THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 04:24

Vì sao bà nội không yêu con?

28/09/2018 | 10:45
 
Khi bà chỉ thích cháu đích tôn
 
Một hôm con gái tôi hỏi: Mẹ ơi, tại sao bà nội không yêu con? Tôi nói với con, sao con lại nghĩ thế, bà không yêu con thì bà yêu ai?! Nó bảo bà yêu anh Gấu vì anh Gấu là cháu đích tôn của ông bà. Cháu đích tôn là gì hả mẹ? Tôi bối rối không biết giải thích sao cho cô bé mới 6 tuổi hiểu. Tôi tin chắc rằng, không có người bà nào mà lại không yêu cháu, nhưng quả thật trong nếp nghĩ của những người phụ nữ xưa cũ, vẫn có đôi chút phân biệt giữa cháu gái và cháu trai, giữa cháu nội và cháu ngoại và đặc biệt là thường ưu ái nhiều hơn một chút đối với đứa cháu đích tôn.
 

Con trai hay con gái, con nào cũng là con. Ảnh: Youtube
 
Nếu tôi cứ khăng khăng, con sai rồi, bà yêu con nhiều lắm, trong khi thực tế hành động của mẹ chồng tôi lại không thể hiện điều ấy với con thì dường như, tôi đang tự AQ chính mình và nói dối con trẻ. Tôi đã động viên, an ủi con rằng tình cảm của con người đôi khi khó mà công bằng một cách tuyệt đối. Giống như bó đũa, nhìn bề ngoài thì tưởng đều nhau chằn chặn, nhưng đôi khi vẫn có chiếc cong, hoặc lệch. Tình cảm con người cũng vậy thôi. Bà yêu tất cả các cháu nhưng có thể lúc này, lúc khác, do tâm trạng và sự hòa hợp về tính cách mà biểu hiện tình cảm có thể sẽ khác nhau. Cách giải thích của tôi vẫn không làm thỏa mãn sự thắc mắc của con. Khi tôi đưa ra lập luận rằng tình cảm con người khó có thể công bằng một cách tuyệt đối, ngay lập tức nó đặt ra nghi vấn về tình yêu tôi dành cho hai chị em nó, Rốt cuộc mẹ yêu con hơn hay em hơn?”. Lại một câu hỏi khó. Rõ ràng, tôi yêu hai đứa chúng nó như nhau, với bản thân tôi, không quá khó để thuyết phục con hiểu được rằng: tình cảm của mẹ dành cho các con là như nhau. Nhưng chính vì con hiểu được tình cảm của tôi dành cho các con là như nhau, thì thắc mắc về việc tại sao bà nội yêu cháu đích tôn hơn lại càng nhức nhối trong con.
 
Gia đình tôi chỉ là một trong rất nhiều gia đình Việt Nam, mà ở đó, ông bà nội thường đặt tình cảm, hy vọng và niềm tin vào đứa cháu đích tôn nhiều hơn những đứa cháu còn lại.
 
Trước đây, áp lực về sinh con trai nối dõi, sự trọng nam khinh nữ thường chỉ được nhắc đến trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, kỳ thực nó có ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ thứ ba là các cháu.
 
Khi người phụ nữ tự gây áp lực sinh con nối dõi 
 

Bé gái đáng yêu. Ảnh: Vox
 
Không chỉ ở nông thôn, mà ngay ở thành thị, tại những thành phố lớn thì hầu hết chị em vẫn luôn mong muốn mình có thể sinh con trai nối dõi cho gia đình chồng. Nhiều người cố đẻ bất chấp vấn đề sức khỏe cũng như khả năng kinh tế. Cố được thì mừng, mà cố không được thì nhiều khi gia đình lục đục, vợ chồng bất hòa, con cái nheo nhóc.
 
Chị bạn tôi năm nay đã ngoài 40, chị quyết định sinh thêm bé thứ ba. Anh chị cẩn thận canh trứng, soi trứng kỹ lắm nhưng chả hiểu thế nào đứa thứ ba vẫn là con gái. Anh chỉ hơi buồn một chút và động viên vợ rằng, thôi là số trời, chửa rồi thì đẻ, con gái dẫu sao cũng là con. Nhưng chị thì buồn ghê gớm, chị sầu não chả thiết tha gì công việc, con cái. Chị đã ngoài 40, cơ hội để mang thai lần nữa gần như là không thể, chỉ có dịp này, chị đã đặt cược vào “ván bài” này, vậy mà lại thất bại. Tuổi cao mang thai đã là khó, sức khỏe yếu lại cộng thêm buồn chán vì mang bầu lần thứ ba vẫn là con gái, chị sinh khó, mất sữa, nuôi con sau này vô cùng vất vả. Không biết có phải vì thời gian chị mang thai buồn chán, nghĩ ngợi nhiều hay không mà đứa con thứ ba ít nói, ít cười, không hòa đồng với mọi người. Sau bạn bè, và chồng góp ý, động viên nhiều, chị mới chịu thay đổi, sống tích cực và chăm sóc, gần gũi con cái nhiều hơn. Tôi thấy may là chị đã giật mình tỉnh ngộ mà lo chăm sóc cho đàn con bé nhỏ của mình.
 
Chị họ tôi mới ngoài 30, hai vợ chồng chị sinh được một cô con gái kháu khỉnh, ngoan hiền. Sau 5 năm sinh con đầu lòng, hai anh chị vẫn chưa có động tĩnh gì. Đi kiểm tra sức khỏe bác sĩ kết luận chị bị đa nang buồng trứng nên khó mà có thể có con. Sau nhiều năm điều trị bệnh, tình hình vẫn không có tiến triển gì. Đứa con đầu cũng đã 10 tuổi, hai vợ chồng chị rất buồn nhưng dần dần cũng phải học cách chấp nhận sự thật. Dẫu sao họ cũng có một đứa con để vui cửa vui nhà. Bỗng một lần về thăm nhà chồng, mẹ chồng chị tôi nói về vấn đề sinh đẻ, bóng gió xa xôi chuyện chị không đẻ được con trai làm nhà họ tuyệt tự giống nòi. Chị tôi vốn là người có lòng tự trọng quá cao nên khi bị nhà chồng chê trách chuyện không biết đẻ chị đã quyết định ly hôn để giải phóng cho chồng. Mặc dù chồng chị vẫn rất yêu vợ nhưng trước áp lực của cha mẹ và quyết tâm từ bỏ của vợ cuối cùng cũng đã phải ký vào đơn ly hôn. Sau này, chị sống một mình, làm một bà mẹ đơn thân. Còn anh có đi bước nữa và sinh thêm tiếp được hai người con nhưng cũng vẫn là con gái. Mẹ anh từ bỏ cô con dâu đầu tiên những tưởng cưới con dâu mới về sẽ có cháu đích tôn nối dõi dòng tộc thì kết cục vẫn cứ là không có. Chỉ tiếc là chỉ vì hy vọng về một đứa cháu đích tôn mà bà đã vô tình chia rẽ một cuộc hôn nhân tốt đẹp.
 
Sinh con trai hay con gái không phải cứ muốn mà được. Con trai hay con gái, con nào cũng là con, không nên vì áp lực sinh con trai mà làm khổ chính bản thân mình và những người thân yêu.
 

Phương Anh/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.