CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 11:23

Bình đẳng giới: Việc lớn hơn chúng ta tưởng!

15/11/2017 | 07:09

 


 Ngày nay, khoa học đã chứng minh phụ nữ có năng lực trí tuệ ngang bằng với nam giới. Ảnh minh họa
 
Chúng ta đã nỗ lực, đã làm được rất nhiều
 
Bình đẳng giới (BĐG) là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam, do vậy, chúng ta đã có những nỗ lực lớn và đã đạt được một số thành tựu to lớn. Việt Nam đã xây dựng và ban hành văn bản pháp quy (trong đó có Luật BĐG); có cơ quan quản lý nhà nước (Vụ BĐG thuộc Bộ LĐTBXH) về BĐG. Điều này thể hiện nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc thực hiện BĐG đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chế độ xã hội dân chủ, văn minh. Việt Nam đã đưa ra mục tiêu chiến lược quốc gia: Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
 
Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua; đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN); là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số BĐG thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, phụ nữ; tỷ lệ biết chữ của nữ giới so với nam giới gần như ngang nhau ở mức trên 95%.
 
Phụ nữ Việt Nam ngày nay đã có một vị thế mới, đã bình đẳng như nam giới trong nhiều lĩnh vực; họ có thể tự do làm nhiều điều mình muốn. Phụ nữ Việt Nam bây giờ sướng hơn, hạnh phúc hơn; họ có thể ăn mặc đẹp, đi làm ở công sở, thậm chí làm lãnh đạo; một năm, họ có hai lần được tôn vinh là ngày 8/3, 20/10. Những điều này là có thật, ai cũng có thể chứng kiến. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi: “Chúng ta đã hài lòng với việc thực hiện BĐG ở Việt Nam chưa?”, chắc chắn nhiều người trả lời: “Chưa”.
 


Trao quyền cho phụ nữ là một cách thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả. Ảnh minh họa
 
Vẫn còn rất nhiều việc phải làm
 
Những thành quả trong việc thực hiện BĐG ở Việt Nam là không thể phủ nhận nhưng chưa thể nói chúng ta đã đạt được mục tiêu BĐG thực sự. Hãy nhìn sâu vào từng gia đình, nhìn rộng ra cả nước, chúng ta sẽ thấy bức tranh BĐG còn nhiều mảng màu tối. Ai dám nói phụ nữ đã thực sự bình đẳng với nam giới trong gia đình, nơi công sở, trong hoạt động kinh doanh, hoạt động chính trị? 
 
Có bao nhiêu ông chồng sau giờ việc là vội vã đi đón con, ra chợ, về nhà chuẩn bị bữa tối? Chưa ai làm điều tra xã hội học về vấn đề này, nhưng bằng trực quan và trực giác, tôi đoán không quá 20%. Như vậy, chúng ta chưa hoàn toàn có bình đẳng giới trong đời sống gia đình.
 
Còn tình hình ở các cơ quan quyền lực cao nhất thì thế nào? Cả nước có 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; số nữ đại biểu Quốc hội là 133 người, đạt tỷ lệ 26,80%. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII, gồm 200 đồng chí, trong đó 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Có 20/200 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII là nữ, chiếm tỉ lệ 10%. Còn ở bộ, ngành, các cấp địa phương và cấp cơ sở, tỷ lệ nữ trong các cơ quan quyền lực còn thấp hơn. 
 
Câu hỏi đặt ra là: “Phụ nữ chiếm trên 50% dân số, tại sao họ lại chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn trong các cơ quan quyền lực như vậy?”. Nếu không thẳng thắn, câu hỏi này không dễ trả lời. Còn nếu thẳng thắn, có thể trả lời ngắn gọn, đơn giản, chính xác: “Vì tư tưởng trọng nam, khi nữ vẫn ăn sâu trong đầu chúng ta”.
 
Dù chúng ta đã được tuyên truyền, dù chúng ta đã nhận thức được rằng, về khả năng trí tuệ, nữ không kém gì nam giới, nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn ăn sâu trong tiềm thức người Việt Nam (cả nam lẫn nữ) nên khi cần lựa chọn, chúng ta vẫn “ưu tiên” nam giới hơn. Đây không chỉ là thói quen, mà là một “căn bệnh” truyền nhiễm từ thế hệ này qua thế hệ khác.
 
Dứt khoát “căn bệnh” này cần phải chữa trị! Vì như chúng ta đã khẳng định: BĐG là tiêu chí quan trọng của xã hội dân chủ, văn minh. Hơn thế nữa, BĐG bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Như vậy, BĐG có ý nghĩa to lớn hơn những gì chúng ta nói, chúng ta đã nghĩ, chúng ta đã làm. Có thể nói: BĐG là tương lai của nhân loại. 
 
Để có BĐG thực sự, chúng ta phải bắt đầu từ những suy nghĩ mới mẻ.
 
Làm thế nào để có cách suy nghĩ mới mẻ về BĐG?
 
Phải thấy chúng ta mắc lỗi ngay trong cách tuyên truyền về thực hiện BĐG, trong cách tôn vinh phụ nữ. Hầu như trong mọi tài liệu tuyên truyền, chúng ta đều nhấn mạnh là nhờ có chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phụ nữ đã được học hành, được tham gia hoạt động xã hội, được bình đẳng với nam giới. Thoạt nghe thì điều này rất hợp logic nhưng nó sai về cơ bản. Cần phải nói thế này mới đúng: Đó là những quyền lợi chính đáng của phụ nữ - chúng đã bị tước đoạt trong quá khứ, bây giờ phụ nữ lấy lại được.
 
Nói như thế để thấy cách tuyên truyền về BĐG ở Việt Nam khác với tuyên truyền BĐG trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới đang phát triển phong trào nữ quyền. Chúng ta phải hiểu đúng và ủng hộ phong trào này. Đây là phong trào chính trị - xã hội rộng lớn, nhằm khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cá nhân. 
 
Về mặt lý luận, các nhà khoa học phải làm rõ nguyên nhân của bất bình đẳng giới. Về mặt sinh học, người ta đã chỉ ra là nữ không hề thua nam về mặt trí tuệ. Vấn đề còn lại ở đây là sự khác biệt về giới tính, thiên chức làm vợ, làm mẹ ảnh hưởng như thế nào trong đời sống. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu khai thác sâu những khác biệt này. Và như vậy, vô hình chung củng cố cơ sở bất bình đẳng giới. Ví dụ, họ nhấn mạnh những phẩm chất vượt trội của phụ nữ Việt Nam trong “công, dung, ngôn, hạnh”, nghĩa là đề cao quan niệm truyền thống về phụ nữ. Như vậy là cố tình “nhốt” phụ nữ trong những chiếc “lồng”, cho dù đây là những chiếc “lồng son tuyệt đẹp”.
 
Cần phải có những công trình nghiên cứu hướng đến việc khuyến khích phụ nữ sống độc lập, sáng tạo, tự tin, không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Trên cơ sở đấy, chúng ta thay đổi cách tuyên truyền, cách tôn vinh phụ nữ.


 
 Hình ảnh bên lề Hội nghị Đối tác chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế 27/9/2017 tại Việt Nam. Ảnh: KT 
                                                    
Đây là một gợi ý hay

Hiện nay, các nước Bắc Âu là Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch… là những quốc gia được xem là thực hiện BĐG thành công nhất. Đây cũng chính là nơi người dân có cuộc sống yên bình và hạnh phúc nhất.

Câu chuyện BĐG được thực hiện thành công ở khu vực này gắn liền với tên tuổi Henrik Ibsen (1828-1906) - Nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy. Vở kịch “Ngôi nhà búp bê” của ông được xem là Tuyên ngôn về BĐG.

Nora là tên nhân vật chính trong “Ngôi nhà búp bê”. Cô có chồng là luật sư, sau thăng chức giám đốc ngân hàng. Họ có ba con, Nora ở nhà nội trợ. Tám năm sinh sống của họ được coi là hạnh phúc dù Nora có một bí mật lớn: Để cứu chồng khỏi bệnh hiểm nghèo, cô đã giả mạo chữ ký của cha vay số tiền lớn khi mà cha cô chết trước đó vài ngày - không biết như thế là phạm pháp.

Để trả dần món nợ, hàng ngày, Nora bớt xén chi tiêu, nhưng rồi chuyện vẫn vỡ lở. Hành động cao thượng của Nora - đáng được ca ngợi, đáng phải được chồng biết ơn nhưng lại dẫn đến bi kịch: chồng kết án cô mạo phạm, dối trá. Nora cảm thấy bất công nên quyết định ra đi để “tự giáo dục mình”, tìm tự do, tìm giá trị thực của đời mình, không dựa dẫm vào ai hết. Khi chồng cô hét lên: “Cô phải có trách nhiệm với chồng, với con”; Nora bình tĩnh trả lời: “Trách nhiệm cao nhất là với bản thân”.

Việt Nam chúng ta có thể xem nhân vật Nora, sự thịnh vượng, yên bình của Bắc Âu ngày nay là một gợi ý hay trong việc thực hiện BĐG. Hơn một thế kỷ trước, Nhà viết kịch Ibsen đã sáng tạo nên nhân vật Nora và gửi gắm vào đây tư tưởng BĐG của mình. Để thực sự có bình đẳng, đừng bắt con người hi sinh vì những thứ được gọi là trách nhiệm.

                                                      Đàm Trọng
 

 

 

Hồ Bất Khuất/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...