THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 10:06

Cảm xúc Khâm Thiên

25/12/2017 | 15:43
 
Tượng đài tưởng niêm ở phố Khâm Thiên.
 
1. Ở giữa phố Khâm Thiên, bức tượng đài có hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52 như một chứng tích in dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. 577 người chết và bị thương trong đêm 26/12/1972 khi Mỹ rải thảm bom B52 xuống phố Khâm Thiên, được đúc kết bằng hình tượng kiên cường, mạnh mẽ ấy. 45 năm đã trôi qua, vết thương lòng chưa hẳn nguôi ngoai, nhất là khi mỗi chúng ta đi ngang qua tượng đài, tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong trận chiến 12 ngày đêm ấy, trong đó có cả những bé thơ.
 
                               “Anh đã đi tìm các em
                               Những đêm Khâm Thiên đầy máu lửa
                               Tiếng anh gọi chân trời vọng lại
                               Ở trên đầu giặc vẫn ném bom 
                               Các em ở đâu? Mặt đất giấu nơi nào?”
          (Nhớ những em bé Khâm Thiên ngày ấy - Nguyễn Quang Thiều)
 
Mỗi lần đi qua tượng đài Khâm Thiên, nhiều người đều cúi đầu tưởng nhớ những người con Hà Nội đã ngã xuống trong đợt ném bom cao điểm 12 ngày đêm năm 1972 của giặc Mỹ. Trong những vong linh ấy, có cả những người thân, bạn bè của họ. Vào những ngày chớm đông gió lạnh, dòng chữ sau tượng đài “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ - 26/12/1972” khiến cho niềm thương xót hàng trăm con người ngã xuống bởi bom B52 càng nhói lên. Đài tưởng niệm ở phố Khâm Thiên ngày nay được người ta quen gọi là “phố vắng 3 số nhà”. Cùng với ngôi nhà số 47 - nơi hai mẹ con bị bom B52 lấy đi tính mạng, thì ngôi nhà số 49 và 51 cũng bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền thành phố quyết định lấy mảnh đất nơi có 3 ngôi nhà này làm Khu tưởng niệm Khâm Thiên. 
 
Ý tưởng xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B52 của giặc Mỹ năm 1972 được phát động. Tượng đài vừa như một khúc tưởng niệm ghi sâu, vừa như một ý chí.
 
 
Phố Khâm Thiên ngày mùa đông.
 
2. Năm tháng trôi qua, giờ đây, nhìn vào ngày tháng ấy, thời điểm ấy, qua những bức ảnh, thước phim tư liệu, người ta thường thấy một Hà Nội trong nước mắt tang thương. Nhưng những ai từng thật sự trải qua, đứng trong những ngôi nhà đổ nát phố Khâm Thiên những ngày đó, đều nhớ đến một Hà Nội nén chặt đau thương lại để ngẩng cao đầu, vượt qua, hướng về chiến thắng.
 
Người Hà Nội, người Khâm Thiên không gục ngã trước đe dọa của bom đạn. Từ trong những ngôi nhà đổ nát vì bom, từ ngõ phố, trường học, xóm làng…, hàng vạn thanh niên Thủ đô tình nguyện ra mặt trận nóng bỏng bom đạn. Cả thành phố như đi chung một con đường, thân ái chia sẻ bên nhau vì ngày hòa bình của cả dân tộc.
 
Sống và tận hưởng bầu trời hòa bình hôm nay, không ít người Hà Nội từng sống hay thế hệ hôm nay được nghe kể và ôn lại, sẽ không khỏi suy nghĩ, làm thế nào, nhờ vào đâu mà Hà Nội có thể chịu đựng được, vượt đứng dậy trong sự tàn khốc của bao tấn bom hủy diệt, để rồi cùng cả nước tiến được tới ngày toàn thắng?
 
Qua phố Khâm Thiên tháng 12, phố mùa đông, những tán cây lá vàng đỏ, con phố  cũ từng là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua đêm trên gác trọ để sáng tác bài hát bất hủ “Đêm đông”. Con phố có những chuyến tàu cần mẫn đi qua nơi đầu phố, tiếng còi tàu vọng mãi... Con phố của “một thời đạn bom - một thời hòa bình”. Giữa tấp nập ngày hôm nay, có những khoảng lặng đầy thiêng liêng của hồi ức về tháng 12 rực lửa bầu trời Hà Nội năm xưa... 12 ngày đêm năm 1972 Hà Nội làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Hà Nội có một Khâm Thiên với bao tổn thương lớn. Bao gia đình chung ngày giỗ, chung ký ức đau thương...
 
Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã đổi thay. Bộ mặt đô thị đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Những khu phố sầm uất, những dãy nhà cao tầng và cuộc sống no ấm đã xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Khâm Thiên hôm nay tươi sáng màu với Rạp chiếu phim Dân chủ đông vui mấy ca chiếu mỗi ngày, với những cửa hiệu thời trang sang trọng, cửa hàng bánh xinh xắn hay quán ăn nức tiếng khắp Thủ đô. Ký ức đau thương ngày nào giờ chỉ còn là hình ảnh Đài tưởng niệm (mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là Bia Căm thù) nơi góc phố, với bức tượng người phụ nữ bế xác trẻ thơ... Nơi, để hàng ngày, những người còn sống nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp được. Nơi, để thế hệ trẻ biết đến tội ác của B-52 và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 
 
Qua màn sương, tiếng còi tàu qua đầu phố Khâm Thiên như báo sáng ngày mùa đông. Những ngôi nhà đã dần mở ngững cánh cửa đón ban mai. Phố xá vào một ngày mới tấp nập “…nhớ phố Khâm Thiên, đường Nguyễn Du…”. Khâm Thiên hôm nay đầy âm thanh và sắc màu. Con phố cũ mang trong mình lịch sử cùng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến đang sống tưng bừng sức trẻ thời mở cửa, còn đó những kỷ niệm một thời đạn bom, cất giữ cả nỗi mất mát và tinh thần vượt lên.
                                                                                                                  
Những ai từng thật sự trải qua, đứng trong những ngôi nhà đổ nát phố Khâm Thiên những ngày đó, đều nhớ đến một Hà Nội nén chặt đau thương lại để ngẩng cao đầu, vượt qua, hướng về chiến thắng.

Sơn Thành/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...