THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 07:18

Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ Covid

24/12/2020 | 15:31

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc chương trình.

Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, kể từ khi Luật bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007 đến nay, công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực dựa trên cơ sở giới tại Việt Nam ngày càng được thể chế hóa và tiến hành thực hiện qua các Chiến lược, Chương trình hành động, Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội qua từng giai đoạn 10 năm và 5 năm trong mọi lĩnh vực.

“Bất bình đẳng giới trong các cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, trong thực hiện chính sách đối với lao động nữ và ngay cả trong gia đình cũng khiến cho khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực chưa được thu hẹp.

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng được xem là những trở ngại lớn trong việc giảm bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm, nhiều nạn nhân vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo, nhất là khi người gây bạo lực, xâm hại chính là người thân của họ.

Vì vậy, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình và đặc biệt là vai trò truyền thông cần làm thay đổi được những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, trong công việc và ngoài xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho rằng sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm trong việc rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi toàn diện các chính sách, pháp luật liên quan; không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong gia đình và ngoài xã hội nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại hơn là lựa chọn cách im lặng.



Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cám bộ Trần Thị Thu Hằng phát biểu tại chương trình.


Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành, toàn thể cộng đồng cùng cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực. Cần coi công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước mà là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh to lớn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.



Các học viên thảo luận về vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam hiện nay.


Chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên đề “Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ Covid” nhằm cung cấp cho các cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và nữ công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ thêm những góc nhìn về vấn đề bạo lực liên quan đến giới, đặc biệt là vấn đề bạo lực liên quan đến giới trong thời kỳ Covid, những khó khăn, thách thức và cách giải quyết.



Ông Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Công ty Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống trao đổi cùng các học viên.


Tại chương trình, giảng viên Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Công ty Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống đã giới thiệu tới các học viên các vấn đề chung về giới và bạo lực giới trên cơ sở giới; nghiên cứu về bạo lực gia đình trong bối cảnh Covid-19 tại Việt Nam; tìm hiểu và phân biệt các khái niệm về giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới, phân biệt đối xử về giới, bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, nhạy cảm giới, lồng ghép giới; giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; nhiệm vụ của công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; phụ nữ tiến bộ tới đâu; xây dựng ý tưởng thực hành vì sự tiến bộ phụ nữ…



Các học viên lớp bồi dưỡng cùng chụp ảnh lưu niệm.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam thực hiện năm 2019 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện:

Những phụ nữ bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục bị giảm 30,8% thu nhập hàng năm so với những người phụ nữ không bị bạo lực.

Việt Nam bị thiệt hại năng suất lao động tương đương với 100.507 tỷ đồng, bằng khoảng 1,81% GDP năm 2018 của phụ nữ đang có việc làm, tuổi từ 15 đến 64, từng có chồng/bạn tình, bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong đời.

Trong khi đó, 49,6% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra chưa bao giờ kể cho bất cứ ai về việc này và hầu hết họ, 90,4% không tìm đến sự hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ của nhà nước hoặc các cơ quan chính quyền.

Bài: Thanh Huyền, Ảnh: MQ Viny/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.