THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 04:14

Viêm não mô cầu: Ít gặp nhưng rất nguy hiểm

04/05/2018 | 16:04

Tiêm chủng là một trong những cách phòng bệnh viêm não mô cầu hiệu quả. Ảnh:Internet
 
Bệnh viêm não mô cầu (viêm màng não do não mô cầu) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A, B, C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm não mô cầu, nhưng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 5 tuổi và nhóm tuổi thanh, thiếu niên từ 14-20 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới 2 tuổi chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi đó ở người lớn khoảng 25%. 
 
Nguyên nhân gây bệnh  
 
Khuẩn màng não mô cầu khó lây, chúng chỉ truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần kéo dài và thường xuyên trong gia đình hoặc tiếp xúc thân mật bởi dịch tiết nhiễm khuẩn từ mũi và họng. Khuẩn màng não mô cầu chỉ thấy ở người và không thể sống quá vài giây bên ngoài cơ thể. 

Yếu tố thuận lợi làm bệnh dễ lây lan:
 
- Thời tiết, khí hậu: Các nước thuộc khu vực nhiệt đới như Việt Nam, bệnh thường gia tăng đột biến khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết như thời điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa.
 
- Mật độ dân cư đông đúc, chật chội như nhà trẻ, trường học, ký túc xá sinh viên, khu nhà trọ đông đúc… càng dễ lan truyền dịch bệnh não mô cầu. Ở thành thị thường dễ bị bệnh hơn vùng nông thôn.
 
- Điều kiện sinh sống ẩm thấp, chật chội và kém vệ sinh cũng làm bệnh dễ lây lan.
 
Triệu chứng của bệnh 
 
Các triệu chứng viêm màng não mô cầu ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ gồm: Sốt, bỏ bú, quấy khóc, vật vã, rên, cực kỳ mệt mỏi, không thích bế ẵm, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, sợ ánh sáng, lơ mơ, co giật, phát ban thành những chấm đỏ hoặc tím hoặc đám bầm tím lớn.
 
Triệu chứng viêm màng não mô cầu ở trẻ lớn và người lớn gồm: Sốt, đau đầu, chán ăn, cứng gáy, khó chịu khi nhìn vào ánh sáng (sợ ánh sáng), buồn nôn và/hoặc nôn, tiêu chảy, đau hoặc nhức cơ, khớp đau hoặc sưng, khó đi lại, cảm giác không khỏe, rên, nói lảm nhảm, lơ mơ, lú lẫn, bất tỉnh, phát ban là những chấm màu đỏ hoặc tím hoặc vết bầm tím lớn.
 
Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện một cách nhanh chóng hoặc trong vài ngày. Thông thường, bệnh phát triển trong vòng 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây.
 
Biến chứng của viêm não mô cầu:
 
Người mắc bệnh viêm não mô cầu có thể bị những tình trạng sau:
 
-  Viêm màng não. 
-  Nhiễm trùng huyết.
- Viêm phổi.
- Viêm khớp.
- Suy tuyến thượng thận.
- Tổn thương não vĩnh viễn.
- Tử vong.
 
Khoảng 1/4 số người sau khi khỏi bệnh viêm não mô cầu bị những di chứng của bệnh. Hầu hết các vấn đề sẽ thuyên giảm theo thời gian. Một số những di chứng hay gặp là: đau đầu, điếc một hoặc hai bên tai, ù tai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi (song thị), đau và cứng khớp, suy giảm trí tuệ.
 
Viêm não mô cầu dễ lây qua tiếp xúc gần
 
Vi khuẩn não mô cầu khu trú trong dịch mũi họng, qua tiếp xúc thông thường chỉ cần dính chút dịch mũi họng như nước bọt, dịch tiết đường hô hấp của người đang ủ bệnh hoặc người phát bệnh là có thể bị nhiễm. Do vậy, khi phát hiện ra, cần nhanh chóng cách ly người bệnh, đồng thời cách ly và theo dõi những người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc và không dùng chung vật dụng sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.
 
Các chuyên gia y tế cho biết, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp nghiêm trọng, khó phát hiện sớm bởi các triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị kịp thời khiến tỷ lệ tử vong cao và bệnh dễ lây thành dịch.

Xuất hiện ban hoại tử dưới da là dấu hiện điển hình của viêm não mô cầu. Ảnh:Internet
 
Phòng bệnh viêm não mô cầu
 
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Có 2 loại vaccine phòng ngừa viêm não mô cầu là vaccine BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi và người lớn). Sau tiêm 10 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch bảo vệ và kháng thể nhưng sau 3 năm sẽ giảm, do đó, sau thời gian này, cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2. Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng viêm não mô cầu vì đây là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Những người làm việc trong phòng thí nghiệm - nơi thường tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch não mô cầu xảy ra nên tiêm vaccine phòng bệnh. 

 Trung bình, một năm Hà Nội ghi nhận 5-7 ca viêm não mô cầu. Số ca bệnh không nhiều, nhưng viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. 
 
 
 

 

Đức Anh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.