THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 08:15

Xoắn tinh hoàn: cần cấp cứu ngay!

08/01/2020 | 17:21

Người bệnh N.T.K cho biết: “5 giờ 30 phút sáng cùng ngày nhập viện, em đột nhiên cảm thấy đau dữ dội vùng bìu trái khi đang ngủ, cảm giác đau tăng khi sờ vào, tinh hoàn bên trái nằm cao hơn bình thường và kém di động so với tinh hoàn bên phải. Em nói với ba mẹ thì lập tức được đưa đến Bệnh viện Bình Dân”. 
 
Ngay sau khi bác sĩ chuyên khoa nam học khám và siêu âm xác định chẩn đoán tình trạng xoắn tinh hoàn trái, người bệnh K. lập tức được phẫu thuật để tháo xoắn thừng tinh hoàn trái. Khi bộc lộ bìu trái, các bác sĩ phát hiện thừng tinh trái của người bệnh bị xoắn 2 vòng với nút xoắn chặt khiến thừng tinh và tinh hoàn trái phù nề, đã chuyển màu tím sẫm.
 
Điều may mắn là người bệnh đã được đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ trong vòng 4 giờ sau khi cơn đau xuất hiện, nên tinh hoàn của thiếu niên 15 tuổi này đã được bảo tồn. Sau phẫu thuật, thừng tinh và tinh hoàn trái của người bệnh trở lại hồng hào, bác sĩ cố định hai tinh hoàn để tránh nguy cơ xoắn tái phát và xoắn bên đối diện. 
 
Trên thực tế, một số nam giới hoặc phụ huynh có con trai bị xoắn tinh hoàn chần chừ đến bệnh viện mà ở nhà tự tìm kiếm các thông tin trên internet hoặc tự dùng thuốc giảm đau uống làm mất cơ hội được điều trị sớm. Theo một báo cáo khoa học từ Bệnh viện Bình Dân, 80% người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám khi tình trạng đau bìu đã khởi phát vượt hơn 24 giờ. Việc khám và điều trị muộn kéo theo những hậu quả nặng nề cho người bệnh, bao gồm tinh hoàn thiếu máu nuôi, mất tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, vô sinh thứ phát và gánh nặng tâm lý về sau. 
 
Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh tự xoắn quanh trục làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu nuôi tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất từ 10 đến 25 tuổi. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn ở nam giới dưới 25 tuổi khoảng 1/4000. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất tinh hoàn ở nhóm tuổi thanh thiếu niên và trẻ sơ sinh. 
 
Xoắn tinh hoàn chiếm khoảng 16% nam giới đến cấp cứu trong bệnh cảnh đau bìu cấp. Nam giới có thể xoắn tinh hoàn bất cứ lúc nào như lúc đang ngủ (50%), có thể khởi phát tự nhiên hoặc trong lúc vận động thể lực, chơi thể thao, chấn thương bìu (6%). Nam giới nếu đau đột ngột, dữ dội, sưng bìu, không thấy tinh hoàn nằm ở vị trí bình thường cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
 
Trong cấp cứu xoắn tinh hoàn, người bệnh và bác sĩ luôn “chạy đua với thời gian” để tìm kiếm cơ hội cứu tinh hoàn cho người bệnh. Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh. 
 
Thời gian xuất hiện đau bìu, mức độ tổn thương tinh hoàn và khả năng cứu sống tinh hoàn có sự tương ứng như sau:
 

Thời gian

Khả năng cứu sống tinh hoàn

< 6 giờ

90-100%

12-24 giờ

20-50%

>24 giờ

0-10%

Can Khương/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.