THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 11:26

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm

16/12/2017 | 10:10

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Tăng cường công tác truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số” vừa được Viện Dinh dưỡng quốc gia và Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số”

Giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số nhờ truyền thông


Do đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là vào mùa mưa. Phụ nữ dân tộc thiểu số thường cho trẻ ăn thức ăn thô từ rất sớm, ví dụ như khi trẻ mới chỉ 2-3 tháng tuổi họ đã cho trẻ ăn cơm. Thêm vào đó, một số vùng thậm chí có đến nửa số hộ gia đình không có đủ lương thực vào mùa giáp hạt cũng như không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh… Theo PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, điều này đã dẫn đến thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh (32,1% so với 16,2%), tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao, có nơi tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi là trên 80%, tỷ lệ thiếu máu là trên 30%...   

Bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ trẻ em phát biểu tại hội thảo.

Theo bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ trẻ em, để giải quyết tận gốc vấn đề này, việc tuyên truyền thay đổi hành vi trong thực hành dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ đối với người dân tộc thiểu số rất cần thiết. Trong thời gian qua, tổ chức Cứu trợ trẻ em kết hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia đã tích cực thông qua các biện pháp truyền thông nhằm khuyến khích các bà mẹ áp dụng chế độ ăn lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời gian mang thai, khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ cho trẻ ăn bổ sung khi đã đủ 6 tháng tuổi, chăm sóc tốt giai đoạn 1000 ngày vàng để chống suy dinh dưỡng thấp còi…

Truyền thông đúng đối tượng và hiệu quả sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và thúc đẩy những thực hành tích cực trong nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Đồng thời, Viện Dinh dưỡng sẽ tăng cường truyền thông, hướng dẫn về 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý và thực hiện can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0-72 tháng tuổi...

Chiến dịch huy động sự hợp tác liên ngành trong vấn đề dinh dưỡng; đồng thời khuyến khích các bà mẹ áp dụng chế độ ăn lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời kỳ mang thai; khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi. Đặc biệt, 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ là giai đoạn quan trọng nhất đối với các can thiệp chống suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chiến dịch sẽ góp phần cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030...

Tuy nhiên, công tác truyền thông còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, ngôn ngữ, còn phải lồng ghép vào các chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng khác… nên hiệu quả chưa cao.

PGS. Phạm Văn Phú, Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội cho rằng, nếu có thể thực hiện đưa nội dung tuyên truyền vào chương trình giảng dạy trong trường phổ thông và tập huấn thông tin dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi 15-16 thì sẽ góp phần đáng kể vào công tác phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cho trẻ em dân tộc thiểu số hiện nay.

Dịp này, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã giới thiệu và công bố chiến dịch "Vì mọi trẻ em" với chủ đề "Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số". Đây là một chiến dịch toàn cầu với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho trẻ em yếu thế. Ca sĩ Mỹ Linh được chọn làm đại sứ của chiến dịch này.

Bảo Ngọc / Tc Gia đình & Trẻ em

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.