THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 09:35

"Ước mơ vượt khó" về trẻ em khuyết tật

11/11/2020 | 09:48

Năm nay, cuộc thi được Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức muộn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 5.000 bức tranh từ các trung tâm, trường học trên khắp cả nước gửi về dự thi như: Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đà Nẵng, Sài Gòn, Vĩnh Long...  và rất nhiều các cháu có những hoàn cảnh đặc biệt từ chính những ngôi trường "đặc biệt" trên khắp cả nước như: Trung Tâm Phục hồi chức năng Người khuyết tật Thụy An, Hà Nội; Trung tâm BTXH IV Hà Nội; Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình; Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ; Làng Trẻ em SOS Đồng Hới; Làng Trẻ em SOS Vinh... Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng nhận được gần 50 bức tranh của các em thiếu nhi có cha mẹ là người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.



Ban Tổ chức cuộc thi và những bức tranh tham dự.


Qua từng cuộc thi, số lượng tranh gửi tới ban tổ chức tham dự ngày càng tăng, nhiều trường và các trung tâm mỹ thuật đã có sự đầu tư bài bản cho các bức tranh dự thi. Khu vực phía Bắc, ngoài Hà Nội là nơi có nhiều tác phẩm dự thi đẹp thì phải kể đến Bắc Giang, Hải Dương, khu vực phía Nam thì phải kể đến Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Những bức tranh từ những khu vực này đều có chất lượng tốt và đoạt giải ở những cuộc thi trước.

Tranh của trẻ em luôn thu hút được người xem bởi nhiều điều đặc biệt, thông qua ngôn ngữ hội họa, các em được thể hiện một cách sâu sắc nhất những ước mơ của mình, mà đôi khi ngôn từ không thể diễn tả. Ước muốn được  hòa mình vào không gian sôi nổi, tươi vui cùng các bạn đồng trang lứa, được sáng tạo, được làm công việc mình mơ ước, được công nhận và được tôn trọng.

Những nét vẽ ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng lần lượt hình thành một cách đầy ý nghĩa, tạo nên một không gian muôn màu độc đáo. Những bức tranh “già dặn” trong ý tưởng, nhưng lại vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu trong cách thể hiện. Chính sự đối lập một cách đầy ngẫu hứng cùng sự tự tin trong từng nét vẽ, mảng màu đã làm mê hoặc ban giám khảo và người xem.


Ngoài yếu tố về mặt thẩm mỹ, thông điệp từ cuộc thi mới chính là sức hút tạo nên giá trị cho cuộc thi này. Gieo mầm cho tình yêu thương, khơi gợi lòng lòng nhân ái luôn là chủ đề của những cuộc thi mà Tạp chí Gia đình và Trẻ em muốn hướng tới, bởi yêu thương và nhân ái chính là giá trị văn hóa, là cuội nguồn đạo đức của mỗi con người, của cộng đồng, của dân tộc Việt Nam. Nó đã thành truyền thống ẩn chứa trong mỗi con người, sẵn sàng bừng dậy, lan tỏa một cách tự nguyện, nhằm chia sẻ, giúp đỡ và yêu thương trước những hoàn cảnh đặc biệt, cần được sự quan tâm của toàn xã hội.

Hơn 5.000 bức tranh do trẻ em sáng tác được gửi đến cuộc thi năm nay cũng chính là hơn 5.000 thông điệp được chuyển tải sinh động, dễ hiểu và đầy chất nhân văn tới đông đảo quần chúng trong xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức để thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em (BVCSTE) khuyết tật. Tạo điều kiện giúp các em được hưởng các quyền cơ bản của mình như: được học tập, được chăm sóc sức khỏe, được vui chơi, được nuôi dưỡng và yêu thương, được nói lên ý kiến của mình như những trẻ em bình thường.

Cuộc thi còn góp phần nâng cao nhận thức để thay đổi thái độ, hành vi của trẻ em về trẻ em khuyết tật, nhắc nhở các em hãy biết giúp đỡ, chia sẻ và yêu thương đối với các bạn kém may mẵn, bị khuyết tật.


Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà trao giải Nhất cho em Lê Ngọc Linh, Trường THCS Sơn Tây (Hà Nội) trong cuộc thi năm 2018.


Các cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em do Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều ban, ngành, đoàn thể và nhất là từ các cấp lãnh đạo của Bộ LĐTBXH đến tham dự và trao giải. Đó không chỉ là sự động viên đến cuộc thi, đến những em được giải, mà đó còn là sự cam kết của Bộ LĐTBXH đến các chính sách BVCSTE nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng trong xã hội.

Không chỉ dừng lại ở việc phát động và trao giải. Sau mỗi cuộc thi, ban tổ chức cùng với cùng những đơn vị liên quan lại tổ chức những cuộc Hội thảo liên quan các vấn đề về trẻ em. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi nhiều nội dung liên quan đến các chính sách BVCSTE, những kinh nghiệm hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về BVCSTE, đồng thời chia sẻ những kỹ năng trong truyền thông và công tác BVCSTE nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

Ngoài những ý nghĩa xã hội tích cực nêu trên, cuộc thi đã và đang thúc đẩy phong trào mỹ thuật tại các trường học, khẳng định được sức hấp dẫn của hội hoạ đối với thiếu nhi, góp phần nâng cao vai trò và chất lượng của đội ngũ giáo viên chuyên ngành cũng như cơ hội phát triển tài năng cho những em có năng khiếu đam mê hội họa.

Theo dự kiến, vào ngày 17/12 tới đây, Ban Tổ chức sẽ chọn ra những bức tranh đẹp nhất để trưng bày và trao giải.

Xuân Quang/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.