THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 04:48

Viêm gan C – Nguy hiểm nhưng chưa có vaccine phòng bệnh

28/07/2018 | 07:04

 
Ảnh minh họa. 
 
Những thông tin trên được PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, Hà Nội đưa ra tại Hội thảo về vấn đề Viêm gan C (VGC) tại Việt Nam do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 17/7/2018 tại Hà Nội. 
 
Viêm gan C là vấn đề sức khỏe cộng đồng
 
Theo BS Đỗ Duy Cường, thế giới hiện có 170 triệu người nhiễm VGC, gấp 4 lần những người có HIV. Mỗi năm có 3 - 4 triệu ca mắc mới. Trên 50% số người mắc  sống ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó châu Á có 83 triệu người. Mông Cổ và Đài Loan khoảng 5,5%. Ai Cập là nước có tỷ lệ người nhiễm VGC cao nhất. 
 
Tại Việt Nam, khoảng 1% - 2% dân số mắc VGC, đường lây chủ yếu là tiêm chích ma túy. Chỉ có 15-40% số mắc VGC tự khỏi, đa số thành mãn tính. Bệnh VGC mạn tính không được điều trị có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan, đặc biệt ở những người nghiện rượu, mắc bệnh tiểu đường… 
 
BS Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm SCDI cho rằng, viêm gan C là vấn đề sức khỏe cộng đồng vì dễ lây cho người khác, nguy cơ lây cao gấp 10 lần HIV. VGC lây qua đường máu/truyền máu/lọc máu (như các bệnh nhân chạy thận nhân tạo), quan hệ tình dục không an toàn, tiêm chích, xăm trổ, mẹ lây cho con, bác sĩ ngoại khoa phơi nhiễm trong quá trình tiến hành thủ thuật, phẫu thuật… 
 
Khoảng 90% người nhiễm VCG không biết mình đang nhiễm bệnh, một số trường hợp có biểu hiện ăn kém, trên da nổi nốt, đầy bụng, khó tiêu, nôn ra máu, vàng da vàng mắt. Ung thư gan là hệ quả cuối cùng. Thuốc lá và rượu cũng làm tăng nguy cơ chuyển sang ung thư gan. Điều trị có khả năng kéo dài cuộc sống, song chi phí rất cao. Do đó, cần thúc đẩy việc chủ động xét nghiệm sàng lọc. Bệnh nhân phát hiện VGC cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh dẫn đến xơ gan và ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng. 
 
VGC là một bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, diễn tiến bệnh âm thầm nên chưa nhận được quan tâm đầy đủ của bản thân người bệnh, cộng đồng và cơ quan quản lý y tế. 
 
Khi đã nhiễm VGC, kháng thể anti HCV gần như tồn tại mãi, nhưng việc có cần điều trị hay không là do tải lượng virus trong máu. Các yếu tố ảnh hưởng tới tiến triển của HCV: nồng độ virus, kiểu gen virus, vật chủ, môi trường, hành vi của bệnh nhân (uống rượu và hút thuốc lá là hai tác nhân khiến VGC diễn biến nhanh và xấu). Chuẩn đoán VCG cấp tính: thời gian nhiễm > 6 tháng, có phơi nhiễm với một bệnh, men gan tăng.
 
 
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, Hà Nội. 
Hiện có 5 virus gây viêm gan: A, B, C, D và E. Trong năm loại này, virus viêm gan B, C là những nguyên nhân chính dẫn tới tử vong, bởi có thể gây xơ gan và ung thư gan. 

Vấn đề điều trị và thuốc điều trị VGC hiện nay 
 
Anh Nguyễn Lê Nam là một bệnh nhân đã điều trị VGC với thuốc thế hệ cũ: Chi phí lớn (xấp xỉ 400 triệu đồng), thời gian dài (kéo dài đến 18 tháng), nhiều tác dụng phụ “rùng rợn” nhưng tải lượng virus không giảm và phác đồ điều trị đã thất bại hoàn toàn. BS Đỗ Duy Cường khẳng định: Phác đồ cũ rất tốn kém: 5 triệu/mũi, tuần/lần, nhiều tác dụng phụ như sốt, sút cân, thiếu máu, tỷ lệ thành công 30% nên bệnh nhân rất nản. 
 
Anh Nam chia sẻ, vào năm 2017, khi được tiếp cận với thuốc thế hệ mới, tuy giá thành còn cao nhưng chi phí điều trị đã được giảm xuống hơn 6 lần, thuốc dạng viên uống một lần một ngày hầu như không có tác dụng phụ. Sau 3 tháng điều trị,  bệnh VGC của anh Nam đã khỏi hoàn toàn và sức khỏe được duy trì ổn định. Tuy nhiên, cả hai lần điều trị thì anh Nam đều phải tự chi trả mọi chi phí từ tiền thuốc đến các xét nghiệm liên quan mà không được chi trả bằng bảo hiểm y tế. 
 
Theo BS Đỗ Duy Cường, hiện thế giới có hơn 50 loại thuốc điều trị VGC, thời gian điều trị ngắn, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao. Giá thành cho một đợt điều trị ở một số nước chưa đến 100 USD, nhiều nước được chính phủ tài trợ. 
 
Tài liệu Hướng dẫn sàng lọc, chăm sóc và điều trị VGC do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành tháng 4/2016 khuyến cáo sử dụng các thuốc kháng virus trực triếp (DAA) trong điều trị. Các thuốc này có tỷ lệ điều trị khỏi trên 90%, ít độc tính và thời gian điều trị ngắn hơn nhiều so với các loại thuốc trước đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thuốc thế hệ mới chưa được Bộ Y tế, Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành, do khan hiếm nên giá thành khá cao: 15 triệu - 30 triệu cho một liệu trình điều trị (tại Ấn Độ chỉ khoảng 2 triệu). 
 
BS Khuất Thị Hải Oanh cho rằng, bệnh nhân VGC ở Việt Nam còn thiệt thòi so với các nước khác. Dù Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia vì viêm gan siêu C, với mục tiêu đến năm 2030 loại trừ viêm gan. Nhưng trên thực tế, chưa có động thái can thiệp cụ thể để đảm bảo thuốc đến tay bệnh nhân dễ dàng. Thuốc điều trị VGC không nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. 
 
Thực tế cho thấy, các bệnh truyền nhiễm hiện đã được quan tâm, nhưng chủ yếu khi đã bùng nổ thành dịch. Còn các bệnh lây lan âm thầm thì chưa được quan tâm đúng mức. Bộ Y tế nên vào cuộc và có hướng dẫn cụ thể, các chương trình sàng lọc, hiện những người đã nhiễm không có thuốc điều trị, cần điều trị sớm và cần được đưa vào chương trình BHYT. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức giáo dục, phòng bệnh đối với những người có nguy cơ cao như tiêm chích và có quan hệ tình dục không an toàn. 

Phòng bệnh VGC
 
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng…

- Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc sát trùng tay bằng dung dịch có cồn trước và sau khi tiêm chích.

- Các cơ sở y tế, chăm sóc sắc đẹp phải thực hiện đúng các quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ.

- Chỉ xăm, xỏ khuyên khi chắc chắn các dụng cụ đã được tiệt trùng.

- Không dùng chung dụng cụ tiêm chích. Chỉ sử dụng bơm kim tiêm sạch, có khoảng chết thấp và dùng một lần. 

- Sử dụng bao cao su và tránh gây chảy máu khi quan hệ tình dục, đặc biệt với các cặp đôi đồng tính nam và/hoặc có HIV. 

Vân Nhi/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.