THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 05:42

Cách thoát nghèo của các huyện miền núi Nghệ An

04/11/2018 | 11:20

Miền Tây xứ Nghệ đã tìm ra cách thoát nghèo

Dăm năm trở lại đây, tôi mê miền Tây xứ Nghệ. Lý do để mê thì có nhiều nhưng chủ yếu ở đó rộng rãi, thoáng đãng với những dòng sông cuộn chảy, những cánh rừng tươi tốt và những con người mộc mạc, giản dị, chân tình. Sáu năm trước, tôi gặp anh Vi Tân Hợi (lúc đó anh giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương) và được anh cho biết khá cụ thể về tình hình của các huyện miền núi nói chung, của Tương Dương nói riêng. Qua lời kể của anh Hợi và những gì thu hoạch được trong 4 ngày “ngược xuôi” ở miền Tây xứ Nghệ, tôi hiểu rằng lãnh đạo và người dân nơi này đang tìm cách thoát nghèo.

Dù nghèo, điểm trường Mầm non Mường Lống (Kỳ Sơn) vẫn khang trang

Đúng 6 năm trôi qua, vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, tôi lại có mặt ở miền Tây xứ Nghệ. Người tổ chức chuyến đi này là một anh bạn làm báo giỏi nhưng cực đoan: anh chủ trương không gặp ai là người bản xứ cả. Tôi nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Vi Tân Hợi phải là một trường hợp ngoại lệ chứ? Đến miền Tây Nghệ An mà không gặp Vi Tân Hợi là một thiệt thòi đáng kể đấy!”. Suy ngẫm một lúc, đồng nghiệp của tôi đồng ý gọi điện cho anh Hợi. Thế là tôi lại có một nguồn tin đáng tin cậy để làm giàu có thêm kiến thức của mình.

Có thể nói Nghệ An cơ bản đã tìm ra cách giảm nghèo cho đồng bào miền núi. Cách đó cũng chẳng có gì là phức tạp, cao sang, bí ẩn cả: Tạo điều kiện cho dân vay vốn để tìm cách thoát nghèo ngay trên mảnh đất của mình. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã tạo ra nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững khi giúp gần 500 nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay ưu đãi 5.174 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi có tiền rồi thì cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn đồng bào trồng trọt và chăn nuôi thế nào cho hiệu quả.
 
Thành lập những trang trại nhỏ, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi là mô hình mang lại hiệu quả nhanh chóng. Trường hợp ông Vi Văn Dũng (55 tuổi) ở bản Hòa Sơn, xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn là một ví dụ. Với 10 triệu đồng vay từ năm 2008, đến nay ông Dũng đã có 20 con bò, 30 con dê, 100 con gà đen (gà ác), cùng vườn cây ăn quả 1,8 hecta. Nhiều gia đình học tập ông Dũng nhưng nay họ đã vượt ông Dũng về số lượng đàn gia súc.



Lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ có thể giúp một số gia đình thoát nghèo

Hiểu rõ mảnh đất mình sinh sống để thoát nghèo

Đặc điểm nổi bật của các tỉnh miền núi Nghệ An là đất rộng, người thưa, khí hậu  khắc nghiệt: nóng có thể lên tới 42 độ C, lạnh có khi xuống dưới 0 độ C; nắng lắm, mưa nhiều, độ dốc lớn nhưng đất đai khá màu mỡ. Chăn nuôi và trồng trọt là hai nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ở đây. Tuy nhiên, đã hàng trăm năm làm nghề này nhưng người ở đây nghèo vẫn hoàn nghèo. Vậy mấu chốt hay bí quyết thoát nghèo nằm ở chỗ nào?

Thật ra, cái nghèo đeo bám bà con mãi bởi vì mấy nguyên nhân sau: 1. Thiếu vốn; 2. Chưa quen với tác phong sản xuất hàng hóa; 3. Tâm lý chỉ cần đủ ăn, đủ mặc là được.

Khi đã biết được nguyên nhân của cái nghèo, nghĩa là chúng ta đã có 50% phần trăm cơ hội thoát nghèo. Vấn đề thứ nhất là vốn thì Ngân hàng Chính sách xã hội sẵn sàng giải quyết. Vấn đề thứ hai thì giải thích và chứng minh một cách rõ ràng thì bà con sẽ hiều được. Sản xuất hàng hóa nghĩa là những thứ mình làm ra nhiều, vượt quá yêu cầu sử dụng của mình; mình bán để lấy tiền. Mà tiền thì dùng được vào nhiều việc quan trọng trong cuộc sống. Vấn đề thứ ba cũng có thể giải quyết gần giống với vấn đề thứ hai; nghĩa là chứng minh cho bà con là khi ta có nhiều tiền, ta có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn: tivi, tủ lạnh chưa phải là giới hạn, mà phải có ô tô và nhà cửa khang trang, vững chãi. Hơn nữa, cần phải làm cho đồng bào hiểu rằng, một khi gia đình không còn nghèo nữa thì có điều kiện nuôi con cái học hành tốt hơn.

Như vậy, để thoát nghèo, đồng bào các huyện miền núi Nghệ An phải hiểu rõ đất nơi mình sinh sống phù hợp với loại cây trồng gì? Trồng cây ngắn hạn như ngô, lúa, khoai sắn, chanh leo… để “nuôi” những cây dài hạn như keo, xoan, săng lẻ, đinh hương… Chăn nuôi cũng cần chọn một số giống con khác nhau để chúng “hỗ trợ” lẫn nhau phòng khi có dịch bệnh. Gà, vịt cũng cần phải nuôi vì chúng chóng lớn. Có thể lợi dụng sông, suối, ao hồ để nuôi cá. Dê, bò, trâu là những con vật dễ nuôi thả ở miền rừng. Ngoài ra, các huyện miền núi Nghệ An cũng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện làm du lịch sinh thái để thoát nghèo. Cảnh sắc nơi này hoàn toàn phù hợp cho chuyện làm du lịch. Cái quan trọng là đồng bào cần quen với cách làm ăn lớn.

Trên đường đi, chúng tôi tận mắt thấy rất nhiều dê, trâu, bò được nuôi thả ở những chỗ thích hợp. Ở những ngọn đồi và những khu rừng nằm trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ có khá nhiều trâu bò. Từ Kỳ Sơn sang Quế Phong, trên quốc lộ 16 (đường song song với biên giới Việt Lào), chúng tôi hầu như không gặp ô tô chạy ngược chiều, chỉ gặp những đàn bò khá đông đúc. Bò là vật nuôi có thể thể khiến nhiều gia đình thoát nghèo.

Miền Tây xứ Nghệ rất đẹp nhưng vẫn nghèo; hi vọng trong tương lai gần cụm từ quen thuộc “đẹp và giàu” dùng để nói về miền Tây xứ Nghệ.                                                                               
 

Nguyên Hồ / TC Gia đình & Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...