THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 12:36

Bữa sáng - Bữa ăn quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện

16/10/2021 | 06:21
Một bữa sáng khoa học và đủ chất rất quan trọng, đặc biệt với trẻ em. Nếu không quan tâm đúng mức tới bữa sáng của trẻ từ khi còn nhỏ, cha mẹ khó có thể giúp con phát triển toàn diện.
Ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tập trung trong học tập. Ảnh Nguyễn Thảo

Ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tập trung trong học tập. Ảnh Nguyễn Thảo

Bữa sáng đặc biệt quan trọng với trẻ

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng cho cơ thể sau một đêm dài, giúp trẻ tăng trưởng tốt thể chất và trí tuệ. Bữa sáng cung cấp 20-30% tổng năng lượng hàng ngày cho trẻ. Trẻ em nên ăn sáng đều đặn 7 ngày trong tuần. Hầu hết trẻ em sẽ không nhận được đủ tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết nếu chỉ ăn bữa trưa và bữa tối.

Cha mẹ hãy giúp con hình thành thói quen ăn sáng lành mạnh từ khi còn nhỏ bằng cách chuẩn bị bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với lứa tuổi, sở thích; Gọi trẻ thức dậy sớm để đủ thời gian ăn sáng; Cả gia đình nên dùng bữa cùng nhau để làm gương, tránh để trẻ ăn một mình. Bố và mẹ cùng ngồi vào bàn ăn sáng thì trẻ chắc chắn không thể bỏ bữa sáng được.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em thường xuyên ăn sáng khả năng học hỏi tốt hơn so với các trẻ em không ăn sáng. Trẻ có ăn sáng sẽ vượt trội bạn học của chúng ở khả năng: Chú tâm, tập trung nghe thầy cô giảng bài trên lớp học; Trí nhớ tốt và phát biểu trôi chảy; Hành vi xã hội đúng mực; Gia tăng niềm vui và sự yêu thích đến trường và quan tâm nhiều đến việc học.

Một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng hàng ngày; duy trì cân nặng và chiều cao lý tưởng; có sức khỏe tốt, ít mắc bệnh.

Bữa sáng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần ăn nhẹ một thứ gì đó trong vòng 1 giờ sau khi thức dậy. Thành phần dinh dưỡng, cách chế biến bữa sáng cho trẻ cần phù hợp với lứa tuổi, sở thích.

Cha mẹ cần chủ động tổ chức bữa ăn sáng dinh dưỡng trong điều kiện thời gian cho phép. Thực đơn sáng của trẻ cần đầy đủ các nhóm thực phẩm quan trọng như nhóm ngũ cốc; nhóm thịt, cá, trứng; sữa hoặc sản phẩm từ sữa; rau hoặc trái cây. Cha mẹ có thể chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng có thể chế biến nhanh như trứng, thịt, cà chua, dưa leo, cà rốt, ớt chuông, rau cải, giá....; ngũ cốc ưu tiên loại có nhiều vitamin nhóm B và chất xơ như bánh mì nguyên cám, bánh mì có bổ sung các hạt, yến mạch, mì sợi...; bổ sung sữa, vi khoáng để bổ xương; chất béo chọn loại có nhiều omega 3 như cá béo, dầu nành, mè, ôliu...

Những tác hại khi trẻ thường xuyên bỏ bữa sáng

Mất cân bằng dinh dưỡng, giảm sức đề kháng: Bỏ bữa sáng sẽ khiến nguồn năng lượng ở mức rất thấp nên cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức. Dần dần, khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.

Gây viêm đường tiêu hóa: Không ăn sáng, nhịn đói lâu sẽ khiến axit dạ dày tiết ra gây kích thích dạ dày, hình thành vết thương loét. Khi vết loét để quá lâu hoặc bị tổn thương nhiều lần dễ dẫn đến tình trạng viêm hang vị, thậm chí viêm loét dạ dày tá tràng.

Gây béo phì: Một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Khi không ăn sáng, cơ thể có nhu cầu bù đắp lại năng lượng thiếu hụt nên trẻ em sẽ ăn nhanh, nhiều và no vào bữa trưa, bữa tối. Năng lượng cung cấp quá nhiều vào cuối ngày nhưng không có hoạt động thể lực để tiêu hao sẽ tích lũy dưới dạng mỡ và gây thừa cân béo phì. Các món ăn nhanh nhiều đường, chất béo thường được lựa chọn khi đói bụng càng khiến trẻ dễ tăng cân.

Bữa ăn sáng lành mạnh là ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ảnh minh họa

Bữa ăn sáng lành mạnh là ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ảnh minh họa

Hạ đường huyết: Thói quen bỏ bữa sáng có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp, khiến trẻ bị các triệu chứng như chóng mặt, xanh xao, run rẩy, tim đập nhanh và khó thở.

Ảnh hưởng đến học tập: Bỏ bữa sáng hay ăn sáng vội vàng, qua loa khiến trẻ khó tiếp thu kiến thức khi đến trường, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng và trí tuệ.

Gây hại cho tim mạch: Nhịn ăn sáng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch mãn tính, bao gồm đột quỵ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bỏ bữa sáng bị tăng 27% nguy cơ kéo dài cơn đau tim so với những người ăn sáng đầy đủ.

Suy giảm khả năng miễn dịch: Thời gian nhịn ăn có thể gây ra một số thiệt hại cho tế bào, do đó cơ thể cần được cung cấp thức ăn thường xuyên để giúp tế bào miễn dịch khỏe mạnh hơn, hạn chế nhiễm trùng và chống lại các tế bào gây bệnh.

Nhức đầu, chóng mặt: Não thiếu nhiên liệu như glucose sẽ giảm hoạt động của tế bào não, khiến trẻ cảm thấy đau đầu và chóng mặt.

Nam Anh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Những giải pháp hỗ trợ cần được lựa chọn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

Những giải pháp hỗ trợ cần được lựa chọn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

2 năm trước

Bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất cho hơn 1.500 trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác bị mất cha mẹ do Covid-19, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện...
Chọn mua máy tính bảng cho con học online

Chọn mua máy tính bảng cho con học online

2 năm trước

Nhiều phụ huynh cho biết, vấn đề lựa chọn mua máy tính hay máy tính bảng cho con học online khiến họ đau đầu. Hãy cùng tham khảo ý kiến chuyên gia.
Nâng cao cảnh giác, phòng tránh ngộ độc ở trẻ em

Nâng cao cảnh giác, phòng tránh ngộ độc ở trẻ em

2 năm trước

Ngộ độc đối với trẻ em được xem là một loại tai nạn thương tích nguy hiểm, bởi nó vừa gây hậu quả tức thì, vừa gây hậu quả lâu dài. Để phòng chống ngộ độc ở trẻ em có hiệu...