THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 05:16

Xã Tiến Thủy thoát nghèo, làm giàu nhờ làm hậu cần nghề cá

28/08/2020 | 09:01

Cơ sở cấp đông cá, mực của gia đình chị Thành, xóm Thành Tiến, xã Tiến Thủy.


Bước đột phá của một xã ven biển


Tiến Thủy là xã ven biển nhìn trên bản đồ như một bán đảo, núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Thời phong kiến, nơi đây được gọi là xã Phú Nghĩa Hạ, nức tiếng là vùng đất có nhiều người đỗ đạt, thành danh và là thương cảng giao thương hàng hóa, có nhiều nghề truyền thống như: đánh bắt hải sản, dệt vải, đóng thuyền, buôn bán, đặc biệt là nghề nước nắm nổi tiếng với tên gọi “mắm Phú Nghĩa”.


Ông Hồ Minh Tuân ở xóm Tiến Mỹ, xã Tiến Thủy cho biết: “Trước đây, ngư dân đánh bắt hải sản thủ công, nên nghề hậu cần phục vụ nghề cá nhỏ lẻ, nhiều người thất nghiệp, chị em phụ nữ chỉ nhờ thu nhập ít ỏi của chồng con đi biển để nuôi sống cả gia đình nên cuộc sống rất khó khăn. Gần chục năm trở lại đây, nhờ chính sách của Nhà nước cho vay vốn ưu đãi nên ngư dân xã Tiến Thủy đã mạnh dạn mua sắm tàu to, máy lớn đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt cá, mực tăng gấp bội, kéo theo nghề hậu cần phục vụ nghề cá phát triển mạnh. Những nghề như: nghề cấp đông bảo quản cá, mực, nghề đá lạnh, làm nước mắm, phơi cá khô… đã giúp giải quyết việc làm ổn định cho mấy nghìn lao động của địa phương và một số nơi khác, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, hàng trăm hộ đã vươn lên làm giàu, xã Tiến Thủy “thay da đổi thịt” hàng ngày, nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt gia đình đầy đủ”.


Hậu cần nghề cá tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động 


Chúng tôi đến thăm cơ sở cấp đông (bảo quản cá, mực) của gia đình chị Nguyễn Thị Thành ở xóm Thành Tiến, là một trong 60 cơ sở cấp đông cá thể của xã Tiến Thủy, đúng vào lúc gia đình đang cho cá, mực vào kho cấp đông. Tiếp chúng tôi, trong niềm phấn khởi, chị Thành tâm sự: “Trước đây, công ăn việc của tôi không ổn định, thu nhập vừa thấp vừa bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Mấy năm gần đây, nhận thấy lượng cá, mực của đoàn tàu đánh bắt xa bờ khá dồi dào, tôi và các gia đình trong xã đã mạnh dạn vay vốn để xây kho cấp đông cá, mực, cung cấp cho các đầu mối của Vinh và Hà Nội, Đồng Nai, trung bình mỗi tháng khoảng 7-10 tấn cá, mực. Khi tàu cập bến, chúng tôi xuống tận thuyền chọn mua cá, mực tươi đảm bảo chất lương, về rửa sạch cho vào cấp đông và chuyển đến nơi tiêu thụ, mà không cho bất cứ chất bảo quản nào. Chúng tôi là cơ sở nhỏ nên chỉ thuê 3 công nhân làm việc 2h/ngày, lương công nhân trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng”. Qua tìm hiểu, được biết thu nhập trung bình của mỗi kho cấp đông, trừ chi phí còn lãi khoảng 20-40 triệu đồng/tháng.


Còn tại Công ty Lực Sỹ Công chuyên thu mua và cấp đông cá, mực lớn nhất xã Tiến Thủy, chúng tôi được biết, Công ty đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, có người  lương 5-6 triệu đồng/tháng.


Khôi phục nghề truyền thống của cha ông


Đến thăm Cơ sở Nước mắm bà Cúc, gặp con gái bà là chị Phạm Thị Hoa ở xóm Phúc Thành, xã Tiến Thủy, chị Hoa tâm sự: “Gia đình tôi theo nghề làm nước mắm hơn 40 năm và nghề này đã nuôi sống cả gia đình tôi. Mấy năm nay, lượng cá của xã đánh bắt được nhiều, nên nhiều gia đình đã khôi phục lại nghề truyền thống này. Nước mắm Tiến Thủy gia truyền rất thơm ngon, nhiều đạm, thu hút nhiều khách sành ăn trong cả nước. Nước mắm Tiến Thủy sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, đặc biệt vào dịp Tết”.


Chị Hoa còn tự hào kể: “Nước mắm của xã tôi thời phong kiến có tên là mắm Phú Nghĩa nổi tiếng khắp vùng Thanh - Nghệ. Các quan lại và người quyền quý trong kinh thành Huế, Thăng Long - Hà Nội đều thích nước mắm Phú Nghĩa. Vì vậy, người xưa gọi những đoàn thuyền của làng Phú Nghĩa Hạ chở nước mắm ra Thăng Long - Hà Nội là chở nước mắm cúng thần. Bởi mắm được làm cẩn thận từ khâu chọn cá, muối phải để qua năm, cộng với bí quyết của làng nghề truyền thống nên nước mắm thơm ngon, để càng lâu năm càng ngon. Về sau, vì nhiều lý do nên nghề nước mắm của làng này dần mai một. Mấy năm trở lại đây, bà con trong xã đã khôi phục lại nghề. Điều đáng mừng, nghề nước mắm đã giúp nhiều gia đình có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo”.


Một góc quê hương Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, giàu có nhờ phát triển nghề cá.           

Nhà nước tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ưu đãi


Anh Nguyễn Văn Thanh – Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm Đức Xuân (xã Tiến Thủy) cho biết: “Được sự quan tâm của Nhà nước, mấy năm trở lại đây, nhiều hộ ngư dân mạnh dạn vay mượn, thế chấp nhà cửa và tài sản có giá trị theo chính sách phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quyết định 87/2014/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An… Nhiều hộ trong xã được vay vốn đóng tàu to, máy lớn và lắp các thiết bị hỗ trợ để nghề đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã Tiến Thủy có hơn 276 tàu cá các loại, trong đó có 150 tàu đánh bắt xa bờ, năm 2019 đã đánh bắt 21.399 tấn cá, mực, doanh thu đạt 312.882 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nam trong và ngoài địa phương đi biển trực tiếp. Với lượng thuyền đánh bắt lớn như vậy, mỗi tháng, hơn 10 cây xăng dầu của xã Tiến Thủy tiêu thụ khoảng 50.000 lít dầu. Xã có 5 xưởng sửa chữa và đóng mới, nhiều xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất đá lạnh và khoảng 50 đến 60 cơ sở cấp đông cá, mực cung cấp cho các tỉnh trong cả nước. Đặc biệt, nghề hậu cần nghề cá phát triển mạnh, giải quyết việc làm ổn định cho hầu hết người lao động (5 đến 6 nghìn người lao động) của xã, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40.000.000đ/người/năm, làm giàu cho gia đình, cho quê hương, góp một  phần nhỏ vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Chính phủ”.

Nguyễn Ngọc Minh/Tc GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.