CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 05:09

Bán con - Chuyện gây đau đớn và lúng túng

28/12/2018 | 13:36
 
Từ lời đồn đến bài phóng sự tỉ mỉ
 
Gần đây, tôi được nghe những lời đồn râm ran về một số phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh, vượt biên sang Trung Quốc, sinh và bán con ở bên đó. Mấy hôm nay, tôi lướt mạng xã hội và gặp một status trên facebook của Van Tung Tran đề nghị ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Sở Công an Nghệ An phải có hành động ngăn chặn việc phụ nữ sang Trung Quốc bán con còn trong bụng mẹ. Status này viết rõ như thế này: “Vừa qua, một số phụ nữ miền núi Nghệ An sang Trung Quốc bán con, bán bào thai. Tình cảnh rất đau thương, ông hãy có hành động ngăn chặn xem sao…”. 


 Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại phiên thảo luận về mua bán người trong Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII (tháng 12/2018). Ảnh: Internet
 
Tôi thân quen với chủ nhân của facebook Van Tung Tran - ông là Trần Văn Tùng, PGS- TS, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là một con người trung thực, thẳng thắn. Như vậy, chuyện phụ nữ Nghệ An sang Trung Quốc sinh con và bán con có thể là có thật. Tuy nhiên, để khẳng định sự việc ghê gớm này, phải có bằng chứng cụ thể.
 
Bằng chứng đây: Trên báo Thanh Niên, số ra ngày 11/12/2018 có bài phóng sự điều tra “Vượt biên bán con - Rứt tình máu mủ ở xứ người” của nhà báo Khánh Hoan. Khánh Hoan là phóng viên thường trú của báo Thanh Niên tại tỉnh Nghệ An, anh là đồng nghiệp thân thiết của tôi. Điều quan trọng nhất là trong bài phóng sự điều tra này, mọi thứ đều được đưa ra rõ ràng, cụ thể, có sự việc, có địa điểm, có thời gian, có nhân vật (cả ảnh) và có cả công an khẳng định sự việc đó. 
 
Như vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, việc hàng chục phụ nữ của một xã miền núi tỉnh Nghệ An vượt biên sang Trung Quốc sinh con và bán con là có thật; có những người làm việc này tới 2 lần; có những người bán cả đứa con đầu lòng của mình. Những việc này đã được phóng viên Khánh Hoan kể tỉ mỉ trên báo Thanh Niên rồi. Việc của tôi là suy xét về tác động của sự việc này đối với đạo đức, lối sống và khía cạnh pháp lý của vấn đề.

 “Nhìn danh sách 21 phụ nữ mang thai đã sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con do Công an xã Hữu Kiệm lập ra khiến tôi rùng mình. Đáng sợ hơn, khi tiếp xúc với những người mẹ này, nhiều người trong số họ bán con xong vẫn bình thản như không”. (Khánh Hoan – báo Thanh Niên)
 
Sự việc gây đau đớn và lúng túng
 
Đau đớn thì rõ rồi, ông cha ta đã nói: “Một con, một của không ai chê”. Nghĩa là đối với con người, con cái là quý giá nhất. Ấy thế mà ở đây cha mẹ lại đồng ý bán con mình để lấy một số tiền (từ 30 đến 80 triệu đồng). Đau đớn hơn nữa là người ta bán con ngay khi còn là bào thai! Sự việc đau đớn này không phải là cá biệt, mà gần như đã ngấm ngầm trở thành “phong trào”, chỉ trong một thời gian ngắn, ở một xã mà đã có tới 21 phụ nữ sang Trung Quốc sinh và bán con thì nghiêm trọng quá rồi.
 
Còn vì sao lại lúng túng? Lúng túng vì từ chính quyền địa phương tới công an chưa biết cách xử lý những vụ việc này thế nào cho hợp tình hợp lý, cho thấu đáo và nghiêm minh cả về mặt pháp luật. Chính quyền và công an xã biết công dân của mình sang Trung Quốc sinh con và bán con; khi họ trở về, chính quyền cũng chỉ biết gọi họ lên nhắc nhở, bắt họ làm cam kết không tái phạm. Tuy vậy, vẫn có người tái phạm và chính quyền không biết phải giải quyết thế nào? Áp dụng hình phạt nào?...
 
Ở đây, xét về khía cạnh tình cảm và đạo lý, những ông bố (đã được bàn bạc và đồng ý), bà mẹ mang bào thai sang xứ người sinh rồi bán bị lên án ngàn lần. Nhưng còn về mặt pháp lý thì sao? Họ phạm tội gì? Có khép vào tội buôn bán người được không? Rõ ràng, ở đây cần có sự vào cuộc của các chuyên gia pháp lý. Có lẽ, trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam chưa có tội bán bào thai của chính mình.
 
Vẫn chưa thấy cách giải quyết rốt ráo, thuyết phục
 

 Chị Mạc Thị Hoa, người phụ nữ đã sang Trung Quốc bán bào thai một năm trước. Ảnh: Nguyễn Hải  
 
Ai cũng thấy chuyện phụ nữ Việt Nam mang thai rồi sang Trung Quốc sinh con và bán ở bên ấy là chuyện rất lớn, vừa đau đớn, vừa có điều gì đấy tủi hổ, nhục nhã, nhưng giải quyết thế nào thì chúng ta lúng túng. Bộ Công an quan tâm, muốn ngăn chặn nhưng cũng chỉ ban hành điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với các vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. “Đấu tranh” được hiểu như thế nào? Việc quan trọng nhất là có xử phạt được những người bán con khi còn ở trong bào thai được không? Nếu được thì khép họ vào tội gì?
 
Về mặt luật pháp, phải trả lời được 2 câu hỏi trên mới có cơ sở để xử lý những người liên quan. Trước hết, đó là những người môi giới. Những người này đến những vùng xa xôi, hẻo lánh để gạ gẫm những đôi vợ chồng nghèo đói, khó khăn bán con từ trong bào thai. Chắc chắn họ cũng phải bị xử lý nếu định tội được việc cha mẹ bán con từ trong bào thai.
 
Về tình cảm và đạo lý - việc bán con từ trong bào thai ở Trung Quốc là việc rất tệ. Ấy thế nhưng không phải không có ý kiến “bào chữa” cho hành vi này đâu nhé! Có người bảo: “Việc này rất tệ nhưng chắc không tệ hơn việc sinh con ra rồi bỏ nơi cửa chùa, bỏ dọc đường, thậm chí giết và ném vào bãi rác…”. Cuộc sống thế đấy, khi con người khó khăn, túng quẫn, họ có thể làm những việc trái pháp luật đã đành, còn trái cả luân thường, đạo lý.
 
Việc của chính quyền, của xã hội là cố gắng không để con người lâm vào hoàn cảnh túng quẫn.
 
 Ai cũng thấy chuyện phụ nữ Việt Nam mang thai rồi sang Trung Quốc sinh con và bán ở bên ấy là chuyện rất lớn, vừa đau đớn, vừa có điều gì đấy tủi hổ, nhục nhã, nhưng giải quyết thế nào thì chúng ta lúng túng.
 

Nguyên Hồ/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

6 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...