THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 10:53

An toàn thực phẩm: Nỗi lo năm nay lớn hơn

03/12/2019 | 08:22
 
Thịt lợn khan hiếm và đang được đẩy giá lên cao khiến người tiêu dùng lo lắng. Ảnh minh họa KT
 
Nỗi lo lớn nhất là thực phẩm không an toàn!
 
Dù đã cố gắng nhưng dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Theo ước tính sơ bộ, dịp Tết năm nay nước ta sẽ thiếu hàng triệu tấn thịt lợn. Do vậy, trước Tết nhiều tháng, giá thịt lợn đã tăng chóng mặt. Nhưng điều đáng lo nhất không phải là chuyện giá cả, mà là người ta nhân chuyện thiếu thịt, người ta “khai thác” nhiều nguồn thực phẩm khác nhau và chủ yếu đó là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ai biết chất lượng thế nào...
 
Tôi chưa có nghiên cứu cơ bản, chưa dám khẳng định việc thực phẩm không an toàn là một trong những nguyên nhân bệnh ung thư ở Việt Nam cao thứ hai thế giới. Thống kê của Bộ Y tế trong những năm gần đây cho thấy: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 170.000 ca mới mắc và trên 80.000 trường hợp tử vong do ung thư. Không hiểu thế nào, tôi có cảm nhận  thực phẩm không an toàn là nguyên nhân chính của thảm họa này. Thế mà năm nay việc thực phẩm không an toàn có điều kiện để lũng đoạn thị trường do chúng ta thiếu thịt lợn.
 
Vào thời điểm hiện nay (khi chưa đầy 2 tháng nữa là Tết), qua khảo sát thị trường, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận diễn ra khá phổ biến. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của người dân. Cái chính là quy mô và cách thức làm hàng giả, hàng không chất lượng ở mức trắng trợn nhưng chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn.
 
Loại thực phẩm giả trắng trợn nhất cần đề phòng
 
Thời gian gần đây, phụ nữ, giới trẻ, đặc biệt là trẻ em (đó là chưa kể dân nhậu) thích ăn thịt bò sấy khô. Đây là món ăn ngon miệng, tiện lợi cho việc bảo quản và vận chuyển nên chúng được sử dụng nhiều. Lợi dụng điều này, người ta tung ra thị trường đủ loại thịt bò khô, giáo dao động từ 90.000 đồng/kg đến 800.000 đồng/kg. Trời đất ơi! Cũng là thịt bò khô, tại sao lại có thể chênh lệch đến mức đó?! Nhưng loại thịt bò khô sợi giá chỉ 90.000-100.000 đồng/kg ở đâu ra thế nhỉ? Làm thế nào để họ bán giá như thế vẫn có lãi??? 
 
Chỉ cần suy nghĩ một chút, chúng ta thấy ngay đây là loại thịt gì chứ không thể là thịt bò khô. Những người làm thịt bò khô sành sỏi nhất cho biết: Thông thường, muốn có 1kg thịt bò khô thì phải làm từ 2,2 đến 2,5kg thịt bò tươi. Giá 1kg thịt bò tươi hiện nay trung bình là 250.000 đồng. Vậy giá thấp nhất cho 1kg thịt bò khô phải là 550.000 đồng. Vậy mà trên thị trường có thể mua được 1kg thịt bò khô dạng sợi với giá chỉ 90.000 đồng... Trời đất ạ! Vậy đây không là thịt bò khô giả, thịt kém chất lượng, thậm chí là độc hại thì là cái gì?!
 
Chính những người bán cũng không dám chắc loại thịt khô này từ thịt bò. Một người chuyên bỏ mối loại thịt này nói: “Thú thật, tôi là đầu mối buôn trung gian bò khô này nhưng tôi cũng không dám chắc là nó được làm từ thịt bò hay không?  Tôi thấy người ở xưởng nói thịt bò khô thì mình nhập về bán và nói là thịt bò khô thôi”.
 
Thịt bò khô miếng hay sợi đều được làm từ thịt nạc thăn và nạc mông bò. Bởi, làm từ những loại thịt này, lúc ra thành phẩm dễ xé khi ăn và đảm bảo độ thơm ngon.
 
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ khá nhiều cơ sở làm thịt bò khô từ lợn bệnh, lợn chết, từ bã sắn dây... Theo một số người có kinh nghiệm, loại được xem là thịt bò khô bán rẻ nhất hiện nay được làm từ phổi lợn. Có cơ sở đã bị phát hiện làm thịt bò khô từ phổi lợn. Cách làm: phổi lợn được luộc chín rồi nhúng vào nồi nước gồm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu. Khô bò thành phẩm được bỏ mối cho với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Có lẽ, loại khô bò giá 90.000 đồng/kg được làm bằng cách này.
 

 
Thịt bò khô giá rẻ khả năng cao là bò khô giả. Ảnh minh họa KT
 
Cần xử lý hình sự những người làm và bán thực phẩm không an toàn
 
Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt được rất nhiều người làm đồ ăn, đồ uống giả, nhái, kém chất lượng, thậm chí là độc hại nhưng chỉ xử lý hành chính. Ông Cao Đức Phát (Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã từng nói, đại ý: Những người sản xuất và tiêu thụ thực phẩm giả, thực phẩm độc hại chỉ bị xử lý khi người tiêu dùng lăn ra chết ngay mà thôi. Chính vì cách nghĩ, cách xử lý như vậy mà việc thực phẩm độc hại có “đất” để sống từ năm này, qua năm khác.
 
Nhưng nay mọi thứ đã khác. Ngày 1/11/2019, lần đầu tiên trong lịch sử ngành tố tụng, Tòa án Nhân Dân quận Thủ Đức, TP.HCM đưa vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm ra xét xử. Bị cáo là Bùi Văn Sáng (sinh năm 1983, tại Tiền Giang). Từ tháng 1/2017, Sáng thuê 3 công nhân rửa củ cải, cà rốt bằng hóa chất và bỏ hàng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Cơ quan chức năng bắt quả tang. Hành vi gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng của Bùi Văn Sáng bị tòa tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam.
 
Như vậy, chúng ta đã có tiền lệ xử lý hình sự những người tung ra thị trường thực phẩm độc hại. Trong tình hình hiện nay, đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý hình sự những người đưa ra thị trường thực phẩm có hại. Chỉ có cách xử phạt thật nặng mới có thể ngăn chặn việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm độc hại.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...