CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 11:44

Bán sức lao động giá rẻ

16/11/2017 | 11:03
 
Lao động tự do thường làm việc nặng nhọc nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Ảnh minh họa
 
Hết sức là hết tiền
 
Vợ chồng Hùng quê Phú Thọ, học hết cấp 3, không đi học tiếp, họ xuống Hà Nội làm thuê. Hùng làm bốc vác ở chợ Long Biên, vợ nhận giao hàng ở cảng Hà Nội. 5 năm nay, bằng sức trẻ, khỏe ở cái tuổi bẻ gẫy sừng trâu, họ ra sức làm việc, cực kỳ chăm chỉ: sáng chồng dậy từ 2-3h, vợ 4h dậy đi làm đến 8-9 giờ sáng về cho con đi trẻ, rồi lại ra cảng. Từ những nam thanh, nữ tú hiền lành, chân chất, họ dần trở nên chao chát, đanh đá và hay nói bậy, chửi đổng. “Chị đừng cười bọn em nhé, môi trường làm việc “bến bãi” đã biến chúng em thành như vậy”, vợ Hùng cười khi thấy tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện giữa họ và bạn bè. 
 
Cuộc sống của gia đình Hùng gồm 3 người trong căn phòng trọ 10m2 san sát ở chân cầu Vĩnh Tuy cũng giống như rất nhiều gia đình trẻ hay những công nhân, những lao động tha hương độc thân: đó là chuỗi ngày đằng đẵng vật lộn với cơm áo gạo tiền, không mở rộng quan hệ, tương lai không biết ra sao. Họ chấp nhận “bán” sức lao động với mức giá rất rẻ. Hùng tâm sự: Ở quê giờ ít việc lắm, người làng đi tha hương hết, thanh niên nếu không đi học nghề, học đại học thì chỉ có đi làm thuê. Còn sức còn làm được, mấy năm nữa yếu là chịu chị ạ. Thông thường, những người “bốc vác, chạy xe” như bọn em chỉ trụ được với “nghề” 7-10 năm. Sau đó ai cũng bị đau lưng, sức khỏe suy giảm… Hôm nào ốm, nghỉ, hay có việc về quê là hôm đó không có tiền. 
 
Vợ Hùng tính, thu nhập của hai vợ chồng ngót nghét chục triệu, nhưng tiền thuê nhà, tiền ăn uống, nuôi con, mỗi tháng họ để dư ra được 1-2 triệu. Nếu có việc phải về quê đôi ba lần coi như chẳng có gì. Chưa kể con ốm, đau thì tiền tiết kiệm hàng tháng có khi phải dùng hết. 
 
Năm nay, con trai họ vào lớp 1, vợ chồng Hùng tính kỹ rồi, hai mẹ con sẽ về quê, dùng số vốn ít ỏi để chăn nuôi, trồng trọt, để có điều kiện lo cho con học hành. Hùng ở Hà Nội một mình, sẽ bớt các khoản chi vì thuê nhà chung với bạn, bớt tiền ăn uống… “Có khi tiết kiệm được nhiều hơn”, họ hi vọng. Nhưng họ cũng nhận ra sự thật cay đắng của cuộc sống bấp bênh hiện tại, với kiểu sống và làm việc thế này thì hết sức là… hết tiền. 
 
 
Chạy xe Grap là lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh kiếm việc làm khó khăn hiện nay. Ảnh minh họa
 
Những nỗi sợ hãi không tên
 
Ở xóm công nhân bên kia cầu Thăng Long, không ít vợ chồng trẻ, sau khi sinh con phải gửi về quê cho ông bà, còn mình thì liên tục tăng ca, cố gắng tiết kiệm từng đồng lương công nhân để có một tương lai mơ hồ. Theo họ, cho con ở với ông bà là là cách tốt nhất cho con, còn hơn gửi chúng cho những cơ sở giữ trẻ tự phát, với rất nhiều những vụ bạo hành bị phanh phui. Hay để chúng tha thẩn chơi một mình trong khi bố mẹ tăng ca hàng đêm. 
 
Tôi có hai đứa bạn làm công nhân ở Hải Dương, bọn chúng khiến tôi sốc khi quyết định triệt sản khi chưa có đứa con nào cả. Tụi nó kể: Đời mình đã nghèo khổ làm trâu ngựa đã đủ đau khổ lắm rồi. Không thể để đau khổ giáng xuống đời con cái mình được, không thể để cho chúng nó lại tiếp tục làm trâu ngựa như mình. Nghe mà nhói tim, thắt ruột nhưng không biết phải làm sao?!
 
Rồi còn rất nhiều thanh niên, học dở dang cũng có, tốt nghiệp đại học, cao đẳng cũng có, ngày đêm miệt mài ôm điện thoại chạy xe Grap, Uber với thu nhập trước mắt đủ sống, nhưng chẳng biết tương lai sau này ra sao… 
 
Buồn một nỗi, câu chuyện của vợ chồng Hùng hay của những người công nhân nói trên không phải là cá biệt. Mới đây, Tổng cục Thống kê đã đưa ra một báo cáo chính thức về lao động phi chính thức tại Việt Nam. Đó là những lao động không được đáp ứng quyền lợi theo các thỏa ước chính thức - có hợp đồng lao động và được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Một điều kiện để đảm bảo việc họ được pháp luật bảo vệ, và cái còn lại mang đến cho họ quyền lợi khi gặp tai nạn lao động, ốm đau, hay được nhận hưu trí về già. Con số này ở nước ta lên đến hơn 18 triệu người, tương đương 57,2% số lao động có việc làm trên cả nước. 
 
Theo các chuyên gia về lao động, tỷ lệ phi chính thức cao hàm chứa một môi trường làm việc rất bấp bênh cho cho người lao động. Mức độ cạnh tranh cao khiến có được việc làm chính thức trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng khiến người lao động xuề xòa cho qua khi quyền lợi của mình không được tôn trọng. 
 
Những thanh niên, nếu còn “sức dài vai rộng” thì cuộc sống vẫn còn tự xoay sở được khi tìm kiếm những công việc tạm bợ để mưu sinh. Câu chuyện không thể dừng tại đó, cái mà chúng ta cần là một nỗ lực nghiêm túc nhằm làm giảm tình trạng bấp bênh của lao động giản đơn, hay tìm cách để giúp họ có được việc làm bền vững, chứ không phải “hết sức là hết tiền”. 

Châu Anh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...