THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 07:34

Viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em và những điều cần biết

17/05/2022 | 17:24
Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới virus Adeno.
Viem gan bi an. Anh Getty image

Viêm gan cấp tính “tấn công” trẻ em trên diện rộng

WHO nhận được báo cáo đầu tiên về hiện tượng xuất hiện nhiều trường hợp viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở những trẻ em mà trước đó các em này vẫn khỏe mạnh từ Vương quốc Anh vào ngày 5/4/2022.

Tính đến ngày 7/5, có khoảng 278 trẻ em mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở 20 nước, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Bệnh đã xuất hiện ở các quốc gia như: Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Israel, Ðan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italy, Na Uy, Pháp, Romania, Bỉ, Indonesia, Panama... Riêng tại nước Anh đã có 163 trẻ mắc bệnh.

Hiện, virus Adeno đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên, WHO không loại trừ các tác nhân khác và vẫn đang điều tra.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết: Virus Adeno được tìm thấy ở 75% trẻ em mắc bệnh viêm gan cấp tính được kiểm tra tại nước này, 16% có Covid.

Các chuyên gia y tế suy đoán rằng, việc đóng cửa để phòng, chống Covid trong một thời gian dài có thể đã làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ em và khiến chúng có nguy cơ cao mắc virus Adeno.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả các bệnh nhân viêm gan cấp tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus viêm gan A, B và C, đồng thời xét nghiệm âm tính với Covid-19 và dương tính với virus Adeno.

Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, bệnh này xảy ra ở trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Triệu chứng của trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn là đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa kèm theo vàng da, lòng trắng mắt chuyển vàng là một trong những triệu chứng điển hình ở trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhi còn có dấu hiệu gan bị viêm nặng, chỉ số men gan cao rõ rệt. Hầu hết trẻ không bị sốt. Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh viêm gan gồm mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt và đau khớp.

Không phát hiện các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E) ở những trẻ này. Thay vào đó, các bác sĩ đã tìm thấy virus Adeno, loại 41, chiếm khoảng một nửa tổng số ca viêm gan cấp ở trẻ trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.

PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến virus Adeno.

Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính nào ở trẻ em

Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp trẻ nào mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn”.

Ngày 9/5, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2329/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế tập trung chỉ đạo một số nội dung như:

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

Chỉ đạo tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.

Ðồng thời, các địa phương thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus.

Bộ Y tế cũng đề nghị tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan virus theo Quyết định số 4531/QÐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan virus giai đoạn 2021- 2025.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP.HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Các đơn vị trên cũng được yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Virus

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước bệnh viêm gan cấp tính?

Gần giống với virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19, virus Adeno lây lan qua không khí bằng cách ho và hắt hơi, qua tiếp xúc gần, chạm vào bề mặt bị nhiễm trùng và sau đó chạm vào miệng hoặc mắt.

Theo các chuyên gia y tế, virus Adeno thường kháng với các chất khử trùng thông thường và có thể lây nhiễm trong thời gian dài trên các bề mặt và đồ vật. Do đó, để bảo vệ bản thân và trẻ em, mọi người cần rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa, và tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị bệnh.

Nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, bao gồm các vaccine phòng chống viêm gan A và B hiện có trên thị trường.

Khi trẻ bị vàng da, tiểu sẫm màu hoặc có thêm sốt và một số dấu hiệu khác như mệt mỏi, quấy khóc nhiều… cần đưa tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và kiểm tra các chỉ số có liên quan đến bệnh của trẻ.

Cha mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc bởi vì nếu gan bị tổn thương dùng thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến gan, chỉ cho trẻ uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

Minh Thư
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
5 mẹo để đi du lịch “sang chảnh trong tầm với”

5 mẹo để đi du lịch “sang chảnh trong tầm với”

1 năm trước

Nhiều gia đình muốn trải nghiệm những khu du lịch sinh thái mới và muốn được trải nghiệm, khám phá những nơi vui chơi giải trí sang trọng để xả stress sau một thời gian làm việc vất...
“Kéo” trẻ ra khỏi những trào lưu tiêu cực

“Kéo” trẻ ra khỏi những trào lưu tiêu cực

1 năm trước

Khi nghệ sĩ mà giới trẻ thần tượng ra mắt những MV có nội dung tiêu cực, chúng ta phải làm gì để trẻ không bị ảnh hưởng?
Trầm cảm tuổi dậy thì có thể đẩy trẻ vào nguy cơ tự sát

Trầm cảm tuổi dậy thì có thể đẩy trẻ vào nguy cơ tự sát

1 năm trước

Trong tình hình hậu Covid-19 hiện nay, trầm cảm tuổi dậy thì đang trở thành mối lo ngại lớn. Bên cạnh đó, áp lực học tập, bạn bè và những thay đổi tâm sinh lý khiến tâm lý trẻ thay...