THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 10:35

Ứng xử với khủng hoảng tuổi lên 10

19/02/2023 | 06:36
10 tuổi là khoảng thời gian tiền dậy thì, trẻ phát triển mạnh về thể chất lẫn tư duy. Ở giai đoạn này, trẻ có xu hướng thích khám phá và chứng tỏ bản thân, do đó dạy trẻ tuổi lên 10 cũng khác nhiều so với các lứa tuổi trước đó.
Trẻ cần học cách chia sẻ, quan tâm đến người khác.

Trẻ cần học cách chia sẻ, quan tâm đến người khác.

Giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn Tâm lý - Gia đình và Trẻ em, trong quá trình phát triển của trẻ em, giai đoạn tiền dậy thì từ 10 - 13 tuổi là lúc tạo cho cha mẹ nhiều áp lực nhất và cũng khiến cha mẹ dễ lâm vào tình trạng "khủng hoảng" theo con nhất.

Một trong những điều làm cha mẹ “đau đầu” là ở giai đoạn này trẻ trở nên bướng bỉnh, không nghe lời, khép kín, học hành sa sút và có những suy nghĩ tiêu cực. Ðôi khi, vì mâu thuẫn nhỏ, trẻ có thể nảy sinh hành động dại dột, hậu quả không thể cứu vãn. Theo chuyên gia Lê Khanh, trên thực tế, hậu quả của bi kịch đau lòng chỉ như giọt nước tràn ly sau hàng loạt các tác động, biện pháp ứng xử hay giáo dục chưa phù hợp của bố mẹ. Những xáo trộn tâm sinh lý bên trong cơ thể và những tác động bên ngoài, khiến trẻ chông chênh, có cảm giác như "cả thế giới" đang bỏ rơi mình. Trong khi đó, phụ huynh lại áp đặt, tạo áp lực về học hành, điểm số, cấm đoán, chê bai, mắng mỏ, đánh đòn khiến trẻ sinh ra chán nản, buông xuôi, dẫn đến các rối loạn về tâm lý, thậm chí trẻ có thể bỏ đi để thoát khỏi vòng tay cha mẹ.

Muốn "chữa" cho trẻ, trước tiên phải "chữa bệnh" tâm lý cho phụ huynh. Cha mẹ hãy lắng nghe, đừng truy vấn trẻ bằng những câu hỏi tại sao, muốn gì mà nên là những câu gợi mở để trẻ nói ra những nhu cầu của mình, kết hợp với quan sát các ngôn ngữ cơ thể của con, các dấu hiệu, các hành vi và nét mặt… Cha mẹ cần coi con như bạn, tôn trọng, trao đổi, đối thoại nhẹ nhàng, tuyệt đối không bạo hành tinh thần hay thể xác, để con cảm nhận được sự tin cậy, yêu thương và bao dung của mình. Chuyên gia Lê Khanh cho biết, trường hợp trẻ bộc lộ những dấu hiệu khủng hoảng của tuổi tiền dậy thì, cha mẹ đừng vội vàng tìm cách đương đầu, trấn áp mà nên đưa con ra khỏi nhà, có thể đi chơi đâu đó xa hoặc ra quán cà phê để trò chuyện, lắng nghe. Trường hợp cần thiết, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý để tìm ra những biện pháp, "chiến lược" nhằm từng bước giải quyết vấn đề.

Trẻ lên 10 tuổi cần được phụ huynh quan tâm hơn.

Trẻ lên 10 tuổi cần được phụ huynh quan tâm hơn.

Giúp trẻ phát triển đúng hướng

Với bé gái, 10 tuổi sẽ có thay đổi lớn về ngoại hình nên rất cần có sự quan tâm, định hướng của cha mẹ. Nhiều bé đã bắt đầu giai đoạn dậy thì nên có tâm lý hoang mang, lo lắng trước thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, bé gái cũng cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp và tham gia các hoạt động chung và có quan điểm đúng hay sai trước một sự việc nào đó, biết cách thể hiện chính kiến của mình. Nhiều bé còn bắt đầu thích có khoảng thời gian yên tĩnh hay riêng tư một mình.

Bé trai 10 tuổi sẽ có nhiều sự tò mò về thế giới xung quanh và thể hiện rõ thái độ, tình cảm của mình về mọi vật, mọi việc xảy ra. Nhiều bé trai thể hiện sự bướng bỉnh, thái độ có phần thái quá về điều mình không hài lòng. Bé trai có những thay đổi về mặt tình cảm, quan tâm hơn tới các bạn cùng giới và khác giới. Trong gia đình, trẻ cũng thể hiện sự yêu ghét rõ ràng hơn, biết thể hiện tình cảm với cha mẹ, người thân. Trẻ ở độ tuổi này còn có xu hướng trở thành người mà mình coi đó là hình mẫu, nên sẽ có sự bắt chước người đó, có tâm lý phát triển dựa vào những ảnh hưởng của mọi người.

Ðể giúp trẻ 10 tuổi có sự phát triển tốt nhất, cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:

Nói với con về những thay đổi của bản thân: Cha mẹ cần cung cấp kiến thức về giới tính (đặc biệt là với bé gái) để giúp con tự tin hơn và biết cách xử lý khi thấy những thay đổi trên cơ thể mình. Người mẹ nên dành thời gian trò chuyện cùng con để trang bị kiến thức sinh lý cho con, giúp trẻ biết về kích cỡ vòng 1, chu kỳ kinh nguyệt và hướng dẫn bé vệ sinh cá nhân đúng cách...

Dạy trẻ về sức khoẻ sinh sản: Cha mẹ cần đối diện với trẻ và giúp con có những kiến thức về sức khoẻ sinh sản. Ngoài những kiến thức về sự thay đổi cơ thể, trẻ cần biết được vùng cấm của mình là thế nào. Cần cho trẻ biết hậu quả của các hành động sai trái để trẻ hình thành tâm lý đúng đắn về sức khoẻ sinh sản. Cha mẹ có thể giáo dục về sức khoẻ sinh sản cho trẻ thông qua sách báo, các dụng cụ trực quan để trẻ hiểu biết hơn. Ðồng thời, cha mẹ quan tâm hơn tới các mối quan hệ xã hội của trẻ để có can thiệp kịp thời.

Dạy trẻ tính tự lập: Trẻ tự lập thường sẽ thành công hơn những trẻ ỷ lại. Cha mẹ cần dạy cho trẻ tính tự lập như: tự giác học tập, tự làm vệ sinh cá nhân, tự làm các công việc nhà đơn giản và vừa sức... Trẻ lên 10 còn cần tự lập trong tâm lý, nghĩa là trẻ cần có suy nghĩ luôn cố gắng để đạt được điều mình mong muốn, chủ động trước mọi vấn đề và cố gắng giải quyết chúng một cách tốt nhất.

Trẻ em được ví như một trang giấy trắng nên khi trẻ được quan tâm và định hướng đúng sẽ hạn chế được những vấn đề, sự cố xảy ra. Và khi cha mẹ có được những định hướng, chủ động trong việc giáo dục trẻ thì sẽ giúp con vui vẻ và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Dạy trẻ tính kiên nhẫn: Trẻ có tính kiên nhẫn sẽ có thái độ chủ động hơn trước mọi vấn đề và cũng biết cách để làm thế nào đạt được hiệu quả khi xử lý vấn đề.

Tự tin về bản thân là đức tính quan trọng, giúp trẻ tự khẳng định mình và phát triển hơn trong cuộc sống. Tự tin cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Cha mẹ hãy cổ vũ, động viên con trau dồi kiến thức, kỹ năng. Khi trẻ hiểu nhiều biết rộng, tinh thần vui vẻ, ngoại hình ổn định sẽ tự tin hơn.

Dạy con biết tự bảo vệ bản thân: Cha mẹ cần giáo dục con về những hiểm họa từ tệ nạn xã hội và dạy con cách phòng tránh.

Ðối với những đứa trẻ bướng bỉnh ở độ tuổi lên 10, cha mẹ phải hiểu rằng chúng rất ghét việc bị người lớn nhắc nhở mãi một vấn đề, đặc biệt là những điều có tính lý thuyết - chúng cảm thấy không có tác dụng với mình. Ðể trẻ không bướng bỉnh và nghe lời khuyên thì cha mẹ phải nắm rõ được bản chất vấn đề trẻ đang gặp phải, kiên nhẫn trò chuyện và cùng con tìm ra giải pháp. Ðiều này giúp trẻ cảm thấy được cảm thông, dần tin tưởng và nghe lời cha mẹ hơn.

Nhật Minh
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Bảo vệ sức khỏe con trẻ khi thời tiết nồm ẩm

Bảo vệ sức khỏe con trẻ khi thời tiết nồm ẩm

1 năm trước

Những ngày gần đây, khoa nhi và khoa tai mũi họng các bệnh viện ở phía Bắc đều gia tăng số bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản... tới khám và điều trị. Thời tiết nồm ẩm là điều...
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét

1 năm trước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 17/2, ở phía Bắc, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng sáng 19/2, bộ phận không khí lạnh...
6 khuyến nghị của UNICEF nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

6 khuyến nghị của UNICEF nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

1 năm trước

Theo bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội, đặc biệt là những nhóm đối tượng dễ bị tổn...
Cha mẹ đã dạy trẻ biết yêu thương vật nuôi?

Cha mẹ đã dạy trẻ biết yêu thương vật nuôi?

1 năm trước

Chó, mèo… đôi khi không chỉ là thú cưng, chúng còn là bạn, là một thành viên trong gia đình, thậm chí là điểm tựa chữa lành những vết thương tâm hồn cho con người. Đã bao giờ cha mẹ tự...