CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 01:26

Cải thiện cuộc sống của những người yếu thế

04/07/2017 | 09:16
 
Gia đình hạnh phúc cảu bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh.
 
Chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết sứ mệnh của SCDI là gì? 
 
Năm 2010, tôi và các đồng nghiệp thành lập Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) với trọng tâm là trao quyền và tạo ra môi trường thuận lợi để những cộng đồng yếu thế trong xã hội có cơ hội phát triển như những công dân khác, sống và cống hiến cho xã hội.
 
Sứ mệnh của SCDI là nâng cao chất lượng cuộc sống, đánh thức tiềm năng của những nhóm người dễ bị tổn thương và trao quyền, tạo ra môi trường thuận lợi để những cộng đồng đó có cơ hội phát triển vì những mục tiêu tích cực, hòa cùng với sự phát triển của đất nước trong một xã hội bao dung và hòa hợp.
 
Những đối tượng nào được SCDI đặc biệt quan tâm và hướng đến? Vì sao?
 
SCDI hướng đến những người dễ bị tổn thương, yếu thế, hiện còn đang ở ngoài lề của xã hội. Nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu những định kiến và sự kỳ thị khiến họ chưa thể là một phần hòa hợp của xã hội. Hiện nay, SCDI đang hỗ trợ họ tự hình thành mạng lưới, có đủ tự tin để đối thoại với các cơ quan liên quan. Như vậy, các cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách có thể xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, và kết quả là các chính sách có hiệu quả hơn, xã hội hòa hợp hơn. Nếu mọi người lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn và mang đến những điều tốt đẹp, bao dung hơn thì đó là một điều tuyệt vời, đúng không? 
 
Ở SCDI, chúng tôi tin rằng, mỗi người đều có những tiềm năng to lớn, không những có thể giải quyết các khó khăn của chính mình mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Điều mà một số người không có được chính là động lực và môi trường để phát huy các tiềm năng đó. Do đó, thông qua cách tiếp cận nâng cao quyền năng kết hợp với vận động chính sách, SCDI hướng tới việc truyền cảm hứng và vun đắp cho một môi trường phù hợp để các tiềm năng này được phát huy vì những mục tiêu tích cực.
 
Đối với những “đứa trẻ vô hình”, ngoài việc chăm sóc, nuôi, dạy kỹ năng sống..., SCDI có những dự định, kế hoạch gì lâu dài với các em không?
 
Trong quá trình làm việc với các nhóm yếu thế, chúng tôi nhận thấy rằng, con em của những gia đình ấy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Các em như những cây non gặp phải những yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển. Có những yếu tố mình có thể can thiệp vào được - ví dụ như hỗ trợ học bổng hoặc kèm các em học, nhưng cũng có những yếu tố mình rất khó có thể can thiệp được - như môi trường các em sinh sống. 
 
Vì vậy, những hỗ trợ của SCDI cho các em còn hướng đến việc tăng cường khả năng tự thích ứng của các em để các em vẫn có thể phát triển một cách tích cực trong môi trường của mình. Đây là một công việc dài hơi, cho nên cho dù chương trình đã triển khai được 3 năm, chúng tôi vẫn coi rằng mình mới chỉ đang đi những bước đầu tiên - thử nghiệm, nghiên cứu và từ đó để xây dựng các mô hình can thiệp cho các trẻ em này. Chúng tôi mong muốn rằng không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, vì bất cứ lý do nào.
 
Ngoài trẻ em, chúng tôi cũng đang thực hiện một dự án để tìm ra biện pháp can thiệp hiệu quả cho thanh thiếu niên sử dụng ma túy. Chúng tôi đã được Sáng kiến 5% và các chuyên gia Pháp hỗ trợ cho dự án "Bảo vệ tương lai - Chiến lược mới nhằm ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong thanh niên sử dụng ma túy ở Việt Nam", tập trung vào các em từ 16-24 tuổi có sử dụng ma túy. 
 
 
Bác sĩ Oanh cho biết, chị rất biết ơn chồng vì đã luôn hỗ trợ và chăm sóc vợ, con.
 
Vì sao chị lại chọn một con đường đầy khó khăn và thử thách này - cải thiện cuộc sống của những người đang sống bên lề xã hội?
 
Tôi muốn gọi công việc của mình là truyền cảm hứng hơn. Tôi nhận được cảm hứng từ cộng đồng và muốn truyền ngọn lửa ấy cho nhiều người hơn nữa. Mỗi một sự thay đổi tích cực của một thành viên cộng đồng là một niềm vui của tôi, khiến tôi yêu công việc của mình. Tôi biết rằng con đường này không trải bằng thảm đỏ và rắc hoa hồng, tôi biết rằng có rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng như tôi vẫn nói với các đồng nghiệp: "Nếu việc dễ thì có người đã làm rồi, chả đến lượt mình". Chúng tôi có 2 tiêu chí để quyết định có bắt đầu một công việc không: Nếu làm việc này thì có mang lại lợi ích cho những người yếu thế không; Có ai khác làm và làm tốt hơn mình không. Và một khi đã quyết định làm việc gì thì chúng tôi kiên trì để mang lại kết quả. Với tâm thế đó, mỗi bước tiến, dù là nhỏ nhất, cũng là niềm khích lệ với chúng tôi. 
 
Việc cải thiện cuộc sống của những người đang sống bên lề xã hội cũng không chỉ là công sức của riêng mình tôi mà còn có đồng nghiệp, bạn bè, cộng đồng, gia đình và rất nhiều người đã tin tưởng và hỗ trợ tôi. Nhưng nếu chia sẻ về trải nghiệm khiến tôi nỗ lực như ngày hôm nay, thì tôi có thể nhắc đến 2 thời điểm bước ngoặt, đó là thời điểm tôi tiếp cận với những người nhiễm HIV, và thời điểm cách đây 20 năm, tôi bị ốm rất nặng nhưng đã thoát chết. 
 
Từ trải nghiệm đó, tôi nhận ra rằng, chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Nếu ta chỉ sống cho mình thì sau khi mình chết, mình sẽ biến mất hoàn toàn khỏi thế gian này và sự có mặt của mình trên đời chả có chút ý nghĩa gì. Trải nghiệm cận kề với cái chết ấy đã thức tỉnh tôi, khiến tôi cố gắng sống vượt ra ngoài bản thân mình. Và trong chặng đường đó, tôi đã gặp bao nhiêu người tuyệt vời. Từ những người đoạt giải Nobel cho đến những người yếu thế nhất trong xã hội, những người đã luôn luôn động viên, truyền cảm hứng cho tôi, để tôi tiếp tục làm việc, tiếp tục phục vụ cho cuộc sống này.
 
Lịch công tác của chị luôn “kín đặc”, thời gian chị dành cho gia đình vào lúc nào? 
 
Chồng tôi là một bác sĩ người Pháp và chúng tôi có ba cậu con trai và một cô con dâu rất đáng yêu. Chúng tôi là một gia đình hạnh phúc, cho dù ba con của chúng tôi là "con anh, con em, con chúng ta". Tất cả mọi người trong gia đình đều yêu thương nhau, sống chân thành và quan tâm đến nhau. Tôi rất biết ơn chồng vì đã luôn luôn hỗ trợ tôi, đã chăm sóc con cái, gia đình và cả bản thân tôi nữa để tôi có thể làm những việc gần với trái tim của mình. Tôi cũng rất tự hào và biết ơn các con tôi vì đã là những đứa con ngoan và biết chia sẻ, để tôi có thể dành thời gian và tâm trí phục vụ những người khác. Về phần mình, tôi cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể cho gia đình mình. Mỗi chuyến đi công tác của tôi đều được bố trí để tôi chỉ phải xa gia đình trong thời gian tối thiểu. Tôi thích ở nhà, thích nấu ăn, rửa bát, là quần áo, dọn dẹp, thích dành thời gian cho gia đình, đi cafe với ông xã, nói chuyện với các con. 
 
Vâng, xin cảm ơn và chúc chị sức khỏe, hạnh phúc!

Thảo Vân (Thực hiện)/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...