THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 01:29

Viêm gan C - Căn bệnh đáng sợ!

03/06/2018 | 07:39
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng gần 200 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh viêm gan C mạn tính và mỗi năm có thêm 3-4 triệu ca nhiễm mới và hơn 700.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến Viêm gan C như xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan (WHO 2017). Tại Việt Nam, khoảng gần 1 triệu người nhiễm viêm gan C mãn tính. Con số này cao hơn khoảng 4 lần so với số người hiện mắc HIV. Đặc biệt, viêm gan C xuất hiện tần suất cao ở những người trẻ tuổi, những người tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, ít người có những hiểu biết cần thiết về căn bệnh này, đa phần chỉ biết đến viêm gan B mà không hề biết rằng viêm gan C cũng là một căn bệnh đáng sợ.

 
 Viêm gan C là căn bệnh lây lan, mãn tính, chưa có vaccine phòng ngừa và có nguy cơ tiến triển thành ung thư gan. Ảnh minh họa.
 
Triệu chứng viêm gan C khó nhận biết
 
Virus viêm gan C sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng có thời gian ủ bệnh khá dài khoảng 7-8 tuần, sau đó mới bắt đầu thời kỳ khởi phát bệnh hay còn gọi là giai đoạn cấp tính, lá gan bắt đầu bị tổn thương do virus tàn phá, nhưng triệu chứng của người bệnh vẫn khá mờ nhạt. Đa số các trường hợp viêm gan C cấp tính thường ít có triệu chứng đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm thông thường như: người mệt mỏi, đau nhức cơ, chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn; nhức đầu; người nóng sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, có hiện tượng vàng da, vàng mắt, đau tức vùng gan… 
 
Bước sang giai đoạn mãn tính, lá gan vẫn âm thầm bị virus làm tổn thương nhưng biểu hiện bệnh càng thêm mờ nhạt. Có đến 70-80% người bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người mắc bệnh vài năm vẫn không hề hay biết. Họ thường vô tình phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc ở các buổi khám sức khỏe do cơ quan, trường học tổ chức. Để đưa ra chẩn đoán chính xác không thể chỉ dựa vào triệu chứng biểu hiện lâm sàng mà người bệnh cần làm xét nghiệm chuyên sâu. Một số trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, nguy hiểm và rất khó hỗ trợ điều trị.
 
Nguyên nhân gây bệnh
 
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan C (HCV) gây nên. HCV là một loại virus RNA mạch đơn, xâm nhập thẳng vào cơ thể qua đường máu rồi tấn gan. Tại đây, chúng sinh sôi nảy nở làm cho gan sưng phồng, đồng thời giết chết các tế bào gan, hủy hoại gan.
 
Cũng giống như viêm gan B, viêm gan C lây nhiễm qua 3 con đường chính là đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Bệnh lây nhiễm mạnh nhất qua đường máu. Virus có thể lây trực tiếp khi truyền máu từ người nhiễm bệnh sang người lành. Cũng có trường hợp lây nhiễm khi dùng chung dụng cụ dính máu của người bệnh như khi tiêm chích, xăm trổ, châm cứu, xăm mô… Lây nhiễm từ mẹ sang con và lây nhiễm qua đường tình dục cũng có xảy ra nhưng tỷ lệ thấp hơn. Cũng vì triệu chứng khó nhận biết mà nhiều người bệnh không biết mình mắc nên lại vô tình lây lan cho người khác.
 
Nguy cơ cao bị viêm gan mãn tính và gặp các biến chứng
 
Người nhiễm virus viêm gan C dễ mắc viêm gan C mãn tính, với tỷ lệ lên tới 85%. Hơn nữa, viêm gan C ở giai đoạn mãn tính nếu không được hỗ trợ điều trị đúng cách và kịp thời rất dễ gặp những biến chứng nghiêm trọng. Có 3 biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm gan C, đó là:
 
Suy gan
 
Suy gan có nghĩa là các chức năng sống của lá gan bị suy giảm. Gan là cơ quan nội tạng tham gia duy trì những chức năng sống rất quan trọng. Suy gan có thể khiến cơ thể mất khả năng chống đỡ với bệnh tật.
 
Xơ gan
 
Nguyên nhân của xơ gan là do các tế bào gan bị hoại tử hàng loạt bởi virus viêm gan C, buộc cơ thể phải hình thành các dải xơ sợi để tạo sẹo liền vết thương. Tế bào gan chết dần, dải xơ sợi hình thành không trật tự, kết cục, gan mất hoàn toàn khả năng phục hồi. Thời gian sống của nạn nhân chỉ được gọi là kéo dài. 
 
Ung thư gan
 
Ung thư gan được coi là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan C. Mắc phải biến chứng này, cuộc sống của người bệnh thường không kéo dài. Thậm chí, người bệnh có thể tử vong đột ngột. 
 
Khi nghi bị viêm gan C nên làm gì?
 
Theo PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu - Nguyên trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi nghi ngờ bị viêm gan, cần đi khám ngay. Đi khám bệnh sẽ được làm các loại xét nghiệm từ cơ bản đến đặc hiệu. Các loại xét nghiệm viêm gan C ở các tuyến cơ sở có thể làm được là xét nghiệm máu với test nhanh HCV, định lượng sắc tố mật trong máu (bilirubin), men gan (SGOT và SGPT), siêu âm gan để đánh giá tình trạng của gan có bị viêm hay không. Ở tuyến trên, ngoài các xét nghiệm cơ bản, các phòng xét nghiệm có đủ điều kiện có thể định lượng acid nhân của virus viêm gan C (ARN) trong máu người nghi ngờ nhiễm virus viêm gan C và các loại xét nghiệm đặc hiệu khác như sinh thiết gan.
 
Hướng điều trị
 
Có thể thấy viêm gan C là căn bệnh rất nguy hiểm. Việc điều trị mất nhiều thời gian và tốn nhiều tiền. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên tầm soát viêm gan C định kỳ và nếu đã phát hiện mắc bệnh, hãy cố gắng hỗ trợ điều trị sớm để kịp thời nắm bắt cơ hội chữa trị. Bệnh càng phát triển nặng thì việc hỗ trợ điều trị càng khó khăn, chi phí càng tăng cao.
 
Hiện nay, đã có một số phác đồ điều trị mang lại hiệu quả đáng kể trong việc ức chế và loại trừ virus, tuy nhiên các chủng virus viêm gan C có mức độ đáp ứng khác nhau với các liệu pháp điều trị. Do đó, việc điều trị bệnh tùy thuộc vào cơ địa từng bệnh nhân sẽ có kết quả điều trị khác nhau. 
 
Tóm lại, việc điều trị viêm gan C khá phức tạp, người bệnh không được tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn cụ thể.
 
Phòng ngừa bệnh viêm gan C hiệu quả
 
Không giống như viêm gan A, B, bệnh viêm gan C hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Vì thế, bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh bằng cách tránh các con đường lây truyền của bệnh. Theo đó, cần tránh tiếp xúc với máu bị nhiễm HCV bằng cách không dùng chung kim tiêm hay các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như dao cạo râu, kềm cắt móng tay, bàn chải đánh răng... Trong sinh hoạt tình dục, khi đã biết hoặc nghi ngờ đối tượng tiếp xúc có mang virus viêm gan C thì nhất thiết phải dùng bao cao su để đảm bảo an toàn.

Minh Anh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.