THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 07:35

Nâng cao cảnh giác, phòng tránh ngộ độc ở trẻ em

15/10/2021 | 15:21
Ngộ độc đối với trẻ em được xem là một loại tai nạn thương tích nguy hiểm, bởi nó vừa gây hậu quả tức thì, vừa gây hậu quả lâu dài. Để phòng chống ngộ độc ở trẻ em có hiệu quả, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Những đồ chơi bằng nhựa như thế này có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho trẻ em. Ảnh TÔM

Những đồ chơi bằng nhựa như thế này có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho trẻ em. Ảnh TÔM

Những hình thức ngộ độc phổ biến ở trẻ em     

Trẻ em có thể bị ngộ độc trong nhiều hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng chủ yếu liên quan đến hệ hô hấp, xúc giác và tiêu hóa. Ngộ độc rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, thậm chí khiến trẻ tử vong.

Ngộ độc liên quan đến hệ hô hấp là việc trẻ hít phải khí độc. Khí độc không phải khi nào cũng có trong không khí, nhưng khí độc sẽ xuất hiện sau một vụ hỏa hoạn,  khi bình ga bị rò rỉ, đun nấu than tổ ong trong phòng kín, đốt than để sưởi ấm trong phòng kín, hóa chất ở các công xưởng nhà máy rò rỉ ra không khí...

Trong thực tế, thời gian qua đã có nhiều vụ trẻ em bị ngộ độc khí CO khi các gia đình đốt than củi để sưởi ấm trong phòng kín. Nhiều trẻ khi được phát hiện đã tử vong vì hít phải khí CO khi ngủ.

Ngộ độc liên quan đến cơ quan xúc giác: Nói một cách dễ hiểu là trẻ bị ngộ độc khi tiếp xúc với những đồ vật nhiễm độc. Một số loại quần áo, đồ chơi, đồ dùng cho trẻ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bày bán có thể nhiễm độc.

Để quần áo, đồ chơi, đồ dùng có màu đẹp, sặc sỡ màu, các nhà sản xuất hay dùng các hợp chất có kim loại như chì, cadmi, chrom… Để các đồ chơi bằng nhựa, chất dẻo được mềm, nhún, chịu nhiệt, các nhà sản xuất thường cho thêm các phụ gia gốc phthalates. Trẻ dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa sẽ bị phơi nhiễm phthalates. Các dẫn xuất phthalate được xác định là các xenoestrogen - những chất làm rối loạn nội tiết, rối loạn hoóc-môn giới tính và gây ra dậy thì trước tuổi ở cả bé gái lẫn bé trai.

Ngộ độc theo con đường tiêu hóa: Đây là ngộ độc do trẻ ăn, uống phải những loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng, hoặc ăn uống phải những thực phẩm kỵ nhau sinh phản ứng hóa học, tạo ra chất độc. Có thể nhận biết ngộ độc theo con đường tiêu hóa thông qua những biểu hiện, triệu chứng như: nôn, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, đau cơ, da tím tái, khó thở, ngưng thở, co giật, trụy mạch, bất tỉnh.

Các gia đình không đốt lửa, than tổ ong trong phòng kín có trẻ em vì nguy cơ ngộ độc khí CO. Ảnh minh họa KT

Các gia đình không đốt lửa, than tổ ong trong phòng kín có trẻ em vì nguy cơ ngộ độc khí CO. Ảnh minh họa KT

Phòng tránh và chống ngộ độc ở trẻ em thế nào?

Để phòng, chống ngộ độc qua đường hô hấp, các gia đình không đốt lửa, than tổ ong trong phòng kín có trẻ em; Đun nấu an toàn với khí ga, hạn chế đun nấu bằng than tổ ong; giữ an toàn phòng cháy… Trường hợp nghi ngờ trẻ em đã bị nhiễm khí độc, cần đưa trẻ ra khỏi nới xảy ra hỏa hoạn, nơi rò rỉ hóa chất, nơi có khí độc tới chỗ thoáng khí. Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên, chân phía trên gập lại để dễ nôn và thông đường thở. Nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Để phòng, chống ngộ độc trẻ em qua con đường xúc giác, phụ huynh cần lưu ý rằng, chất độc trong đồ chơi không đảm bảo chất lượng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều. Hiện nay, trên thị trường có vô vàn các loại đồ chơi của cả các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, trong số đó có không ít đồ chơi nhiễm các chất độc hại đối với trẻ em. Vì vậy, khi lựa chọn đồ chơi cho con, phụ huynh không được dễ dãi mà phải luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Việc phòng, chống ngộ độc trẻ em qua con đường tiêu hóa là khó khăn, phức tạp hơn cả, bởi chuyện ăn uống diễn ra thường xuyên, hàng ngày. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ phải giám sát chặt chẽ chuyện ăn uống của các con. Lựa chọn các địa chỉ mua thực phẩm rõ ràng, chú ý hạn sử dụng của thực phẩm. Không cho trẻ ăn thức ăn lạ, thức ăn đường phố, thực phẩm tái. Giữ vệ sinh trong ăn uống bằng cách ăn chín, uống sôi. Tạo thói quen rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh...

Hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, nhiều tỉnh/thành bắt đầu cho học sinh đi học trở lại và việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú là nhu cầu của rất nhiều phụ huynh. Khi tổ chức cho trẻ ăn bán trú, các nhà trường cũng cần kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh ngộ độc cho trẻ.

Khi phát hiện trẻ em bị ngộ độc, bất kể ở hình thức nào cũng cần được sơ cứu và cấp cứu kịp thời. Gọi cấp cứu hoặc đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp và theo dõi bởi nhân viên y tế.

Anh Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Không chủ quan với sốt xuất huyết ở trẻ em

Không chủ quan với sốt xuất huyết ở trẻ em

2 năm trước

Sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm mùa mưa (khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm) vì đây là thời gian thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và...
Huy động hơn 89 tỷ đồng và 103.000 thiết bị hỗ trợ học sinh học trực tuyến

Huy động hơn 89 tỷ đồng và 103.000 thiết bị hỗ trợ học sinh học trực tuyến

2 năm trước

Qua một tháng triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên toàn quốc, các địa phương đã huy động được hơn 89 tỷ đồng và hơn 103.000 thiết bị hỗ trợ học sinh học trực...