BHYT, số người tham gia BHYT ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Tính đến hết tháng 06/2020, toàn quốc có trên 86 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 90% vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg. Trong đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với năm 2018 (tương đương tăng 10,8%). Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, để đảm bảo tối đa quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Cùng với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, cơ quan BHXH và ngành y tế đã phối hợp, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm; triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.

Theo số liệu trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT cập nhật đến 15h00’ ngày 20/3/2020, số liệu khám chữa bệnh BHYT toàn quốc tính từ 01/01/2020 đến 20/3/2020 như sau: Tổng số lượt khám chữa bệnh là 34.486.954 lượt (ngoại trú là 31.510.845 lượt, nội trú là 2.976.109 lượt). Tổng chi khám chữa bệnh BHYT cơ sở khám chữa bệnh đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 19.300 tỷ đồng (ngoại trú là 11.717 tỷ đồng, nội trú là 7.583 tỷ đồng).

Trong đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trong tháng 01 và tháng 02/2020 là 26.693.949 lượt, tăng 198.319 lượt so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,7%); tổng chi phí đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 14,846 nghìn tỷ đồng, tăng 0,912 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,5%).

Tính đến tháng 06/2020, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho gần 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 186.088 lượt người (12%) so với cùng kỳ năm 2019; với số tiền chi trả từ quỹ ốm đau, thai sản lần lượt là 768.211.161.019 đồng tăng 19% so với cùng kỳ 2019.

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, để chủ động, chung tay phòng chống dịch, đầu năm nay, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thực hiện thanh toán chi phí điều trị với các trường hợp nghi ngờ nhiễm chủng mới của virus Corona.

Trong đó, chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus Corona. Đồng thời, thực hiện tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh của quý I/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona.



Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.


Hướng tới BHYT toàn dân

Theo thống kê, đến nay cả nước vẫn còn khoảng gần 10 triệu người chưa tham gia BHYT, số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay chỉ còn 10%, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là những người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT.

Để giải quyết vấn đề này, ngành BHXH phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT. Đồng thời có những giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Tiếp tục quan tâm đầu tư đổi mới, tăng cường công tác truyền thông; hoàn thiện công tác thu và cấp thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, quản lý quỹ BHYT; nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ. Ðồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong thu nộp BHYT và các hành vi lợi dụng, trục lợi Quỹ khám chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện hiệu quả Luật BHYT với mục tiêu “Thực hiện nghiêm Luật BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Có thể thấy, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau, tai nạn không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Với những nỗ lực của mình, BHXH Việt Nam mong muốn, việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân sẽ đạt được trong thời gian không xa.

Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.

Thu Trang/GĐ&TE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...