THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 04:16

Băn khoăn việc học online... kéo dài

05/10/2021 | 09:55
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh và sinh viên phải chuyển sang hình thức học trực tuyến qua mạng Internet (học online). Đây là nỗ lực để khắc phục khó khăn trước mắt, nhưng liệu học online có mang lại hiệu quả và những người trong cuộc cảm nhận ra sao về tính bền vững của nó?
Mỗi buổi học là một công trình bởi nỗ lực từ người dạy lẫn người học là không hề nhỏ.

Mỗi buổi học là một công trình bởi nỗ lực từ người dạy lẫn người học là không hề nhỏ.

Mỗi buổi học là một công trình

Dựa vào các tiến bộ công nghệ, chúng ta có thể học tập tại nhà thay vì đến trường lớp. Một buổi dạy học online được coi là thành công khi người dạy kiểm soát và làm chủ được nội dung, thời lượng buổi học cùng các thiết bị hỗ trợ. Còn đối với người học, thì lĩnh hội được kiến thức căn bản, không bỏ ngang giờ học và biết sử dụng các thiết bị hỗ trợ thì được coi là hiệu quả.

Tưởng chừng đơn giản, song để đạt được ngần ấy tiêu chí, thì nỗ lực từ cả người dạy lẫn người học là không hề nhỏ.

Trước các buổi học online, giáo viên cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để soạn giáo án và các hoạt động bổ trợ nhằm tạo hứng thú cho việc học. Bước vào buổi học, thì sức lực thậm chí còn phải nhân hai, nhân ba để ngoài giảng bài, giáo viên còn giải quyết các sự cố phát sinh, kiểm soát trật tự lớp học và kịp thời quan tâm nhắc nhở học viên trong lớp - với không ít cá nhân vốn thừa năng lượng nhưng thiếu ý thức tự giác.

Ở phía người học, trước hết cần phải có các thiết bị có kết nối internet và phải biết sử dụng thiết bị. Đồng thời, người học phải thật chăm chú, quan sát, lắng nghe giáo viên một cách liên tục (điều mà học sinh tiểu học thường cảm thấy khó khăn, còn với những học sinh, sinh viên hiếu động thì thật khó chịu). Rồi trong cả buổi học, các em còn có nhu cầu riêng (đi uống nước, đi vệ sinh,…). Những em lớp 1, lớp 2 thì hầu như cha mẹ phải ở nhà kèm cặp. Lớn hơn chút thì cha mẹ đỡ vất hơn vì con đã quen với nề nếp. Tuy vậy, người lớn vẫn cần phải ở nhà để giám sát, giúp đỡ cho con khi mạng bị rớt, hoặc con không vào được zoom, bài làm xong không biết cách chụp ảnh để gửi cho thầy cô…

Khi được hỏi con/em cảm nhận thế nào về việc học online? Những câu trả lời sau đây từ các bạn nhỏ khiến cho người lớn bật cười lẫn băn khoăn: Bạn Đ.A (11 tuổi): “Con thường ngủ quên giờ nên nghỉ học online luôn. Hôm nào học mà đói trong lúc cô giảng, con tranh thủ xuống bếp nấu mì ăn nữa”. Bạn Q (15 tuổi): “Em thấy học online cô giảng thì nhanh, còn các bạn trong lớp thì nhao nhao lên không nghe thấy gì cả”. Bạn B. L (16 tuổi):“Em không thích bật cam (camera) trong lúc học, các bạn em cũng thế. Có những hôm học, gần cuối buổi thì các bạn thoát ra gần hết, có hôm thì chỉ có 3-4 bạn chăm chỉ là còn ngồi đến hết giờ”.

Những câu trả lời trên cho thấy, học online chắc chắn rằng chưa đem lại cho trẻ kiến thức như ta mong muốn.

Các thiết bị công nghệ và kỹ năng sử dụng đóng vai trò quan trọng trong việc học online.

Các thiết bị công nghệ và kỹ năng sử dụng đóng vai trò quan trọng trong việc học online.

Điều kiện để học online

Học online là xu thế tất yếu của xã hội phát triển dựa vào công nghệ, nhưng điều ấy không có nghĩa là hình thức học này hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Để học online hiệu quả thì các thiết bị công nghệ và kỹ năng sử dụng các thiết bị này đóng vai trò rất quan trọng. Điều này không hề dễ dàng, bởi ngày nay hầu hết các gia đình đều có máy tính, điện thoại thông minh nhưng chúng hiếm khi được sử dụng cho mục đích học tập.

Thiết bị công nghệ thường được coi như phương tiện liên lạc và giải trí. Trẻ em cũng quen với việc được chơi trò chơi, xem video ở các thiết bị này nên thật khó để các em chú tâm học trong khi chiếc điện thoại, máy tính thật hấp dẫn đang ở ngay trước mặt. Ngoài ra, cha mẹ các em cũng không thể khắc phục được các sự cố kỹ thuật từ các thiết bị này (vì không phải ai cũng biết công nghệ), thậm chí thay vì ở bên cạnh để giúp đỡ con, họ còn trở thành tác nhân khiến con xao lãng khi bình phẩm về bài giảng của giáo viên.

Như vậy, nếu muốn bước vào buổi học online một cách tự tin, thì chúng ta cần các thiết bị máy tính đạt tiêu chuẩn, phần mềm tốt, hệ thống camera và micro rõ nét, đường truyền mạng internet ổn định, kỹ năng thành thục của người học cùng một góc học tập yên tĩnh, đủ ánh sáng.

Thầy và trò đều phải thạo công nghệ

Tiếp theo là vai trò của người dạy học online. Bởi học online cần người thầy thành thạo các kỹ năng công nghệ bên cạnh việc nắm vững các kiến thức chuyên môn phục vụ cho việc giảng dạy. Có hiểu biết và làm chủ công nghệ thì mới có thể thực sự truyền thụ được tri thức và làm chủ được lớp học online, để buổi học thêm sinh động, hấp dẫn thay vì việc đơn thuần chỉ đọc - chép suốt buổi học. Tuy nhiên, giáo viên cũng phải duy trì trạng thái cân bằng để không sa đà vào các màn trình diễn ứng dụng, trò chơi mà quên đi mục đích chính của buổi học.

Sự cố gắng, nỗ lực từ các thầy cô là đáng khen ngợi, khích lệ nhưng rõ ràng mỗi con người đều có giới hạn của riêng mình trong việc tiếp thu kiến thức mới (với các thầy cô giáo ở những khu vực vùng sâu, vùng xa hay các giáo viên đứng tuổi thì khó khăn lại càng nhiều hơn). Việc phải dành hàng giờ trước các màn hình to, nhỏ để soạn bài, giảng bài, chấm bài, tương tác với phụ huynh, học sinh có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất, tinh thần các thầy cô. Điển hình như gần đây có chuyện cô giáo dạy văn mắng học sinh là “quái thai tâm hồn" khi dạy online, hay giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp vì không kềm chế được tức giận… phần nào cho thấy áp lực mà đội ngũ giáo viên phải đương đầu với hình thức dạy online là không hề nhỏ.

Việc học online rất cần ý thức chủ động và tự giác nơi người học. Với khoảng thời gian tiết học ngắn và tương tác bị hạn chế, người dạy khó có thể “vừa dạy vừa dỗ” như trên lớp. Nếu người học thụ động, thì học online dễ trở thành tẻ nhạt, học viên dễ chán rồi quậy phá, tắt camera và micro để làm việc riêng, vào học muộn, trốn học v.v… Nếu người học chưa có sự chủ động và thói quen tự giác, thì học online càng làm tăng thêm tính khiên cưỡng, đối phó trong quá trình học tập.

Phụ huynh và học sinh đều mong muốn được quay trở lại trường học.

Phụ huynh và học sinh đều mong muốn được quay trở lại trường học.

Chất lượng học có đảm bảo?

Mặc dù hiện nay việc học online vẫn đang được duy trì, nhưng phụ huynh và học sinh đều mong muốn các con được đến trường trở lại.

Gần hai năm qua, trẻ em phải học online đã cho thấy tính hiệu quả đã được chứng minh ở một số nhóm học sinh, sinh viên có ý thức tốt, chủ động và tự giác trong học tập. Nhưng tính hiệu quả của việc áp dụng hình thức học tập online cho đa số học sinh, sinh viên thì vẫn là một câu hỏi để ngỏ. 

Nguyễn Phú Hoàng Nam
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Hoàn thành phủ sóng Internet tại 283 điểm phục vụ giảng dạy và học trực tuyến

Hoàn thành phủ sóng Internet tại 283 điểm phục vụ giảng dạy và học trực tuyến

2 năm trước

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 12-30/9, các tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, VNPT, Mobifone đã rà soát và hoàn thành việc cung cấp mạng Internet...
Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước với trẻ em, học sinh

Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước với trẻ em, học sinh

2 năm trước

Ngày 23/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng,...
Vĩnh Long phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Vĩnh Long phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"

2 năm trước

Trên 3,1 tỷ đồng và 1.039 máy tỉnh bảng đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ trong Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" của tỉnh Vĩnh Long.
Phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025

Phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025

2 năm trước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10 phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Đối tượng thụ hưởng là học sinh đang...