THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 02:48

Vì đâu khiến con tự ti?

29/04/2018 | 07:09
 

Ảnh minh họa
 
Một người mẹ trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý kể: Tôi có hai đứa con nhưng hai tính cách trái ngược hoàn toàn nhau. Nếu như con đầu ngoan ngoãn, chịu khó học tập, sống lạc quan thì đứa con thứ hai ngỗ nghịch, lúc nào cũng tự ti về bản thân. Tôi rất buồn lòng về đứa con thứ hai và không biết nguyên nhân vì sao cùng một sự chăm sóc, nuôi dạy mà hai đứa con lại có tính cách khác nhau như thế. 
 
Chuyên gia tâm lý hỏi về cách nói chuyện hàng ngày mà anh chị dành cho hai đứa con có khác biệt không. Người mẹ thừa nhận có sự khác biệt. Đối với con đầu lúc nào cũng nghe lời, thích học, đam mê các môn năng khiếu múa, hát, vẽ... nên thường ngày anh chị vẫn thường hỏi han con nhẹ nhàng, khích lệ phần nhiều. Ví dụ: "Con của bố mẹ giỏi quá", "Mai này, con sẽ trở thành nhà khoa học nếu cứ học giỏi như thế này...". Ngược lại, con thứ hai luôn ngỗ nghịch nên anh chị luôn dùng cách nói so sánh, phê bình, chỉ trích.
 
Ví dụ, khi kiểm tra bài tập của con, thấy điểm kém, anh chị thường nói: "Sao con học dốt thế này, chẳng giống chị một chút nào?", "Con lúc nào cũng hậu đậu, chẳng làm được cái gì nên hồn, học hành cũng chẳng giỏi giang", "Dốt thế này thì mai sau con sẽ làm được cái gì?"...  Khi quần áo của con bị lấm lem, anh chị nói: "Con ăn mặc kiểu gì thế này, lúc nào cũng lôi thôi như... ăn mày". Nếu con lỡ làm hỏng đồ đạc gì đó, họ chỉ trích: "Con chẳng được tích sự gì cả...".
 
Nghe xong, chuyên gia phân tích cho chị hiểu rằng chính cách nói coi thường, hạ thấp, chỉ trích con của anh chị đã khiến cho con gái thứ hai hình thành cách sống tự ti về bản thân. Bởi lúc nào con cũng bị bố mẹ chê bai, làm việc gì cũng kém cỏi hơn chị đã khiến cho con mặc định bản thân mình dốt nát. Dần dần, con sẽ mất đi ý chí vươn lên. Đây là sai lầm của bố mẹ thường gặp khi dạy con, đặc biệt trong gia đình có nhiều con đối lập tích cách. Bố mẹ sẽ luôn dành lời khen ngợi, động viên, khuyến khích cho con giỏi giang, biết phấn đấu và không ngớt lời chỉ trích, con ngỗ nghịch, vụng về, kém cỏi. Điều này vô tình làm cho trẻ trở nên bất mãn, hình thành tâm lý tự ti dần trong cuộc sống. 
 
Nghiên cứu của GS Kolb B. (Đại học Lethbridge, Canada) cho thấy não bộ của trẻ giống như một miếng bông thấm. Miếng bông thấm này rất dễ thấm tất cả các thái độ, hành động và lời nói của những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ của bé. Vì thế trẻ sẽ học được điều hay từ những người xung quanh và ngược lại. Vì vậy, việc bố mẹ dành cho trẻ những lời nói tiêu cực hàng ngày sẽ khiến cho não bộ của trẻ hình thành cách sống tiêu cực theo. Đây là điều mà bố mẹ cần rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con của mình.

Theo Việt Quỳnh/baophunuthudo.vn

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.