THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 11:02

Báo chí có vai trò truyền thông quan trọng về chính sách BHXH, BHYT

18/06/2018 | 11:15
 
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.
 
Xin ông cho biết, thời gian qua, báo chí đã khai thác đề tài bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong các tác phẩm như thế nào và đã tạo được hiệu ứng ra sao trong việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức, thực hiện tốt hai chính sách được đánh giá là trụ cột chính của an sinh xã hội (ASXH) này?
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong hệ thống ASXH, BHXH, BHYT là trụ cột chính, khẳng định sự chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BHXH, BHYT ngày càng quan trọng trong việc góp phần bảo đảm công bằng xã hội và phát triển xã hội một cách bền vững. 
 
Trong những năm qua, BHXH, BHYT, BHTN luôn là nguồn đề tài phong phú, đa dạng để báo chí khai thác và sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết, chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH, BHYT nói chung, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách ASXH.
 
Từ quan sát của một nhà quản lý, xin ông cho biết những nội dung trọng tâm nào về BHXH, BHYT đã được báo chí tập trung phản ánh thời gian qua?
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong những năm qua, mối quan hệ giữa những người làm báo và người làm công tác BHXH, BHYT ngày càng trở nên mật thiết, gắn bó hơn bao giờ hết. Thông qua các cơ quan báo chí, công tác truyền thông về BHXH, BHYT được tiến hành mạnh mẽ với độ bao phủ rộng khắp, tần suất tăng. Hình thức truyền thông được thể hiện phong phú, nội dung bảo đảm trọng tâm, trọng điểm về những điểm mới của Luật BHXH, BHYT, dự báo tác động quyền lợi, tâm lý của người lao động, người sử dụng lao động. Hội Nhà báo Việt Nam, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHXH, BHYT; cổ vũ, động viên nhân dân và người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân. Mặt khác, báo chí cũng tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, đóng góp quan trọng cho hệ thống BHXH, BHYT vận hành một cách minh bạch, rõ ràng. Báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin BHXH, BHYT nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Trên thực tế, người dân biết thông tin về BHXH, BHYT nhiều nhất qua báo chí. Bên cạnh đó, những góc khuất, vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội cũng được báo chí kịp thời phản ánh. 
Bên cạnh những đóng góp tích cực, vẫn còn có một số thông tin chưa thật sự chính xác, khách quan, dẫn đến phản tác dụng truyền thông, thậm chí là ảnh hưởng đến chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, xu hướng truyền thông đa phương tiện và hội tụ đã đặt ra những thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông về BHXH, BHYT. Một số tin, bài phản ánh trên báo chí thời gian qua chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt, khiến một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH, BHYT.
 
Hiện nay, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo hệ thống ASXH bền vững, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân là rất quan trọng. Trên thực tế, không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia BHXH, BHYT, bởi họ chưa thực sự hiểu sâu sắc ý nghĩa, vai trò của hai chính sách này. Thông tin về BHXH, BHYT đã được đăng tải trên tất cả các loại hình báo chí với nhiều hình thức thể hiện khác nhau, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
 
Thực tế trên đòi hỏi công tác truyền thông về BHXH, BHYT cần phải được đổi mới, sáng tạo hiệu quả, nhằm đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về BHXH, BHYT cho từng đối tượng khác nhau. Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về ASXH để có một góc nhìn sâu sắc, đánh giá sắc sảo và sự phân tích chính xác về vai trò của BHXH, BHYT với sự phát triển của đất nước. Các cơ quan báo chí và nhà báo cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi chính sách về BHXH, BHYT, xây dựng và mở rộng các kênh tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng báo chí về lĩnh vực BHXH, BHYT.
 
 
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ trao giải Giải Báo chí quốc gia về BHXH, BHYT. 
 
Là tổ chức quản lý nghề nghiệp đối với các nhà báo, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có những định hướng chỉ đạo như thế nào để báo chí tiếp tục phát huy những hiệu quả tích cực và hạn chế những tồn tại, thưa ông? 
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam luôn ý thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác truyền thông về lĩnh vực BHXH, BHYT. Do đó, luôn có những lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông, làm chuyển biến nhận thức của toàn dân đối với hệ thống chính sách BHXH, BHYT, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước. 
 
Từ thực tiễn thời gian qua, một số nội dung trọng tâm cần được các cơ quan báo chí tập trung trong thời gian tới:
 
Một là, khẳng định vai trò quan trọng của BHXH, BHYT, BHTN với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 
 
Hai là, tích cực trao đổi, cập nhật thông tin về BHXH, BHYT để có thêm những tư liệu, kiến thức về lĩnh vực này, từ đó sáng tạo các tác phẩm có hiệu ứng xã hội cao, đồng thời phân tích chỉ rõ một số bất cập, sai sót thường gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại của việc thông tin sai sự thật, thiếu khách quan. 
 
Ba là, Bộ Luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, trong đó lần đầu tiên quy định hình sự hóa với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN. Do đó, thời gian tới, các cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo, phóng viên phụ trách lĩnh vực này cần tích cực truyền thông sâu rộng những nội dung đó, giảm thiểu tỷ lệ trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp.
 
Bốn là, các phóng viên, nhà báo cần đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; không ngừng nâng cao chất lượng thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống ASXH; khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT. 
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Phan Nam (Thực hiện)/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

6 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...