THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 02:01

Việc làm sau khi tốt nghiệp: Mấu chốt thu hút học sinh tham gia theo học tại các trường nghề

29/03/2019 | 16:45
 
TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 tổ chức tại Trường Đại học SPKT Vĩnh Long. Ảnh: Vân Long
 
Hơn 80% học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm ngay
 
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2018 có khoảng trên 2 triệu người tốt nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 418.350 học sinh, sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Nhiều trường tổ chức ngày hội việc làm, cam kết giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; trả lại học phí nếu học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm với mức thu nhập thỏa đáng... như Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng... 
 
Với nhiều giải pháp tích cực, tính trung bình năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp khoảng 85%, riêng trình độ cao đẳng đạt khoảng 87%, trung cấp khoảng 82%, đặc biệt tại các trường chất lượng cao đạt 100% với mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6,0 triệu đồng/tháng, học sinh tại chức sau khi tốt nghiệp đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, như nghề: Điều khiển phương tiện thủy nội địa 7,5 triệu; Vận hành cần, cẩu trục khoảng 8 triệu đồng/tháng, cá biệt có những nghề sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương 10-15 triệu đồng/tháng. 
 
Trong công tác tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai, phối hợp với các cơ quan báo chí, các trường THPT, THCS và cao đẳng tuyên truyền để học sinh và phụ huynh nắm bắt nhiều chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cũng như cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp; Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong xuất khẩu lao động tay nghề, ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số tập đoàn kinh tế lớn trong việc gắn kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
 
Với những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động cùng những biện pháp hữu hiệu trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, năm 2018, lần đầu tiên việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo vượt chỉ tiêu với hơn 2,2 triệu người, đạt 100,5% so với kế hoạch đề ra, trong đó, tuyển sinh trình độ tại chức và cao đẳng khoảng 545.000 người, chiếm 24,7% so với tổng số tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao như: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Quản trị khách sạn, nhà hàng.
 
 
Cần tiếp tục tăng cường đầu tư trang thiết bị giảng dạy và hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút ngày càng nhiều học sinh lựa chọn trường nghề. Ảnh: Trường Giang
 
Thách thức và giải pháp trong thời gian tới
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, công tác này trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều thách thức, nhất là trong công tác tuyển sinh do tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT  vào học giáo dục nghề nghiệp hiện nay chỉ đạt trên 10%; chỉ tiêu tuyển sinh đại học lớn với hình thức tuyển sinh ngày một dễ hơn; nhiều doanh nghiệp thiếu lao động nhưng lại tuyển dụng lao động có kỹ năng ít, chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, tâm lý bằng cấp của phụ huynh và học sinh còn khá nặng nề… Dự báo, một số ngành, nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: Khoan nổ, mìn, Công nghệ mạ, chế tạo khuôn mẫu... sẽ rất khó tuyển sinh.
 
Năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh đạt 2.260.000 người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 569.000 người. Để đạt được mục tiêu này, theo TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục tạo đột phá là: Xây dựng hoàn thiện thể chế và văn bản pháp luật; trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, Tổng cục sẽ tập trung tổ chức tốt công tác tuyển sinh, gắn tuyển sinh, đào tạo với thị trường lao động và việc làm. Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, từ đó dần thay đổi nhận thức nghề cho các em; chỉ đạo tăng cường tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở khối THCS, hoặc xây dựng phương án miễn giảm học phí cho các em THCS, THPT tham gia học nghề.
 
Năm 2018, có khoảng trên 2 triệu người tốt nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 418.350 học sinh, sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

Dương Anh/TC GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.