THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 07:02

Về nhà ngày Tết!

21/01/2020 | 15:38
 
Con đường về nhà ngày Tết ngập tràn hoa mai. Hoa mai nở từ Long An, qua Tiền Giang, về đến Bến Tre quê tôi. Con đường làng dẫn vào nhà tôi sắc vàng ngập lối từ hoa vạn thọ, bông hoàng yến, nhưng mai vẫn là màu vàng chủ lực nổi bật trong sắc xanh thẳm của làng quê. Có lẽ, cũng nên có vài lời “tri ân” loài hoa Tết phương Nam vừa vương giả, rực rỡ sắc hương, vừa bình dị, gần gũi, dễ trồng này. Ở quê tôi, không nhà nào không trồng mai trước cửa, ít thì vài cây, nhiều thì cả vườn, ngày Tết, cả làng quê vàng rực! Nhớ hồi nhỏ, nhà ngoại tôi dù có những gốc mai cổ thụ thật to, nhưng thấy lâu lâu ngoại tôi lại bứng từ đâu đó một cây mai nữa về trồng tiếp. Ngoại hay bảo “Trồng nhiều để Tết nở cho vui nhà vui cửa!”. Tôi cũng chưa từng thấy loại hoa Tết nào dễ trồng như hoa mai, từ loại mai 5-6 cánh giống cũ cho tới loại mai chùm, mười mấy cánh như hiện nay. Cứ bỏ cây mai đã ghép, hoặc hạt mai già xuống đất, tức thì sau một năm, thế nào cũng có bông mai nở vào dịp Tết. Có phân bón, mai nở càng thắm sắc, nụ to hơn. Còn chẳng may bị bỏ bê, mai vẫn khoe sắc như thường. Trồng ở đất vườn, mai nhanh lớn, muốn tạo thành gốc mai cổ thụ cho giống bonsai thì người ta bứng vào chậu. Nhưng dù đất dưới chân mai có là đất vườn hay đất chậu bé xíu, ít dinh dưỡng thì mai vẫn không “câu nệ” chuyện “ đất nhiều đất ít”, hồn nhiên ra bông báo hiệu Tết đến. Thậm chí, mai trong chậu quên tưới nước thật lâu, chỉ bị héo hoặc rụng lá, có nước vào thì mai lại… sống tiếp đời mai: khỏe khoắn, bền bỉ. Nhà tôi ở thành phố cũng có mấy cây mai lấy từ quê lên đặt trong những cái chậu bé nhỏ, nhưng mai vẫn nở “ngon lành”. Năm nào lạnh sớm, như năm nay, mới bước qua tháng 10 Âm lịch mà mai trong chậu nhà đã nở “lai rai”, nhờ vậy mà có…thu mai, cũng hay!
 
 
Về nhà, tức về ngôi nhà tuổi thơ gắn bó bao kỷ niệm ngày nhỏ. Con đường đất năm xưa, nơi lưu dấu hàng triệu triệu dấu chân tôi giờ đã thành đường bê tông. Giao thông nông thôn phát triển thì cũng mất dần cái “thi vị” của ngày cũ, xe máy chạy nhiều hơn, người cũng đông hơn, không còn cảnh “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” buồn buồn như ngày tôi còn thơ bé…
 
Dù vậy, hương ngày cũ vẫn phảng phất trên con đường quê nhiều gắn bó, kỷ niệm. Tết ở những vùng quê Nam bộ nói chung và Bến Tre quê tôi nhìn chung không cầu kỳ, bó hẹp trong khuôn khổ phong tục như xứ Bắc. Ngày mùng một Tết, trẻ con xúng xính áo quần mới đi đầy trên đường để mừng tuổi ông, bà, cô, dì, chú, bác, được lì xì rồi ra chợ huyện Ba Tri chơi lô tô, ăn hủ tiếu hay bò viên chiên. Bây giờ hàng hóa tràn ngập, hàng quán cũng đầy ngoài chợ huyện, trẻ con tha hồ ăn uống, vui chơi do những phong bao lì xì cũng nặng hơn xưa! Lại nhớ thuở tôi còn nhỏ, quê nghèo Tết chỉ có bánh phồng, kẹo thèo lèo, sang hơn thì mứt dẻo làm từ đu đủ và mứt chuối làm từ chuối phơi khô. Nhớ ngày trước, chờ Tết chỉ để ăn thịt heo kho tàu và bánh phồng mà nôn nao suốt nhiều ngày. Tiếc là, theo cơn lốc của thị trường, làng bánh phồng nổi tiếng Sơn Đốc giờ chỉ là bánh công nghiệp, mua về nhà nướng trên lửa than còn đỡ chứ loại bánh phồng nướng sẵn từ lò nướng công nghiệp thì rất dở, miếng bánh phồng chẳng còn hương vị ban sơ…
 
 
Về nhà để nhìn lại, thấy lại những góc nhà thân yêu ngày xưa. Đó là những cái lu, cái mái, cái khạp đựng nước của người dân nông thôn mà mỗi gia đình vẫn lưu giữ và sử dụng cho đến trước khi nước máy được dẫn đến tận mỗi nhà như bây giờ. Nhớ lúc nhỏ, những dụng cụ đựng nước này ngày Tết là phải luôn đầy. Quê tôi gần biển, nước mặn, nên hồi nhỏ tôi và đứa em gái kế có nhiệm vụ đi gánh nước từ những  cái giếng trong xóm có “mội” nước ngọt. Làng xóm ngày xưa nghèo nhưng tối lửa tắt đèn luôn có nhau. Vì nhiều gia đình cần nước ngọt mà trong xóm chỉ có một hoặc hai cái giếng nước ngọt, giếng đất nên nhà nhà phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Người ta làm những cái thùng thiếc, giữa có cán, có đôi móc bằng sắt để bám vào đôi quang gánh và từng gánh nước với hai cái thùng chừng 50-60 lít như thế được gánh về nhà. Gần đến Tết thì lượng thùng xếp hàng càng đông lên, có khi gánh nước qua đêm luôn. Phải đợi nước từ “mội” chảy ra. Thế nhưng, ngày đó con người hiền hòa, thật thà, sống chan chứa ân tình. Tuy người đợi đông nhưng về khuya người ta về nhà và cứ để cặp thùng sẵn, nếu tới lượt người nào mà họ không có mặt thì người sau tự múc nước từ giếng đổ vào sẵn cho người vắng mặt, rồi mới múc tiếp cho lượt của mình. Tôi chưa từng thấy cãi vã hay gian lận gì trong chuyện gánh nước. Lâu lâu,  lại có cặp đôi nên duyên từ những chuyến gánh nước đêm để trữ cho ngày Tết thế này. Bài vọng cổ kinh điển nổi tiếng ở miền Nam “Gánh nước đêm trăng” của cố soạn giả Viễn Châu do cố danh ca Út Trà Ôn ngân nga “Nước giếng trong giữa đồi cát mịn, ánh nguyệt mờ soi đôi bóng giao kề, dưới trăng khuya tôi với em quảy gánh ra về…” có lẽ cũng ra đời từ bối cảnh này!
 
 
Về nhà, đến bên cái “gạc-măng-rê” bằng gỗ cũ kỹ, nơi đựng thức ăn trong nhà chứ không phải là tủ lạnh chốn thị thành. Ở đó, ngày Tết, thể nào cũng có nồi thịt kho tàu, nồi khổ qua hầm thịt băm - loại khổ qua vỏ mỏng, gai nhỏ ăn nghe deo dẻo chứ không phải khổ qua bở rời nơi đô thị. Hơn nữa, món ăn do chính tay mẹ làm, ăn vô nghe cả khối tình trong đó. Ở đó còn là hũ mắm tép trộn đu đủ, củ kiệu chua ngọt, bánh tét… “ăn ngập miệng” ba ngày Tết mà vẫn làm thòm thèm những kẻ tha nhân.  
 
Về nhà, vui bất tận như đứa trẻ, yên ổn, thong dong trong mấy ngày Tết để rồi lại lao vào cơn lốc cơm áo…
 
 

Hồng Liên/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.