THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:34

Viêm amidan ở trẻ em và những lưu ý phòng bệnh

02/10/2021 | 05:40
Viêm amidan là một bệnh tai mũi họng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ từ 3 tuổi trở lên. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh. Khi mắc viêm amidan sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Amidan nằm ở phía sau của cổ họng, với chức năng chính là ngăn chặn sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn đối với cơ thể. Mặt khác amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm khuẩn. Do một nguyên nhân nào đó mà amidan không thể kháng lại được sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn, làm cho amidan bị sưng và viêm.

Viêm amidan là một bệnh tai mũi họng phổ biến ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

Viêm amidan là một bệnh tai mũi họng phổ biến ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

BS Trần Nguyên Khôi (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cho biết, viêm amidan được chia thành 2 loại, viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.

Viêm amidan cấp tính xảy ra khi 2 amidan bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi đó người bệnh đau họng, amidan sưng đỏ rất khó chịu.

Viêm amidan mạn tính xảy ra thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Đây là hậu quả của việc viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần, hay do tình trạng hố amidan không lưu thông được gây tích tụ vi khuẩn tạo điều kiện phát triển cho các mầm bệnh, dẫn đến gây tổn thương amidan nghiêm trọng, gây ra tình trạng viêm mạn tính. 

Bệnh tái phát nhiều vào thời gian chuyển mùa, trẻ ăn uống lạnh và tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể. Bệnh viêm amidan mạn tính thường gặp ở trẻ em và thanh niên.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em dễ bị viêm amidan, trong đó phải kể đến tình trạng hệ miễn dịch yếu kém, nên dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường. Nếu môi trường ô nhiễm, có nhiều khói bụi, chất độc hại hoặc nơi ở ô nhiễm hóa chất... cũng khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề về đường hô hấp, trong đó có viêm amindan.

Bên cạnh đó, do cấu trúc amidan nằm ở giữa đường thở và đường ăn, vì vậy rất dễ tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Ngoài ra, cấu trúc khe hốc amidan là nơi cư trú thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh là nguy cơ khiến cho tình trạng viêm amidan.

Tình trạng viêm amidan hay xảy ra ở thời tiết giao mùa, mùa đông giá lạnh các loại vi khuẩn và virus vốn có sẵn ở mũi họng hoặc sau khi xuất hiện các bệnh nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên sẽ có cơ hội để phát triển và gây bệnh.

Khi bị viêm amidan khiến trẻ sốt cao đột ngột, có thể lên đến 39 - 40 độ C, đau họng, cơn đau đôi khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ, hơi thở có mùi, đau vùng vòm họng, ho…dẫn tới trẻ quấy khóc, ăn kém. 

Trẻ bị viêm amidan mạn tính sẽ ngáy khi ngủ và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, trẻ sẽ phát âm giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm.

BS Trần Nguyên Khôi đưa ra những điều cần lưu ý để dự phòng viêm amidan ở trẻ: Viêm amidan là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ và có thể tự khỏi nhưng chủ quan không điều trị thì sẽ gây biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng thường gặp là viêm tấy và áp-xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản… Nặng hơn là biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim hay gặp do liên cầu tan huyết nhóm A.

Cha mẹ cần phòng bệnh viêm amidan cho trẻ như sau: Thường xuyên vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối pha loãng hay nước muối sinh lý. Hạn chế ăn đồ lạnh. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Khi thời tiết chuyển lạnh cần đảm bảo cho bé đủ ấm đặc biệt là giữ ấm cổ và 2 bàn chân. Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, thường xuyên uống các loại nước ép trái cây để tăng cường sức đề kháng.

Nếu bé có biểu hiện viêm mũi có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 9% để làm vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi cho trẻ.

Đối với trẻ hay bị viêm họng, viêm amidan hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, uống nước lạnh, ăn đồ lạnh…

Khi trẻ có các triệu chứng viêm amidan cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để trẻ được khám và điều trị kịp thời.

Việt Cường
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.