THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 08:20

Xây dựng gia đình hạnh phúc từ giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ

23/12/2017 | 10:16

Xây dựng gia đình hạnh phúc trước hết phải từ giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ. Giáo dục gia đình có đặc điểm riêng: giáo dục gắn liền với quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục bằng tình yêu thương giữa những người ruột thịt: vợ chồng, cha mẹ, ông bà, anh chị em....  trong đó giáo dục lối cư xử có phép tắc: trên kính, dưới nhường, thuận hòa…với các tiêu chí trong từng mối quan hệ: Vợ chồng đối xử với nhau: chung thủy, nghĩa tình; bậc làm ông bà, cha mẹ đối xử với con cháu: gương mẫu, yêu thương; con cháu đối xử với ông bà, cha mẹ: hiếu thảo, lễ phép; anh chị em với nhau: hòa thuận, xẻ chia… là điều cốt lõi của mọi gia đình không phân biệt đẳng cấp, không phân biệt giàu nghèo, ở nông thôn hay thành thị.

Bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, TP.HCM hành hạ nhiều trẻ nhỏ (ảnh: KT)

Hiện nay không ít vụ việc gây ra sự phẫn nộ trong dư luận xã hội liên quan đến đội ngũ những người được gọi “bảo mẫu” được gọi là “cô giáo”. Như vụ trong TP.HCM, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ  đã cầm tay, chân cháu Đỗ Nhất Long giơ lên cao để dọa dẫm làm cháu rơi xuống nền nhà, sau đó đạp lên ngực và bụng cháu, rồi bỏ đi ra ngoài khiến cháu tử vong. Hay vụ hai bảo mẫu lớp mầm non tư thục Phương Anh, TP. HCM, tát liên tiếp vào mặt, ép đầu trẻ xuống đất, dốc ngược đầu trẻ vào thùng nước… Liên tiếp không ít những hành vi vô nhân tính vẫn xảy ra.

Câu hỏi đặt ra: những đứa trẻ lớn lên có bị nhiễm thói hành xử tàn bạo như cô bảo mẫu không? Vì sao những con người gọi là “bảo mẫu”, là “kỹ sư tâm hồn”, “nhà quản lý giáo dục” lại có hành động vô đạo đức như vậy? Là phụ nữ, là người mẹ, là con người… vì sao con người đối xử với con người tồi tệ đến như vậy? Hẳn có nhiều cách lý giải, nhiều nguyên nhân được đưa ra. Song, từ giác độ công tác gia đình nếu đặt vấn đề: những con người đó sống trong môi trường gia đình được giáo dục về lòng nhân ái, nếu như ngay từ nhỏ những con người này được cha mẹ, ông bà dạy và thấm nhuần về cách cư xử, về lối sống, về đạo làm người như hầu hết các gia đình Việt Nam đều thực hành mấy mươi năm trở về trước thì có hiện tượng này không? Nếu như trong thời thơ bé, họ được nhà trường dạy luân lý, dạy cách làm người tử tế như cả hệ thống giáo dục đã làm mấy mươi năm về trước thì xã hội có phải chứng kiến những hành vi phản cảm đến như vậy không?

Đây là một thực tế đáng buồn, đã được báo động từ khá lâu về tình trạng xuống cấp của đạo đức của một “bộ phận” trong đời sống xã hội. Nguyên nhân thì có nhiều. Xin trích dẫn nhận định của Ban Bí thư (khóa XI) về sơ kết chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí Thư (khoá IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” tại Thông báo số 26 ngày 9/5/2011: “Nguyên nhân cơ bản là do mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế đã tác động làm băng hoại, phá vỡ giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có vấn đề gia đình truyền thống”.

Từ nhận định của Ban Bí thư, tôi xin bàn thêm về vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ - Chủ nhân tương lai của đất nước - trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế tại phạm vi của Hội thảo “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người. Gia đình là một thiết chế xã hội và nó chịu sự tác động  của hệ thống chính sách và những biến đổi của xã hội.

Quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế, đã đem lại cho đất nước ta những thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng đồng thời cũng nảy sinh những thách thức đối với hạnh phúc và sự bền vững của gia đình Việt Nam trong đó có vấn đề về đạo đức, lối sống và giáo dục gia đình.

Tiếp cận từ cơ sở lý luận giáo dục, có thể hiểu rằng giáo dục gia đình là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết của lớp người trẻ. Đây chính là chức năng giáo dục của gia đình.


Xây dựng gia đình hạnh phúc trước hết phải từ giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ (nguồn ảnh:  internet)

Giáo dục gia đình có những đặc điểm riêng

Giáo dục gia đình có đặc điểm riêng: giáo dục gắn liền với quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục bằng tình yêu thương giữa những người ruột thịt: vợ chồng, cha mẹ, ông bà, anh chị em.... trong đó giáo dục lối cư xử có phép tắc: trên kính, dưới nhường, thuận hòa… với các tiêu chí trong từng mối quan hệ: Vợ chồng đối xử với nhau: chung thủy, nghĩa tình; bậc làm ông bà, cha mẹ đối xử với con cháu: gương mẫu, yêu thương; con cháu đối xử với ông bà, cha mẹ: hiếu thảo, lễ phép; anh chị em với nhau: hòa thuận, xẻ chia… là điều cốt lõi của mọi gia đình không phân biệt đẳng cấp, không phân biệt giàu nghèo, ở nông thôn hay thành thị.

Trải qua nhiều năm tháng, kết quả của giáo dục gia đình đã hình thành nên “nếp nhà”, lối sống và sự định hình nhân cách của mỗi thành viên gia đình - Một trong những giá trị tốt đẹp của “gia đình truyền thống” (như được đề cập trong Thông báo số 26 ngày ngày 9/5/2011 của Ban Bí thư trung ương Đảng). “Nếp nhà” còn được gọi là “gia phong”. “Gia phong” có thể được hiểu là sự hội tụ của các giá trị văn hoá, các chuẩn mực giá trị của đạo đức nếp sống dân tộc được sàng lọc qua thời gian và tồn tại lâu dài trong một gia đình, gia tộc; là kết quả của quá trình thực hiện chức năng giáo dục gia đình với tư cách là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời tác động đến con người một cách trực tiếp và toàn diện nhất.

Trong truyền thống, gia đình Việt Nam rất chú trọng xây dựng nếp nhà. Giáo dục đạo đức trong mọi gia đình thực hiện ngay từ khi đứa trẻ mới chập chững và như một dòng chảy liên tục tạo thành nền nếp: em nhỏ theo gương anh chị lớn, con cháu theo gương ông bà, cha mẹ. Nói cách khác, gia phong hình thành từ mối quan hệ giữa con người với con người trong gia đình, từ lòng nhân ái, tình yêu thương, thuần phong mỹ tục thẩm thấu một cách tự nhiên, bền bỉ trong tâm hồn mỗi thành viên. Chính môi trường như vậy, đòi hỏi từng cá nhân phải tu dưỡng theo khuôn phép, kỷ cương, nếp nhà của một gia đình,  một dòng họ.

Từ cách tiếp cận như vậy, khi bàn về vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức lối sống, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần chỉ ra một số đặc điểm của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, để từ đó có cách tiếp cận khoa học trong quá trình phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình, “xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại”.

Có thể nói, mấy chục năm trở lại đây, quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đã khiến gia đình Việt Nam có bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau. Đó là sự biến đổi mang tính toàn diện cả về hình thái, các chức năng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với những xáo trộn trong chức năng dưỡng dục con cái. Xu hướng gia đình hạt nhân chiếm ưu thế (khoảng 68%- Điều tra gia đình Việt Nam 2006) đã ngăn trở cơ hội truyền thụ những hiểu biết về việc nuôi dạy con cái từ thế hệ ông bà cho thế hệ cha mẹ và cho con cháu. Chính điều này một phần tạo ra sự đứt gãy của giáo dục gia đình. Thế hệ trẻ mới lập gia đình cho dù có nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ nhưng trong giáo dục con cái, họ bộc lộ những bất đồng và có xu hướng phủ nhận tri thức và kinh nghiệm của thế hệ ông bà, cha mẹ, họ thường trông cậy vào tri thức khoa học và chuyên môn hơn là dựa vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của thế hệ trước (kho tàng tục ngữ, ca dao về cuộc sống, đặc biệt là về cách sống, cách ứng xử trong gia đình cũng như trong cuộc đời dường như là khoảng trống với nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay).

Dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhịp sống của mỗi gia đình ngày càng trở nên vội vàng hơn, thời gian dành cho nhau đặc biệt là thời gian cha mẹ dành cho con cái, dạy dỗ con cái ngày càng trở nên eo hẹp. Cũng theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam 2006, khoảng 25% số ông bố và 7% số bà mẹ hoàn toàn không dành thời gian cho việc chăm sóc, dạy dỗ con cái vì bận làm ăn. Theo một nghiên cứu gần đây, tình trạng di cư trong nước “đã đến 6,5 triệu người, chiếm khoảng 7,57% dân số” (Kinh tế và Phát triển số 193, tháng 7/2013). Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Bộ môn Giới và Gia đình, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội: “gần chục triệu gia đình thiếu vắng cha hoặc mẹ”. Trong nghiên cứu “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay” của tác giả Bùi Phương Chi- Ban Nữ công – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ ra: 21,8% gia đình công nhân tại các khu công nghiệp tập trung  phải gửi con nhỏ về quê, trong tổng số 1500 mẫu nghiên cứu điều tra, tương ứng với 327 trường hợp, đồng nghĩa với việc có ít nhất 327 đứa trẻ phải sống xa cha mẹ trong thời gian đằng đẵng. Dẫn ra một vài số liệu để thấy vai trò và trách nhiệm của gia đình trong giáo dục con cái “nên người” đang có vấn đề. Ở  những gia đình cha mẹ phải đi làm ăn xa, ông bà giữ vai trò kép, họ vừa là ông bà lại vừa trở thành bố mẹ của đứa trẻ. Sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ, sợi dây ràng buộc níu kéo tình cảm gia đình giữa cha mẹ với con cái cũng vì thế trở nên lỏng lẻo. “Vai trò của bố mẹ trong các gia đình di cư lao động trở nên mờ nhạt, không theo kịp sự phát triển của đứa trẻ” (Hoàng Bá Thịnh) trên cả chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm và chức năng giáo dục xã hội hóa của thiết chế gia đình.     

Giáo dục gia đình là sự trao truyền lối sống, phép tắc ứng xử và kinh nghiệm sống dựa trên những chuẩn mực chung của xã hội (phép vua), của cộng đồng (lệ làng), và nếp nhà (gia phong) qua các thế hệ một cách tự nhiên và như một nhu cầu tồn tại. Tác động của quá trình công nghiệp hóa, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tác động của một số chính sách đã làm cho giáo dục gia đình đã mất định hướng và không được coi trọng từ nhiều năm qua. Giáo dục con trẻ ngay từ gia đình bị xem nhẹ và có xu hướng chia sẻ chức năng giáo dục cho nhiều lực lượng khác.

Với tác động của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, đại bộ phận các gia đình Việt Nam trong những năm gần đây (tạm tính từ năm 1980 đến nay) chỉ sinh 1 hoặc 2 con. Số con ít, điều kiện đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần được cải thiện, nâng cao, trong khi đó cha mẹ có nhiều cơ hội để tăng thu nhập, mải miết lao động kiếm tiền, không có thời gian dành cho con cái. Nhiều bậc cha mẹ  tỏ ra quá nuông chiều, sẵn sàng thỏa mãn đòi hỏi của con cái, ít chú ý đến sự lễ phép, tính kỷ luật của con trẻ và vô tình đã tạo ra một thế hệ công dân nặng tính ích kỷ cho xã hội. Khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" đôi khi không được hiểu một cách đầy đủ chỉ quá chú trọng về chăm sóc, bảo vệ, quá chú trọng thực hiện quyền trẻ em mà đã xem nhẹ bổn phận, trong đó có bổn phận thuộc đạo đức mà bất cứ đứa trẻ nào trong bất cứ gia đình nào cũng phải thực hành. Đó là sự hiếu kính đối với ông bà cha mẹ, thương yêu, nhường nhịn giữa anh chị em, lễ phép với thầy cô giáo, với người lớn, thật thà, chăm chỉ việc nhà.

Chính sách trọng bằng cấp đã tác động đến giáo dục gia đình theo cả hai chiều cạnh tích cực và tiêu cực. Ở chiều cạnh thứ hai, thực trạng nhiều năm qua cho thấy: dường như mọi gia đình, dường như cả xã hội quay cuồng với cuộc chạy đua vào đại học. Ngay từ lớp một, người lớn đã lo lắng, chọn trường, chạy trường, chạy lớp cho con cháu mình (Điều này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn). Trẻ em cũng phải lao theo vòng quay của người lớn để học chữ, học chữ và học chữ. Học chính khóa. Học thêm ở lớp. Học thêm ở nhóm. Trẻ em chỉ biết một việc là học và học chữ, tiếp thu và tích lũy kiến thức để thi đỗ đại học.

Tiêu chí của một đứa con ngoan ngày nay trong không ít gia đình dường như có sự lệch chuẩn. Nếu như trước đây, một đứa con ngoan trước hết phải biết “đi thưa, về chào”, lễ phép với ông bà cha mẹ, đứa bé nghe đứa lớn, đứa lớn gương mẫu nhường nhịn đứa bé, chăm chỉ việc nhà, kính thầy, yêu bạn…thì ngày nay các gia đình đồng nhất khái niệm một đứa trẻ ngoan là một đứa học giỏi. Đứa con ngoan là đứa con luôn mang về cho gia đình điểm 10 hoặc điểm 9. Và để luôn có điểm 10, điểm 9 thì không ít các bậc ông bà, cha mẹ sẵn sàng “phục dịch” con cháu vô điều kiện. Từ việc sẵn sàng chi tiền để thuê gia sư, chi tiền để thuê người đưa đón (nếu không có thời gian) sẵn sàng chi tiền để treo thưởng cho trẻ khi cháu được điểm cao… đến việc không “khiến” con cháu phải động chân tay vào việc nhà. Ngay cả khi ông bà, cha mẹ ốm đau, thậm chí họ hàng thân thiết qua đời cũng không yêu cầu con cháu thăm hỏi, đến phúng viếng, chia buồn vì “cháu bận học”. Có lo ngại không với cách dạy dỗ theo kiểu này kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả con trẻ (và khi trưởng thành) trở nên thiếu kỹ năng, vô cảm, vô ơn?

Nhiều người cho rằng: trong không ít gia đình, trẻ em đã quên cách chào hỏi người lớn. Bởi người lớn trong gia đình đã không chú ý dạy dỗ phép tắc ứng xử trên dưới cho trẻ, dần dần năm này qua năm khác, đứa trẻ lớn lên trong sự “phục dịch” của người lớn. “Chúng chỉ biết hưởng thụ thành quả từ những giọt mồ hôi thậm chí cả nước mắt của cha mẹ. Chúng chỉ biết nhận chứ không hề được dạy về sự sẻ chia. Chúng trở nên ích kỷ, sống chỉ vì cá nhân mình. Vô tình bố mẹ đi từ cái sai này đến cái sai khác, từ sự thoả hiệp này đến sự thoả hiệp khác. Vì thế từ nhỏ đến lớn, lúc nào con cái cũng được thoả mãn. Việc đó trở thành thói quen dẫn đến giá trị sống của đứa con bị lệch lạc. Nó luôn xem ý muốn của mình là tối thượng. Ai không thừa nhận, chống lại ý muốn của nó, nó sẽ phản kháng” . (PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội-Viện Xã hội học: Tội "đại nghịch" đến từ sự lệch lạc giá trị sống - Báo Phụ nữ Thủ đô 21/5/2013).

Trước một thực trạng như vậy, bàn thêm về giáo dục gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ từ gia đình, cần phải bắt đầu từ xây dựng nếp nhà, phát huy giá trị gia phong. Bởi nền nếp gia phong đã trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia đình truyền thống phát triển bền vững cho đến ngày nay. Trong cuộc sống hiện đại, nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển vì nó đã được hun đúc từ đời này sang đời khác và luôn luôn tỏa sáng cùng với thời gian. (Giữ gìn nền nếp gia phong- Báo Nhân dân 23/03/2013).  “Xây lại dựng nếp nhà, phát huy giá trị gia phong” là một cách thức để chúng ta, để mọi nhà chăm lo trước hết cho “phần làm người” của con cháu mình đồng thời cũng là lớp công dân tương lai của đất nước.

Giáo dục lòng hiếu kính phải trở thành một trong những nội dung quan trọng của giáo dục trong gia đình
Nội dung giáo dục gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ lưu truyền: “Trên kính, dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu  đối với ông bà cha mẹ. Đây  vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Việc giáo dục lòng hiếu kính phải trở thành một trong những nội dung quan trọng của giáo dục trong gia đình hiện nay. Đó không chỉ là sự vâng lời, tôn trọng cha mẹ mà điều cốt lõi là thể hiện ý thức trách nhiệm của con cái trong tu dưỡng nhân cách, biết ơn chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn thanh danh của gia đình. Như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: con cái sống có đạo đức, có lễ phép, có ý thức chăm chỉ học hành để thành đạt về xã hội, có nghề nghiệp, có cuộc sống bình ổn,... cũng được coi là những hình thức báo hiếu đối với cha mẹ. (Người mà không biết báo hiếu, không yêu thương biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục mình thì khó có thể yêu thương, biết ơn người khác được).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW về nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế) đã xác định mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng. Yêu quý gia đình, yêu thương người thân thiết, biết ơn và kính trọng ông bà, cha mẹ là phẩm chất đầu tiên cần có ở mỗi người, để từ đó khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình trong việc hình thành nhân cách người Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước.

Không thể có một gia đình hạnh phúc, một gia đình tốt, một công dân tốt, một công chức tốt hay một cán bộ tốt nếu không bắt đầu việc giáo dục một người con có đạo đức tốt, yêu quý, kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ, nhường nhịn, quý trọng người thân, không biết “thương người như thể thương thân”.

ThS. Hoa Hữu Vân / TC Gia đình & Trẻ em

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.