CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 07:16

Văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại

20/03/2018 | 11:13
 
Gia đình là điểm tựa hạnh phúc của mỗi người. Ảnh minh họa (Internet)
 
Những biểu hiện đáng lo ngại
 
Cuộc sống hiện đại đã và đang làm nảy sinh những vấn đề trong gia đình Việt Nam hiện nay. Chỉ cần một cú “click” chuột đơn giản, chúng ta có thể tìm thấy hằng hà sa số những vụ việc: ngoại tình, ly hôn, tảo hôn, sống thử, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em... với đủ các mức độ và sự ảnh hưởng khác nhau. Lối sống “mì ăn liền” đang khiến cho những giá trị văn hóa của gia đình bị ảnh hưởng. Khi đồng tiền ngự trị trên mọi mặt của đời sống: vật chất, tinh thần, đạo đức... đã tác động mạnh mẽ đến những giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam như: đạo hiếu, kính trên nhường dưới, yêu nước thương nòi, quan tâm lẫn nhau. 
 
Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, cách suy nghĩ và vấn đề chăm sóc, phụng dưỡng người già đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đặc biệt là với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Ý thức về sự tự do, chủ nghĩa cá nhân khiến các thành viên dần xa rời nhau, không còn sự liên kết, gắn bó bền chặt. Chúng ta đang lạc lõng trong chính gia đình của mình. 
 
Những biểu hiện này là rất đáng lo ngại, chúng có thể làm băng hoại đạo đức của con người. Do vậy, chúng ta cần uốn nắn, điều chỉnh, trước hết từ ngay trong chính mỗi gia đình.
 
Xây dựng giá trị văn hóa gia đình
 
Cuộc sống hiện đại khiến cơ cấu gia đình cũng có sự thay đổi. Nếu gia đình Việt Nam trước đây chủ yếu là “tam đại, tứ đại đồng đường”, thì bây giờ quy mô gia đình đã có sự thu hẹp, gia đình hạt nhân với 2 thế hệ cha mẹ và con trở nên phổ biến. Tầm quan trọng, vị trí của người phụ nữ cũng có sự thay đổi, khi mà người ta đang cố gắng để bình đẳng giới, phụ nữ trở nên giỏi giang và độc lập hơn. Họ tự chủ về kinh tế và yêu cầu được làm việc, được san sẻ mọi mặt của cuộc sống với người đàn ông, chứ không đơn giản chỉ là chuyện bếp núc, chăm sóc nhà cửa như trước kia. 
 
Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phép con người tự do hơn, năng động hơn trong lối sống và hành động, khiến cho những biến đổi về văn hóa gia đình ngày càng rõ nét. Đặc biệt, thành tựu của cuộc cách mạng 2.0, 3.0, 4.0 đang mang các thành viên trong gia đình xa rời nhau. Khi mà mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại, smart phone trở nên phổ biến, người ta dường như không quan tâm đến sự kết nối và thấu hiểu lẫn nhau, mà đơn giản chỉ thể hiện bằng những nút “like” ảo trên facebook. 
 
Thực tế cho thấy, một xã hội muốn phát triển thì phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và những mối quan hệ bền chặt, vững chắc trong đó. Chính thế, chúng ta phải chú ý giáo dục từ ngay trong mỗi gia đình. Sự quan tâm, yêu thương của ông bà, cha mẹ đến con cháu chính là yếu tố giúp gia đình hạnh phúc. Sẽ chẳng có con cái bất hiếu, vô lễ, vô cảm, nếu người lớn trong nhà biết chăm lo và thấu hiểu. Yêu thương chính là cốt lõi của văn hóa gia đình. Giới trẻ cần được giáo dục những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ gia đình, từ chính cha mẹ, ông bà mình. Hãy học cách giao tiếp trực tiếp với nhau để biết và hiểu nhau hơn. 
 
Bên cạnh đó, cần phải xóa bỏ những tư tưởng, hủ tục phong kiến, lỗi thời không còn phù hợp với thời đại như trọng nam khinh nữ. Việc đòi hỏi phải sinh được con trai để nối dõi, để có người thờ cúng gây ra việc mất cân bằng dân số. Hiện tượng thiếu nữ thừa nam đã tác động trực tiếp đến sự phát triển tự nhiên của xã hội. Cố gắng kết nối giới trẻ và người cao tuổi, để tìm được tiếng nói chung giữa những con người của những thời đại khác nhau. 

 
Yêu thương. Ảnh minh họa (Internet)

Phát huy tác dụng mối liên kết gia đình - nhà trường
 
Qua nhiều năm, chúng ta đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Cần phát huy tác dụng của mối liên kết này trong việc xây dựng văn hóa sống, văn hóa ứng xử. Nhà trường có chức năng giáo dục, định hướng, cung cấp cho các bạn trẻ về cách hành xử trong đời sống gia đình, học cách nói chuyện, hiểu và cân bằng với các thế hệ đi trước. Trường học chính là gia đình thứ hai, môi trường học tập và sự tác động của thầy cô, bạn bè sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và cách hành xử của mỗi cá nhân. Vì thế, từ gia đình cho đến trường học cần phải làm tốt việc giáo dục văn hóa trong gia đình, để giới trẻ có thể hiểu được và trân trọng giá trị của gia đình Việt Nam qua bao đời nay. 
 
Việc xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại muốn làm tốt cần phải có sự đầu tư, quan tâm và hướng đi, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan. Hãy có những biện pháp, cách đi cụ thể, đừng để mọi thứ chỉ dừng ở mức khẩu hiệu, tuyên truyền. Gia đình là nền tảng phát triển của xã hội, nó chính là nơi hình thành nhân cách con người, bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống, chống lại những thói hư tật xấu, tạo ra được những nhân tố tốt đẹp phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước. 

Tú Nguyễn/TC GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.