THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 10:24

Bữa cơm và quãng đường

31/10/2018 | 15:52
 
1. Nghĩ cũng lạ, ông hàng xóm của tôi, sau suốt mấy chục năm công tác, về nhà nghỉ hưu, lương cán bộ cấp cao, con gái đã lấy chồng, cậu con trai cũng yên bề, thành đạt cả vậy mà không hiểu sao luôn thấy ông buồn bã, bất an. Nhiều lần nghe ông ca thán, chuyện tuổi trẻ bây giờ, ông thấy lo lắng. Biết tôi là chỗ thân tình, thường sang trà nước chuyện trò cùng gia đình mình, một bữa vắng ông, bà thành thật bảo: Chuyện nhỏ thôi mà ông nhà tôi thấy mất mát. Hai vợ chồng cậu út  thường đi sớm về muộn, âu cũng là công việc và sở thích của chúng thôi. Nhiều bữa cơm tối, chúng thường ăn ở quán xá. Tủ lạnh chật căng đồ ăn chúng mua về bỏ đấy. Ông nhà tôi buồn từ những việc nhỏ thế thôi!
 
Rồi bà nhắc chuyện xưa như dĩ vãng đầy trắc ẩn lùi xa rồi: Gia đình tôi cũng như hầu hết các gia đình công chức, nhân viên ở thành phố, từ sáng sớm cả nhà đã chia nhau mỗi người mỗi ngả: đi làm, đi học… Đến chiều tối, cả nhà mới về đông đủ nếu không ai có việc đột xuất… Vì vậy, bữa cơm chiều thật sự là khoảng thời gian của gia đình, và vì gia đình. Quây quần quanh bàn ăn, mâm cơm không chỉ để ăn uống mà còn để giao tiếp, trao đổi, bày tỏ, thể hiện tình cảm, sự quan tâm… Bữa ăn chiều là “không gian cộng cảm” của gia đình. Bữa ăn đầy đủ các thành viên luôn là biểu tượng hạnh phúc. Gian bếp, phòng ăn ấm cúng còn thể hiện vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong việc bảo vệ và duy trì sinh hoạt gia đình, tăng cường sự gắn bó tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Ngày cuối tuần, gia đình bày vẽ thêm những món mới hay cầu kỳ hơn chút, vừa để đủ chất, vừa cho con gái “thực tập tay nghề” bếp núc. Bà ôn tồn nói: Phần tôi nghĩ đơn giản hơn, giá như các con về sớm hơn một chút, nghĩ đến cha mẹ thêm một chút, dành thời gian cho việc nhà hơn một chút, thấy việc mình có mặt ở nhà trước bữa cơm quan trọng ra sao, tất cả sẽ tạo nên một quãng thời gian nối dài tình yêu thương, vì người già dễ nhạy cảm. Xưa nay, nước mắt vốn chỉ chảy xuôi…
 

Ảnh minh họa.
 
Người già có thói quen đợi cuối ngày quây quần bên con cháu như đợi niềm vui duy nhất. Con cái vô tình, yên tâm rằng nhà mình không thiếu gì về vật chất, tủ thuốc cho cha mẹ thừa thãi cả sâm nhung, tủ lạnh chứa đồ ăn hàng tuần. Người già không chỉ riêng ở thành thị ngày nay luôn thấp thỏm, sợ bơ vơ, tù túng trong căn nhà luôn trống không, rộng rãi… Thực tế, trạng thái hạnh phúc ấm cúng luôn luôn gắn liền vào một biểu tượng. Ở câu chuyện của ông bà hàng xóm của tôi, biểu tượng hạnh phúc là nếp sống đoàn tụ trong bữa cơm chiều tối có từ truyền thống, ngay cả lúc khó khăn. Hạnh phúc, tình yêu luôn luôn tượng người mình yêu mến, những lời nói dịu dàng, những cử chỉ ân cần, sự có mặt đầy đủ. Duy trì biểu tượng ấy cho ông bà thấy cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc không ở đâu xa, nó nằm ngay giữa lòng người, giữa đời thường.
 
Tuổi trẻ vẫn có xu hướng ham vui, ham lạ, những vòng quay của công việc, những vui thú cá nhân đã thôn tính nhiều thời gian. Một mái nhà không chỉ là những khối bê tông kiên cố, ở đó cần có những ngọn bấc trái tim ấm cúng cháy mãi.


Ảnh minh họa
 
 2. Do công việc nên tôi thường đảm đương việc đón cô con gái út học mẫu giáo. Quãng đường từ nhà đến lớp gần một cây số. Một thời gian dài, tôi chọn xe máy đón con, như một công việc cần làm nhanh. Quãng đường ấy đi qua một vườn hoa, cái chợ cóc, vài dãy nhà cư dân…
 
Không ít lần, cháu reo vui muốn dừng xe, khi thấy điều gì đó quyến rũ, những gì chỉ ở trẻ thơ mới thấy, níu kéo ở quãng đường tan tầm chật chội. Tôi cũng vô tình như thế nhiều ngày dài, để đến một hôm, tôi quyết định thong dong đi bộ đón con. Tuyệt nhiên nó quên luôn chiếc xe máy vẫn đi đều đều mỗi chiều. Con muốn kéo tôi xuống đường, dừng lại ở ban công ngôi nhà có chùm hoa giấy, chôn chân ở cửa hàng kinh doanh cá cảnh, dán mắt vào quầy tạp hóa có những con búp bê, đồ chơi, mải ngắm những đèn trang trí quả bóng bay trong siêu thị nhỏ… Cái chợ cóc quả là một ngạc nhiên với đứa trẻ lên 5. Trong khung cảnh tất bật của người mua - bán, trẻ dành cho mình sự lặng lẽ để lạ lẫm với gánh rau xanh nhiều loại, đọc tên nhớ vần từng củ quả, được khoanh tay chào bà bán cá, bác bán cam... Thích nhất là qua khu vườn hoa nhỏ, những khóm hoa như đang trò chuyện, những con côn trùng trốn lủi, đường đột một cánh chuồn chuồn bay mát mát ánh nhìn… Con thấy trọn vẹn sau một hành trình từ trường về nhà, một hành trình được ở trong vòng tay, ánh mắt người thương yêu, cảm nhận xung quanh một cách sinh động, gần gũi.  
 
Vì sao người lớn cần thong dong thời gian với con cái, vì sao chúng ta thầm thì muốn nói rằng, bao nhiêu sự quan tâm với chúng là chưa đủ. Đứa trẻ được dành thời gian bằng yêu thương sẽ có giác quan để nhận ra những điều kỳ diệu không lời.
 
 Hạnh phúc, tình yêu luôn gắn với người mình yêu mến, những lời nói dịu dàng, những cử chỉ ân cần, sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Hạnh phúc không ở đâu xa, nó nằm ngay giữa lòng người, giữa đời thường.
 

Hồng Lĩnh/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...