THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 10:41

60 năm Đôi gà tồ của họa sĩ Thành Chương

12/02/2017 | 10:07
 
Họa sĩ Thành Chương khi 8 tuổi.

Đôi gà tồ bước vào tuổi 60
 
Họa sĩ Thành Chương nay cũng đã xấp xỉ tuổi “Xưa nay hiếm”, Đôi gà tồ năm nào nay cũng đã bước vào tuổi 60. Ông kể lại:“60 năm trước, ở cùng nhà tôi có ông quê ở tỉnh Hưng Yên, có nuôi một đôi gà Đông Cảo. Bấy giờ bố tôi (nhà văn Kim Lân) có giải thích với tôi: Đây là loài gà hiếm, vụng về, ngộc nghệch, khi ấp hay đạp vỡ trứng, nên hiếm có con. Thấy tạo hình của con gà đẹp, nên tôi vẽ và chính bố tôi đặt tên là “Đôi gà tồ” (gà Hồ). Rồi bức tranh này được Giải Vàng ở Anh, in vào tạp chí, và họa sĩ Thẩm Đức Tụ có mượn để ở phòng truyền thống đội vẽ Cung văn hóa Thiếu nhi (sau bức này cũng thất lạc)”.
 
Xem lại ảnh chụp bức tranh Cặp gà xưa của Thành Chương, sao mà thấy nó thảnh thơi, thơ thới làm vậy…Mà cũng bởi bức tranh này mà bạn bè đã đặt cho ông một cái tên đáng yêu: “Chương gà tồ”- một cái tên theo suốt một đời…Và đó có thể gọi là một sự vinh danh đầu đời đối với ông.
 
Tinh hoa phát tiết sớm sẽ là một gánh nặng theo suốt cuộc đời, nếu như người đó tài ngắn, nhưng may mắn, Thành Chương không phải gánh gánh nặng kia bởi ông thực sự là một tài năng. 
 
 
Ba mẹ con.
 
 Suốt một đời công chức, Thành Chương chỉ làm việc ở một nơi - đó là báo Văn Nghệ, tới lúc về nghỉ, cầm sổ hưu. Tờ Văn Nghệ khi ông làm họa sĩ là một tờ báo có “gu” nhất trong những tờ báo lúc đó. Tờ báo lúc đó quy tụ được hầu hết các họa sĩ tài danh tham gia vẽ minh họa và những họa sĩ đó cũng rất tự hào khi được vẽ cho Văn Nghệ. Có được điều đó phải nói tới khả năng thu hút cộng tác viên của Thành Chương. Ông như hòn nam châm - có một sức hút lớn bằng chính các tác phẩm minh họa của mình - có thể hút rất nhiều các tính cách nghệ thuật tham gia làm đẹp cho tờ báo. Khi sinh thời, nhà văn Kim Lân đã răn dạy con trai: “Con nên coi các bức vẽ minh họa như một tác phẩm thực thụ và việc công bố tác phẩm trên báo không khác nào một triển lãm tranh lưu động đến với người xem”. Có lẽ, chính bởi những lời dặn này của nhà văn Kim Lân, Thành Chương đã gắn bó với tờ Văn Nghệ lâu đến vậy. Đây cũng là môi trường luyện cho Thành Chương khả năng ứng biến nhanh, người vẽ minh họa phải xem nhiều, đọc nhiều, vận dụng hiểu biết, rồi biến báo, tưởng tượng.
 
 
Gà thổ cẩm.
 
Cuộc triển lãm 60 bức tranh gà
 
Thành Chương vẽ đã lâu, thành công trong nghệ thuật của ông cũng nhiều. Với khả năng biến hóa rất giỏi, Thành Chương đi từ những rất nhiều đề tài như tình yêu, phụ nữ, rồi tới những chân dung tự họa những năm 1990, rồi đến với Trẻ, Trâu những năm 2000.
 
Năm nay, RealArt và hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair tiếp tục tổ chức Hội chợ Xuân – một triển lãm tranh của 160 họa sĩ trong Nam ngoài Bắc với khoảng 300 tác phẩm xuất sắc chủ đề tự do. Cùng với những đặc trưng trong văn hóa, phong cách, xu hướng sáng tác của nghệ sĩ hai miền Mỹ thuật Bắc-Nam, Ban tổ chức dành riêng cho Thành Chương 1 gian, ở đây trưng bày 60 tranh gà mới của ông. Một hoa giáp, ông lại trở lại với cái đề tài ban đầu khởi nghiệp - tranh Gà. 60 bức tranh có cả bột màu, còn chủ yếu và sơn dầu, sơn mài.
 
 
Gà choai.
 
Có thể tưởng tượng đây là một vòng xoáy đồng tâm, nhưng lần trở lại này nó phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Vẽ nhiều tranh cho một đề tài là rất khó, làm sao để không trùng lặp, đòi hỏi họa sĩ phải đủ nội lực về tài năng và kĩ thuật. 
 
Thành Chương vẽ gần 100 con, từ đó chọn ra 60 con để trưng bày. Ông vẽ nhanh, quên ngày quên đêm, chỉ 1 tháng là đủ số trăm. Gà trong tranh ông rất đa dạng, chúng được ông diễn tả bằng nhiều phong cách như trừu tượng, đồ họa trang trí, biểu hiện, lập thể, biểu tượng... nhưng rất Thành Chương trong tổng thể. Những con gà được biến hóa, nhân hóa, xã hội hóa như Gà tượng đài, Gà từ chối sen, Gà trống nuôi con, Gà hạnh phúc, Gia đình gà…Mỗi bức tranh là một kỹ thuật vẽ, một cấu tứ khác nhau, không bức nào lặp lại bức nào. Trong triển lãm có đến 1 phần 3 là những bức tranh vẽ về gà có những cái tên như Hạnh Phúc, Mẹ con, Gia đình gà, Bố con, Gà trống nuôi con… Tình yêu thương gia đình của họa sĩ trải đầy trong những bức tranh đó.
 
 
Gà thiếu nữ.
 
Ông tâm sự: Có những lúc tôi chán nản, mệt mỏi nhưng cứ ngồi vào giá vẽ và rồi khi những nét vẽ hiện lên trên toan, rồi ánh sáng xuất hiện, tự nhiên nó cứ mở ra, đưa mình đi theo nó... Tỉnh ra thì mình đi xa quá rồi.
 
Với Thành Chương, đề tài không quá quan trọng, quan trọng là với đề tài ấy, anh làm được ra cái gì và kéo dài được bao lâu? 
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đồng nghiệp thân thiết của ông ở báo Văn Nghệ đã viết: Họa sĩ Thành Chương đã làm nên một thế giới gà bằng trí tưởng tượng kỳ lạ. Trí tưởng tượng ấy chỉ được hiển lộ một cách trọn vẹn và quyến rũ bằng một tài năng của một nghệ sĩ lớn. Và với thế giới gà của họa sĩ Thành Chương, thêm một lần nữa tôi nhận ra rằng: những vẻ đẹp của đời sống này là vô tận. Tất cả chỉ kết thúc khi đôi mắt của trí tưởng tượng của chúng ta đóng sập lại.
 
 
Gia đình gà.
 
Triển lãm “60 năm đôi gà tồ” của họa sĩ Thành Chương diễn ra vào cuối tháng 1-2017 tại tầng 5, tòa nhà HNCC, số 1 - Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Anh Chi/Tạp chí GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...