THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 11:20

Cạm bẫy hư danh

30/07/2018 | 15:37
 
 Dạy con trung thực không chỉ là cho mình mà còn là tạo ra môi trường trung thực để thế hệ trẻ tôn trọng giá trị đó. Ảnh minh họa (Internet)
 
1. Vụ gian lận thi cử chấn động vừa qua ở Hà Giang, Sơn La… đã đặt cho nền giáo dục nước nhà một câu hỏi: Còn có ý nghĩa gì không những lời giáo dục đạo đức về tính thật thà, sự ngay thẳng, trung thực, những hành động mang tính phẩm giá? Không ai có lương tâm, có trách nhiệm với tương lai thế hệ trẻ lại dửng dưng, vô cảm trước vấn nạn này. Gian lận trong thi cử kéo theo một vấn đề đáng quan ngại khi thói hư danh đang khuyến khích sự gian dối.
 
Chúng ta có thể thấy rất nhiều biểu hiện của tính háo danh. Chẳng hạn, có những cá nhân hay tự phô trương về bằng cấp, vị trí của mình. Có những tấm danh thiếp thậm chí viết đầy các chức tước. Chắc chắn, đặc tính háo danh thì dân tộc nào cũng có, đó cũng là một thói tật phổ biến toàn nhân loại. Chỉ có ở từng cộng đồng một, việc người ta ý thức về nó như thế nào, hay tìm cách để loại bỏ nó đi, thì không giống nhau.
 
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh gần một thế kỷ trước đã cảnh báo xác đáng rằng: Dân ta là dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới, từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ, bố cu, cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá, ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội; cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông, thầy phán. Hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện. Có chí mà không làm nổi, đó là vì tài lực không đủ, thật không đáng trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là hạng người sau: sống ở đời, không có mục đích gì cao hết. Họ không có một cuộc đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng tiền, mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ, bán rẻ nhân cách.
 
Người ta chen lấn, giành giật và mặc cả với nhau để có cái danh. Thị trường bỗng dưng hình thành, người có nhu cầu cái danh gặp gỡ người có khả năng cung cấp cái danh. Các loại giải thưởng và các loại bằng khen nảy nở như nấm sau mưa. Từ cái danh "nhà khoa học thế giới" đến cái danh "nhà quản lý toàn cầu" đều được ban phát dễ dãi, bởi những kẻ không mấy tường tận về "khoa học" lẫn về "quản lý". Kẻ nhận thì hả hê mãn nguyện, kẻ trao thì thong dong đếm tiền, chỉ có những người tha thiết với sự tiến bộ xã hội thì ê chề và xót xa.
 
Giả dối đang tồn tại ở nhiều tầng bậc, ngóc ngách của cuộc sống, chính thói hư danh, trọng bằng cấp, chạy theo thành tích của nhiều người đang khuyến khích thói gian lận. Nhiều người đang lợi dụng thói hư danh, chạy theo hình thức để tư lợi riêng, khiến xã hội nảy sinh sự gian dối. Con cái năng lực kém nhưng vẫn cố chạy bằng cấp, chạy điểm số để được vào chỗ tốt, cho đủ quy trình. Người ta dùng tiền để chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích để thỏa mãn thói hư danh, rồi dùng cái danh ấy để thu nhập trở lại.
 
Sống trung thực là lẽ sống cho cả cuộc đời một con người. Để là người sống trung thực, tử tế quả là một thách thức lớn. Ông cha ta đã nói tới sự tích đức và luôn khuyên bảo con cháu cái tích đức, trọng danh dự. 

 
Ở trong nhà trường, trong xã hội, sự trung thực luôn cần được tôn vinh. Ảnh minh họa (Internet)
 
2. Sự tham danh vọng, sự sĩ diện và hành vi gian lận của nhiều người lớn trong xã hội đang trở thành tấm gương xấu cho những đứa trẻ. Chúng ta dạy trẻ những bài học về tính trung thực, nhưng trẻ lại không thể áp dụng được trong cuộc sống, vì khi ra ngoài xã hội, chúng chỉ quan sát được sự giả dối, thói hư danh từ những người lớn, từ bạn bè. Dần dần, chúng bình thường hóa hành vi gian dối. Các bậc cha mẹ phải ý thức được rằng, dạy con trung thực không chỉ là cho mình, mà còn là tạo ra môi trường trung thực để thế hệ trẻ tôn trọng giá trị đó. Ở trong nhà trường, trong xã hội, sự trung thực luôn cần được tôn vinh.
 
Học để thành tài vẫn là ước muốn đáng trân trọng của những người trẻ tuổi. Trong thời đại kinh tế tri thức hôm nay thì học vấn, lập nghiệp, lập danh bằng sự học càng nóng bỏng hơn bao giờ hết… Một nhận thức mang diện rộng, với sự đua tranh rất cao là chỉ có bằng đại học trong tay mới mong thoát kiếp nghèo, mở mày mở mặt, mới có hy vọng leo cao các nấc thang trọng vọng. Bằng cấp được đề cao, phóng đại. Chính người lớn khiến cho con em mình thấy bằng mọi giá phải có bằng cấp. Hơn cả lời khuyên nhủ, sức ép ngấm vào trẻ khi còn nhỏ. Trẻ phải run rẩy, đối phó, tới lớp đến trường như đặt cược vào số phận mình, để gánh trên lưng cả trái núi áp lực, cõng cả những hư danh mà người lớn đặt vào. Trẻ em thành vật thế chấp cho những mặc cả mua bán lạnh lùng về vật chất của người lớn.
                                                                                                        
Không ai có lương tâm, có trách nhiệm với tương lai thế hệ trẻ lại dửng dưng, vô cảm trước vấn nạn này. Nó kéo theo một vấn đề khác đáng quan ngại khi thói hư danh đang khuyến khích sự gian dối.

Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...