THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 08:01

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

09/06/2020 | 16:25

Sinh viên các trường cao đẳng nghề tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Ảnh: Minh Trí


Nền tảng giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ trong các trường nghề


Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể đã quan tâm đến việc xây dựng lối sống văn hóa, đạo đức cho cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên, coi đây là nền tảng trong việc giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong thời gian qua, nhiều cơ sở GDNN đã tổ chức thực hiện các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, chú trọng văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy, hầu hết học sinh, sinh viên ứng xử có văn hóa, lễ phép, kính trọng người lớn tuổi, sống trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, hành vi ứng xử chuẩn mực… Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn xuất hiện tình trạng thiếu văn hóa ứng xử, vi phạm đạo đức, lối sống không lành mạnh. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN là rất cần thiết, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.


Đẩy mạnh xây dựng quy tắc và đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử


Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng văn hóa ứng xử và giải pháp đẩy mạnh công tác này trong các cơ sở GDNN. Theo bà Hoàng Thị Phương Mai, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng nghề VMU, Đại học Hàng hải Hải Phòng, văn hóa ứng xử học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực điều chỉnh các mối quan hệ cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng trong môi trường giáo dục. Mối quan hệ giá trị nhất là thầy và trò. Hình ảnh của người cô, người thầy tạo nên ràng buộc, chi phối văn hóa đến cả góc nhìn của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng trân trọng, hình ảnh người thầy, cô có lúc chưa được đẹp. Do vậy, cần phải xây dựng nhiều quy tắc ứng xử chuẩn mực, có văn hóa trong môi trường giáo dục.


Các đại biểu cũng thống nhất phấn đấu các mục tiêu như trong Quyết định số 1042/QĐ-LĐTBXH ngày 25/7/2019 của Bộ LĐTBXH về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở GDNN được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 95% cơ sở GDNN trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.


Cần bổ sung nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào các hoạt động giáo dục, thực hành trong các cơ sở GDNN. Ảnh: Đức Tuấn

 

Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ LĐTBXH đã đề ra nhiều giải pháp. Trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về văn hóa ứng xử dành cho cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên; Đẩy mạnh truyền thông về văn hóa ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ứng xử văn hóa trong các cơ sở GDNN cho nhà giáo, người học tham gia.


Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN có trách nhiệm xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử, với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, sinh viên). Phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GDNN trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong cơ sở GDNN.
Đặc biệt, cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Bổ sung nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào các hoạt động giáo dục, thực hành, thực tập, tình nguyện vì cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường, các đoàn thể, địa phương tổ chức. Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống văn hóa, nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước. Đặc biệt là sự tự trọng bản thân và trách nhiệm đúng mực, nhân ái với người khác của học sinh, sinh viên thông qua việc tự học, tự rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, phù hợp với cấp học, lứa tuổi, trình độ đào tạo trong các chương trình, hoạt động GDNN, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống; Phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, sinh viên, coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, giáo dục kiến thức pháp luật, thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh, sinh viên; Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại…

Minh Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.