THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 12:15

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

26/03/2019 | 15:16
 
Nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động
 
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có 39 cơ sở GDNN, trong đó có 7 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 22 trung tâm GDNN và 5 cơ sở có hoạt động này. Trong những năm qua, Sở đã tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo tinh gọn đầu mối và nâng cao chất lượng đào tạo. Giai đoạn 2008-2018, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 233,5 tỷ đồng cho 22/44 cơ sở GDNN đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy và học, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo. 
 
Cùng với đó, tỉnh cũng làm tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐTBXH. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.994 giáo viên trong các cơ sở GDNN, trong đó số người có trình độ trên đại học chiếm 34%, trình độ đại học chiếm hơn 42%. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh cũng có 220 giáo viên các nghề trọng điểm được bồi dưỡng kỹ năng nghề và được Tổng cục GDNN đánh giá, cấp Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia.

 Nhờ nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc rất tự tin khi tham gia Cuộc thi sáng tạo Robocon năm 2018. Ảnh: Chu Dương
 
Vĩnh Phúc cũng đặc biệt chú trọng gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh;  các cơ sở đào tạo cũng thường xuyên liên hệ với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các doanh nghiệp lớn để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó tập trung đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần, giúp người lao động có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng, số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học bổ túc văn hóa và học nghề đã tăng từ 16,5% năm 2008 lên 26,6% năm 2017. Qua đó, giúp học sinh, người lao động lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu thị trường và xã hội, khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với thị trường lao động và mất cân đối trong cơ cấu ngành, nghề, trình độ.
 
Với nhiều đổi mới nêu trên, năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyển mới được 25,4 nghìn người vào học tại các cơ sở GDNN, tăng 2% so với năm 2017, trong đó trình độ cao đẳng là 1,6 nghìn người, trình độ trung cấp là 5 nghìn người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 18,8 nghìn người. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng và trung cấp đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
 
Trong số các cơ sở GDNN gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị thực hiện khá thành công. Với quy mô đào tạo gần 4.000 học sinh, sinh viên, để nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ mới, đào tạo theo đơn đặt hàng phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trung bình mỗi năm, Trường đào tạo khoảng 1.000 công nhân kỹ thuật điện, hàn, tiện… cho các doanh nghiệp. Hằng năm, Nhà trường phối hợp với 18 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH  Công nghiệp Chính xác Việt Nam I, Công ty cổ phần tập đoàn Sông Hồng Thủ đô… tổ chức ngày hội việc làm để giới thiệu việc làm cho học viên, từng bước trang bị cho các em những hiểu biết về thị trường lao động, môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết sau khi tốt nghiệp.

Vĩnh Phúc cần tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong GDNN. Ảnh: Đức Huy
 
Cần đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên trong GDNN
 
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc cũng còn một số hạn chế, ở nhiều cơ sở đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại các công ty. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp mong muốn lao động có kỹ năng, có chất lượng, nhưng lại không chịu đầu tư thời gian, kinh phí cùng với cơ sở đào tạo. Ngoài ra, chất lượng đầu vào của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn hạn chế, điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất ở một số cơ sở GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế; nhiều trang thiết bị đào tạo chưa cập nhật được so với công nghệ sản xuất hiện tại của doanh nghiệp nên ảnh hưởng đến việc thực hành, rèn luyện tay nghề của người học.
 
Để khắc phục những bất cập nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo; trong đó cần tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các nghề trọng điểm. 
 
Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong GDNN. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: xây dựng chuẩn đầu ra, Chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp; khuyến khích động viên người lao động trong doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động; hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho nhà giáo của nhà trường và cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia giảng dạy; hợp tác cho sinh viên vừa học vừa làm tại cơ sở GDNN và doanh nghiệp...
 Vĩnh Phúc cũng đặc biệt chú trọng gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.  
 

An Nhiên/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.