THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 01:58

Bỏng - Hiểm họa khôn lường với trẻ em

26/11/2021 | 16:37
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà của trẻ và là nguyên nhân gây tử vong, thương tích nghiêm trọng thứ hai ở trẻ. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em, thường gặp nhất ở độ tuổi từ 1 - 6 tuổi. Đã đến lúc việc phòng chống bỏng nói riêng và tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung, phải trở thành mối quan tâm của tất cả các gia đình và toàn xã hội.
Cần để tác nhân gây bỏng ở những chỗ trẻ không với tới được và dạy trẻ không được lại gần phích nước sôi.

Cần để tác nhân gây bỏng ở những chỗ trẻ không với tới được và dạy trẻ không được lại gần phích nước sôi.

Những tai nạn thương tâm

Tai nạn bỏng thường xảy ra khắp nơi và rất bất ngờ và bỏng lửa và bỏng nước sôi chiếm đa số. Cháu Trần Thành C ở Hà Nội, trong khi đang ngồi xem mẹ nướng mực, thì bị lửa bắt vào người gây bỏng tới 60% diện tích cơ thể ở mức độ 2-3. Cháu Thanh U (3 tuổi) ở Phú Thọ bị bỏng nước sôi, khi va vào người lớn đang bê nồi nước từ bếp lên. Cháu Nguyễn Ngọc L ở Hà Nội, chạy xuống bếp chơi và bị nồi canh xương đang ninh trên bếp lật vào người, làm tuột da từ mông xuống chân.

Trẻ bị bỏng do nghịch lửa cũng là một nguyên nhân. Tháng 11/2020, Khoa Ngoại - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã tiếp nhận đều trị cho cháu Lương Gia H, bị bỏng độ 2 vùng mặt do nghịch bật lửa gas tại nhà, vào viện khi sốt, sưng nề vùng mặt và có thể bị nhiễm trùng.

Ngoài bỏng lửa và nước sôi, trẻ còn bị bỏng do điện. Cháu Nguyễn Văn Q (15 tuổi) ở Thái Nguyên, thả diều bị mắc trên đường điện cao thế. Cháu trèo lên gỡ đã bị bỏng rất sâu ở đầu, gáy và hai chân, có nguy cơ tổn thương đốt sống cổ. Cũng do gỡ dây diều, cháu Vũ T (15 tuổi) ở Sơn La đã bị bỏng đến 1/4 diện tích cơ thể, trong đó nhiều chỗ bỏng rất sâu.

Cũng có nhiều gia đình bất cẩn củi lửa, hoặc thắp nến khi mất điện đã dẫn tới bị cháy nhà, khi ngọn lửa lan rộng đã có những cháu cháu bé bị bỏng nặng và có em bị tử vong khi không được cấp cứu kịp thời.

Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm với trẻ em, bởi sức đề kháng của trẻ còn kém dễ bị bội nhiễm, gây đau đớn và việc chữa chạy phức tạp lâu dài tốn kém , còn để lại hậu quả nặng nề cho trẻ về thẩm mỹ và tâm sinh lý. Có trẻ do bỏng đã bị tàn phế, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt ảnh hưởng tới cuộc sống tương lai.

Khi cho trẻ ăn, phải chú ý để trẻ khỏi bị bỏng. Ảnh mang tính minh họa.

Khi cho trẻ ăn, phải chú ý để trẻ khỏi bị bỏng. Ảnh mang tính minh họa.

Nguyên nhân và loại hình gây bỏng ở trẻ em

Trẻ em dễ bị bỏng, vì bản tính các em hiếu động tò mò hay nghịch dại, mà thiếu sự giám sát của người lớn. Nhiều trường hợp trẻ em bị bỏng, là do sự bất cẩn và vô ý của người lớn, khi đun nấu, sử dụng điện, hoặc các chất gây cháy. Tuy nhiên, ở một số gia đình cha mẹ mải lo kinh tế, hoặc sơ ý, tác trách ít có thời gian quan tâm đến trẻ thì nguy cơ xảy ra tai nạn bỏng sẽ cao hơn. Trẻ có thể bị bỏng trong các loại hình như:

- Bỏng do nhiệt ướt: Do ngã vào nước sôi, nồi canh hoặc nồi cám lợn sôi…đây là nguyên nhân chủ yếu. Tai nạn thường xảy ra khi phích nước sôi, đồ ăn nóng để ở trong tầm với hoặc lối đi của trẻ. Bỏng còn xảy ra khi trẻ nấu ăn giúp bố mẹ. Trẻ bị bỏng thực quản và miệng do đồ ăn, uống nóng

- Bỏng do hoá chất: Do vôi cũng là một tai nạn trẻ em nông thôn hay bị do các cháu chơ đùa cạnh hố vôi mới tôi, bị vôi bắn vào mắt hay ngã xuống hố vôi. Bỏng do trẻ sử dụng nhầm a xít và các loại bỏng này cũng để lại cho nạn nhân những di chứng nặng nề như bị mù loà, bị huỷ hoại phải cắt cụt chi, hay nhiễm trùng máu dẫn tới tử vong.

- Bỏng do nhiệt khô: Bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi nóng của lò nung… Thường do người lớn không chú ý, hoặc trẻ nướng mực, nghịch ngợm đốt lửa sưởi, đốt rơm rạ, đánh đổ dầu, xăng gây bắt lửa… dẫn tới bỏng.

- Bỏng do sét đánh, điện giật: Do trẻ nghịch điện, hoặc do bị sét đánh khi trú mưa. Trẻ thường bị bỏng rất nặng gây chết người hoặc ngừng thở, ngừng tim.

Phòng tránh bỏng ở trẻ em và cách xử trí khi trẻ bị bỏng

Để phòng tránh bỏng, các bậc cha mẹ và người lớn cũng cần hết sức thận trọng với các tác nhân có thể gây bỏng cho trẻ, đặc biệt là trong mùa hè. Người lớn phải lưu ý dặn con cái thật kĩ về những nguy cơ, những việc không được làm như: Không được đùa nghịch ở nơi đang nấu ăn, hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện, đường điện cao thế hay lại gần phích nước sôi, nghịch bếp điện, bếp ga, bật lửa…

Người lớn cần để xa những đồ ăn nóng, nước nóng, bàn là, xe máy vừa đi về, đồ điện gia dụng, phích nước sôi, hóa chất… trong tầm với của trẻ và chỗ trẻ nô đùa. Cha mẹ cần luôn để mắt đến con trong bất kì hoàn cảnh nào, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn bỏng cho trẻ.

Khi trẻ bị bỏng, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Việc sơ cứu bỏng ban đầu ở nhà, là một trong những yếu tố quan trọng để trẻ không bị bỏng sâu và tránh bội nhiễm, cần làm ngay các thao tác sau:

- Đầu tiên, làm mát vết thương bằng cách dội nước lạnh lên chỗ bị bỏng, hay ngâm chỗ bị bỏng vào chậu nước lanh, sau đó che phủ vết bỏng bằng vải sạch và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

- Có thể dùng thuốc dạng kem chữa bỏng hoặc thuốc xịt vết bỏng có tác dụng làm lạnh, giảm đau cho trẻ rồi đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được băng bó, chăm sóc vết thương đúng cách. Không nên để trẻ ở nhà và xịt nhiều lần vì có thể tạo thành lớp màng che vết bỏng và gây nhiễm trùng.

- Không được dùng nước mắm, kem đánh răng, lá đắp... bôi lên vết bỏng (nhất là vết bỏng đã bị vỡ), vì gây thêm đau đớn hoặc bị nhiễm trùng vết bỏng.

- Nếu trẻ bỏng nặng, cần được theo dõi, chữa trị ở cơ sở y tế, không đưa trẻ về nhà tự chữa, dễ nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Muốn giảm thiểu tai nạn bỏng, cần nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ. Đồng thời, phải thường xuyên tập huấn và nâng cao kĩ năng sơ cứu và điều trị bỏng (nhất là với trẻ em) cho cán bộ y tế cơ sở.

Bài và ảnh: Chi Lan
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Phú Thọ được quan tâm, chăm sóc

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Phú Thọ được quan tâm, chăm sóc

2 năm trước

Nhằm mang đến cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một cuộc sống ổn định cả về vật chất và tinh thần, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ rất quan tâm đến đối tượng trẻ em này. Các...
Quảng Bình: Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Quảng Bình: Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

2 năm trước

Trong thời gian qua, các chính sách, pháp luật, văn bản chỉ đạo thực hiện quyền trẻ em đã được các cấp, ngành của tỉnh Quảng Bình triển khai kịp thời, hiệu quả đến tận địa...
Hỗ trợ chống rét cho học sinh mầm non và bán trú tại Sa Pa

Hỗ trợ chống rét cho học sinh mầm non và bán trú tại Sa Pa

2 năm trước

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống rét cho học sinh trong mùa đông năm nay, phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa đang triển khai mua chăn, đệm, quạt sưởi điện cho học sinh mầm non, học sinh...
Tiệm cắt tóc “Không đồng” của học sinh Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang

Tiệm cắt tóc “Không đồng” của học sinh Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang

2 năm trước

Giữa những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Giang nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, trường PTDT nội trú THPT tỉnh vẫn duy trì 100% sĩ số học...